Nỗ lực đưa trẻ dân tộc thiểu số đến trường

GD&TĐ - Công tác vận động học sinh ra lớp luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục , đặc biệt là học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nỗ lực đưa trẻ dân tộc thiểu số đến trường.
Nỗ lực đưa trẻ dân tộc thiểu số đến trường.

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động

Xã Quảng Chu là đặc biệt khó khăn của huyện Chợ Mới với 1120 hộ dân, 4256 khẩu, tỷ lệ người DTTS chiếm trên 65%. Với đặc thù là xã vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức của không ít gia đình vẫn chưa thực sự coi trọng vai trò của việc học hành.

Cô giáo Nguyễn Thị Huế, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Chu, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Năm học 2023 – 2024, trường có tổng số 11 lớp với 224 học sinh, trường đón 67 học sinh ra lớp, trường có 1 điểm chính và 2 điểm trường lẻ trong đó tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 95%.

Những năm trước đây, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học hoặc đến trường muộn, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các thầy, cô giáo thực hiện việc tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với với chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể đến từng hộ gia đình vận động học sinh đến lớp. Bước vào năm học mới, nhà trường đã phân công cụ thể, chia các tổ, phối hợp với đoàn thể tại địa phương đến từng nhà vận động con em ra lớp.

Đến nay, tỷ lệ học sinh ra lớp của trường luôn đạt 100%.

Đến nay, tỷ lệ học sinh ra lớp của trường luôn đạt 100%.

Cô giáo Đàm Thị Khuyên, công tác tại điểm trường Đồng Luông, trường Mầm non Quảng Chu, huyện Chợ Mới cho biết: “Đầu năm học mới luôn là thời điểm các cô giáo phải tập trung cao điểm để đưa học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ hè. Thời gian nghỉ học khá lâu nên tâm lý các em ngại tới trường và bố mẹ nhiều em đi làm ở công ty, nên việc chăm sóc, giáo dục đa phần giao phó cho ông bà ở nhà.

Nhiều lúc, các giáo viên phải cùng ăn, cùng ở, với gia đình học sinh, dần dần thuyết phục, tạo dựng niềm tin thì phụ huynh mới chấp nhận cho con em họ tiếp tục quay lại trường. Nhiều giáo viên khác lại nhờ tới sự giúp đỡ của già làng, trưởng thôn, trong những buổi họp trưởng thôn sẽ nói về những lợi ích của việc cho con tới trường.

Bên cạnh đó, với những lớp học vùng cao, rào cản ngôn ngữ cũng luôn là trở ngại lớn trong việc vận động các em đến trường bởi có rất nhiều em khi đủ tuổi đến trường mới bắt đầu học tiếng phổ thông. Do đó, các cô giáo ngoài việc tích cực bồi dưỡng chuyên môn, còn phải thông thạo tiếng dân tộc thiểu số để có thể chủ động giao tiếp và làm tốt công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả.

Tăng cường củng cố trường lớp

Song song với đó, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch học tập, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các em nhà trường cũng tăng cường củng cố, sửa chữa làm mới trường, lớp học, khu vui chơi để tạo cảnh quan, môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Năm học này, điểm trường Đồng Luông có 48 học sinh, trong đó 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, Dao. Do đó, công tác vận động học sinh ra lớp là nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Huế, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Xác định việc tạo cảnh quan, môi trường học tập tốt sẽ góp phần vận động trẻ tới lớp, duy trì sĩ số học sinh. Do đó, nhà trường đã phối hợp cùng với phụ huynh cải tạo một số công trình, hạng mục như sơn sửa lại cửa các lớp học, làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí lớp học, cải tạo khu sân điểm trường, cổng trường…

Cô và trò điểm trường Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vui mừng khi được học tập trong môi trường khang trang, sạch, đẹp.

Cô và trò điểm trường Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vui mừng khi được học tập trong môi trường khang trang, sạch, đẹp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân thường xuyên dành nguồn lực hỗ trợ, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số. Qua đó, chia sẻ phần nào khó khăn với cô và trò trường, giúp các thế hệ học sinh nhà trường có thêm động lực nối dài con đường tri thức.

Nổi bật

Đừng bỏ lỡ