Hơn một năm Quyết định số 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai. Tại các địa phương đã ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc với những chuyển biến tích cực.
Bà Huỳnh Thị Phượng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để nâng “chất”
Bà Huỳnh Thị Phượng. |
Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn để tăng cường công tác y tế; rà soát, hoàn thiện các quy định về y tế học đường; hướng dẫn các trường tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh.
Hằng năm, trung tâm, cơ sở y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh (khám định kỳ, truyền thông giáo dục sức khỏe…). Dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác y tế trường học còn khó khăn. Cụ thể, trong môi trường học đường, học sinh còn gặp phải các bệnh như: Cận thị, viễn thị, cong vẹo cột sống, răng miệng, truyền nhiễm, ốm đau, tai nạn thương tích đột xuất, thừa cân, béo phì, dinh dưỡng không hợp lý...
Với ý thức về hoạt động y tế trường học không đơn giản là sơ cấp cứu, mà còn tổ chức triển khai truyền thông giáo dục sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh cho học sinh; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cải thiện sức khỏe, tinh thần học sinh… nên Sở GD&ĐT Tiền Giang đều đặn tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh cho cán bộ quản lý và giáo viên. Về lâu dài, ngành hướng tới đầu tư đồng bộ, bài bản và chung tay cùng các cấp, ngành thực hiện y tế trường học.
Để thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, giải pháp quan trọng mà Sở GD&ĐT đã đặt ra là bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế… nhằm bảo đảm điều kiện triển khai hiệu quả y tế trường học, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định. Mặt khác, ngành còn ưu tiên, đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị để bảo đảm điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng công tác y tế trường học, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu và bữa ăn học đường với trường vùng sâu, khó khăn.
Tuyên truyền y tế học đường tại trường THCS Quỳnh Mai. Ảnh: Dương Ngọc (TTXVN) |
Giải pháp chủ yếu nữa là ngành Giáo dục sẽ tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên trách hoặc kiêm nhiệm (kể cả trường hợp không thuộc biên chế trường học) triển khai công tác y tế phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, trường học; Đổi mới công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường…
Ngành đồng thời chú trọng việc mua sắm, sửa chữa bàn ghế phù hợp với chiều cao, lứa tuổi, nhất là học sinh khuyết tật; Xây mới, sửa chữa, nâng cấp công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh; Bảo đảm các điều kiện khác về vệ sinh trường học, đáp ứng yêu cầu chất lượng và vệ sinh theo quy định; Bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, tổ chức bữa ăn chất lượng, an toàn, đúng quy định...
Ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Gần 100% cơ sở giáo dục có nhân viên y tế
Ông Nguyễn Hữu Nhân. |
Ngoài giáo dục đạo đức lối sống, rèn luyện năng lực chuyên môn thì việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật, tai nạn thương tích vô cùng cần thiết. Mặt khác, sức khỏe của học sinh cũng có thể diễn biến không tốt bất kỳ lúc nào. Dịch bệnh liên tiếp cũng giúp nhận ra nhân viên y tế trường học có vai trò lớn trong việc đề xuất, thực hiện biện pháp phòng chống dịch…
Ngành Giáo dục TP Cần Thơ với nhiều nỗ lực, giải pháp linh động, tuyên truyền, thuyết phục nên gần 100% cơ sở giáo dục có nhân viên y tế. Thậm chí, một số trường học có chế độ hỗ trợ riêng nên nhân viên y tế an tâm công tác. 100% trường học có phòng, tổ tư vấn tâm lý học sinh và bước đầu phát huy hiệu quả. Hiện tượng tiêu cực do tâm lý bất ổn trong học sinh ngày càng được khắc phục.
Để nâng cao chất lượng công tác này, mỗi trường phấn đấu có 1 chuyên gia tâm lý đào tạo chuyên ngành, hằng năm được trao đổi, bổ sung, cập nhật kiến thức; tăng cường phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh, đoàn thể địa phương… Mặt khác, Sở GD&ĐT đã có kiến nghị các đơn vị liên quan đến công tác y tế trường học bố trí ít nhất 1 nhân viên y tế/trường, 2 nhân viên y tế/trường có 1.000 học sinh trở lên. Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế mở chuyên ngành đào tạo nhân viên y tế học đường theo bậc học để đảm bảo công tác y tế học đường giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025, đề ra các chỉ tiêu trong chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học. Đây chính là cơ sở quan trọng để tăng cường công tác y tế trường học; rà soát, hoàn thiện các quy định về y tế trường học; hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống các dịch bệnh, bệnh tật trong trường học…
Ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam: Mở rộng tiêu chí để bổ sung nguồn tuyển
Ông Phùng Văn Huy. |
Quảng Nam có ít trường đủ nhân viên y tế học đường và chủ yếu được tuyển dụng trước đây. Hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chỉ ra là: Các trường học có nhu cầu tuyển dụng nhân viên y tế học đường giai đoạn sau gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Mặt khác, theo yêu cầu vị trí việc làm, nhân viên y tế học đường phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, tức là tối thiểu phải là y sĩ đa khoa. Trên thực tế, số người tốt nghiệp y sĩ đa khoa ít, các cơ sở đào tạo y tế đã ngừng đào tạo mã ngành này. Hầu hết trường học phải hợp đồng với nhân sự đào tạo điều dưỡng cho vị trí nhân viên y tế học đường do không có hồ sơ ứng tuyển đạt yêu cầu trình độ đào tạo.
