Mở rộng mạng lưới trường lớp để giải quyết tình trạng quá tải ở cấp tiểu học

GD&TĐ - Nội dung chính được bàn đến tại tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 giáo dục tiểu học Hà Nội diễn ra chiều 13/8 là việc tiếp tục mở rộng mạng lưới trường lớp để giải quyết tình trạng quá tải ở cấp tiểu học.

Các lớp học cấp tiểu học ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải
Các lớp học cấp tiểu học ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải

Hiện nay, Hà Nội có gần 680.000 học sinh, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng hơn 38.000 học sinh so với năm học 2016-2017.

Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 học sinh, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 học sinh/ lớp. Trong khi đó, Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành quy định mỗi lớp có không quá 35 học sinh.

Để giải quyết tình trạng quá tải và chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã tập trung tham mưu chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới trường, lớp học và tăng cường mua sắm trang thiết bị dạy học.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số học sinh mỗi lớp, bảo đảm không quá 45 học sinh một lớp.

Đối với những trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện thời lượng tối đa không quá 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/ tuần.

Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa là 4 tiết/ tháng thực hiện tích hợp vào nội dung các môn học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường.

Các trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng; hạn chế tối đa việc giao bài tập về nhà cho học sinh.

Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ ngày phải đảm bảo thời lượng không quá 7 tiết/ ngày, một tuần không quá 35 tiết. Các tiết học chính khóa phải được xếp ở buổi học thứ nhất (buổi sáng) của các ngày học trong tuần.

Các trường đảm bảo thời lượng tối thiểu có 1 tiết/ngày học sinh tự học có hướng dẫn. Các tiết học có hướng dẫn cùng các tiết học liên kết và tăng cường bổ trợ được xếp vào các giờ học buổi chiều của các ngày học trong tuần. Sở GD&ĐT nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh.

Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày cần lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tăng cường tiếng Việt bằng các hình thức đa dạng và phong phú để các em có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).