TPHCM: “Giải bài toán” sĩ số học sinh tăng đột biến

GD&TĐ - Năm học 2018 - 2019, TPHCM có tổng cộng 1.677.071 HS từ mầm non đến THPT, tăng 67.240 em so với năm học trước. Cụ thể: Mầm non tăng 20.225 HS; Tiểu học tăng 26.812 HS; THCS tăng 10.406 HS; THPT tăng 9.791 HS. Điều này đặt ra cho ngành GD nhiều vấn đề phải xử lý để đáp ứng nhu cầu học tập của HS: Cơ sở vật chất trường lớp học, đội ngũ cán bộ giáo viên; song song với đó là yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Một tiết học của cô và trò Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TPHCM)
Một tiết học của cô và trò Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TPHCM)

Không để bất cứ HS nào thiếu nơi học

Theo Sở GD&ĐT, để đáp ứng nhu cầu chỗ học cho số HS tăng thêm trong năm học 2018 - 2019, TP cần xây mới gần 1.000 phòng học. Đây là những con số đã được dự liệu trước, do đó ngành GD không bị bất ngờ và bị động trước sự gia tăng HS. Đơn cử như quận Bình Tân, là quận đông dân nhất TPHCM và cũng là quận có số HS tăng thêm cao nhất trong năm học này, nhưng việc đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho HS vẫn được bảo đảm.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân - cho biết: “Năm học này, Bình Tân tăng thêm trên 7.200 HS các cấp, đông nhất là cấp tiểu học, tăng 5.170 em, nhưng quận vẫn đảm bảo đủ số chỗ học cho tất cả HS trong độ tuổi đến trường”.

Được biết, quận Bình Tân hiện có 290 nhóm lớp trẻ tư thục và 66 nhà trẻ - trường mầm non tư thục, đã và đang đáp ứng tới 73% nhu cầu gửi trẻ của toàn quận. Từ nguồn ngân sách của quận và của TP, để chuẩn bị cho năm học mới, quận Bình Tân đã đầu tư 407 tỷ đồng xây dựng mới 3 trường mầm non, xây 16 các phòng chức năng và các công trình phụ trường học, đưa vào sử dụng 100 phòng học mới... Đó là chưa tính số kinh phí 26 tỷ đồng đã đầu tư cho các công trình sửa chữa nhỏ trường lớp, làm hệ thống phòng cháy chữa cháy và sắm trang thiết bị dạy học… Về đội ngũ giáo viên, quận cũng đã triển khai tuyển dụng đợt 1 được 113 giáo viên và đang đề xuất TP duyệt chỉ tiêu tuyển thêm 405 chỉ tiêu để đáp ứng sự gia tăng của số HS.

Không chỉ với quận Bình Tân, yêu cầu tăng thêm đội ngũ giáo viên trong năm học mới cũng là điểm chung của tất cả các quận, huyện trên toàn địa bàn TPHCM. Hiện TP đã lên phương án tuyển dụng mới khoảng 5.000 giáo viên từ mầm non tới THPT, để bổ sung số giáo viên đang thiếu và thay thế số nghỉ hưu, số chuyển địa bàn công tác ngoài TP hoặc chuyển công tác khác.

Việc xã hội hóa đầu tư vào GD cũng được tăng cường, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP: Không để xảy ra tình trạng trường học thiếu giáo viên, HS thiếu chỗ học khi bước vào năm học mới. Hiện thực hóa chủ trương này, trong 5 năm qua (2013 - 2018), TPHCM đã phát triển thêm gần 170 trường học ngoài công lập (tăng 24,7%), với số HS hơn 58.200 em. Hiện TP cũng có khoảng 10.800 HS và 1.345 giáo viên đang dạy học ở 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài…

Giao quyền tự chủ - giải pháp nâng cao chất lượng GD

Một thông tin tích cực khác đối với ngành GD-ĐT TPHCM trước thềm năm học mới: Đó là sau năm 2020, TP sẽ thực hiện giao đầy đủ quyền tự chủ về nhân sự đối với các trường THPT.

Thực tế lộ trình này đã được TPHCM thí điểm triển khai từ năm 2016 khi có 14 trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, trường mầm non và trường chuyên biệt được phân cấp tuyển dụng giáo viên, nhân viên. Năm học 2018 - 2019, TP tiếp tục phân cấp tuyển dụng đối với các trường chuyên, trường năng khiếu và 24 trường THPT trên địa bàn.

Với chủ trương cho phép tuyển dụng cả giáo viên không có hộ khẩu thường trú tại TP, thêm việc mấy năm nay TP luôn ưu tiên dành tới 25% ngân sách cho GD-ĐT, TPHCM đang chuẩn bị lộ trình miễn học phí cho HS THCS (với điều kiện chi cho các trường THCS không giảm mà có thể sẽ tăng thêm)… Tất cả những sự ưu ái đặc biệt này, chắc chắn là luồng sinh khí đầy hứng khởi cho thầy và trò TP mang tên Bác vào năm học mới 2018 - 2019. 

Tín hiệu tích cực rõ nét nhất từ những trường đã được phân cấp tuyển dụng giáo viên là trách nhiệm của hiệu trưởng được nâng cao lên. Hầu hết giáo viên được tuyển theo hình thức này đảm bảo sự công bằng, minh bạch, đạt các tiêu chuẩn quy định, say mê nghề nghiệp, bước đầu khẳng định được năng lực chuyên môn thực sự, hạn chế tối đa tiêu cực “chạy” biên chế. Bên cạnh đó, các trường cũng chủ động sử dụng ngân sách và các khoản thu khác một cách tiết kiệm, đạt hiệu quả tốt, góp phần tăng thêm thu nhập hợp pháp cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường…

Thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, hiện ngành GD TP có 5 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động; hơn 1.220 đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động và 98 đơn vị hoàn toàn do ngân sách đảm bảo chi phí hoạt động.

Bức tranh GD đa màu sắc này, không chỉ giúp TP HCM giải quyết bài toán quá tải trường lớp, đỡ gánh nặng ngân sách chi cho GD, mà còn tạo sự cạnh tranh cần thiết giữa tất cả các loại hình trường học để nâng cao chất lượng GD toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.