Một nguyên nhân nữa, khi thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, Sở Nội vụ Quảng Nam chỉ giao cho mỗi đơn vị từ 4 - 5 chỉ tiêu đối với vị trí nhân viên trường học. Tùy theo đặc thù từng trường (ví như trường mầm non, trường có tổ chức bán trú…) thì hiệu trưởng sẽ dành một chỉ tiêu biên chế nhân viên y tế. Còn lại, các trường gần như ưu tiên cho những vị trí khác như kế toán, nhân viên thiết bị, văn thư…
Đa số các trường không có nhân viên y tế đang duy trì hình thức hợp đồng theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho học sinh với trạm y tế xã, phường. Học sinh gặp vấn đề về sức khỏe, tai nạn… khi đang sinh hoạt tại trường cũng chuyển đến trạm y tế xã để kịp thời sơ cấp cứu. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu không được thực hiện tại trường nên các trường còn gặp khó khăn trong việc thuyết phục phụ huynh tham gia bảo hiểm y tế.
Ảnh minh họa: ITN |
Sở GD&ĐT Quảng Nam và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có văn bản thỏa thuận nên các trường không gặp vướng mắc trong quá trình chi trả kinh phí y tế học đường theo quy định. Nhà trường vẫn được trích 5% từ tổng thu Bảo hiểm y tế để sử dụng cho công tác y tế như mua sắm thuốc và các thiết bị phục vụ. Song 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cho thấy, trường học “trắng” nhân viên y tế học đường thực sự bất cập. Ngay cả công tác tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 cũng phải cử giáo viên tham gia để tự triển khai tại trường.
Quảng Nam vừa qua bùng phát dịch sốt xuất huyết. Theo dõi các trường học, nhận thấy những nơi có số lượng ca mắc sốt xuất huyết cao chủ yếu rơi vào địa phương còn “trắng” nhân viên y tế học đường. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần mở rộng tiêu chí trong yêu cầu đào tạo với vị trí nhân viên y tế học đường để bổ sung nguồn tuyển; có thể tuyển dụng điều dưỡng cho công việc này. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần đưa tiêu chí có nhân viên y tế học đường trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường, tránh tình trạng cấp “gói tiêu chí cứng” thì nhiều trường học sẽ cắt vị trí việc làm này để ưu tiên cho công việc khác.
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: Lấp “chỗ trống” bằng Ban Chăm sóc sức khỏe
Ông Nguyễn Văn Đoạt. |
Điện Biên hiện có 435 trường học các cấp, tuy nhiên chỉ 313 trường có nhân viên y tế (chiếm gần 72%), số còn lại chưa có (trong đó mầm non 70 trường, tiểu học 40, THCS 35, THPT 25). Không những thiếu, trên thực tế trình độ nhân viên y tế tại các cơ sở giáo dục địa phương còn chưa đảm bảo.
Để chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đặt ra, Sở GD&ĐT Điện Biên đã phối hợp với ngành Y tế địa phương tham mưu chính quyền các cấp ban hành Kế hoạch triển khai từ sớm. Căn cứ vào văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND các cấp và sở, ngành liên quan, ngành Giáo dục chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch riêng, với nhiệm vụ cụ thể.
Đặc biệt, trước thiếu hụt nguồn nhân lực, ngành Giáo dục Điện Biên đã kiện toàn và phát huy hiệu quả Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh. Đây là lực lượng thường trực thực hiện các nhiệm vụ liên quan ở cơ sở, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng lấp “chỗ trống” tại các đơn vị trường học còn thiếu nhân viên y tế.
Đến nay, 100% trường học địa phương đã có Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh đúng, đủ thành phần theo quy định. Trên cơ sở này, nhà trường phân công nhiệm vụ cho các thành viên, trách nhiệm của giáo viên và người chăm sóc; quy chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng...
Mỗi nhà trường sẽ xây dựng quy định riêng về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; phòng chống tai nạn thương tích; đảm bảo an toàn thực phẩm; dinh dưỡng; hoạt động thể lực… phù hợp thực tế. Thành viên Ban Chăm sóc sức khỏe dựa trên những quy định này để tham mưu kế hoạch tổ chức và trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các điều kiện vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm; nước uống, nước sinh hoạt, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn đảm bảo đáp ứng nhu cầu học sinh. Đặc biệt, phối hợp cùng lực lượng y tế trong thực hiện các chiến dịch truyền thông, tiêm chủng, kiểm tra định kỳ…
Năm học 2021 - 2022, có hơn 144.500 học sinh phổ thông được kiểm tra sức khỏe. Trong đó, gần 125.000 em phát triển bình thường (đạt 86,47%). Căn cứ kết quả kiểm tra này, các cơ sở giáo dục đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, Ban Chăm sóc sức khỏe tư vấn, hướng dẫn phụ huynh chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho con em.
Đối với các trường có học sinh ở nội trú, Ban Chăm sóc sức khỏe phát huy hiệu quả vai trò trong thực hiện giám sát, đảm bảo vệ sinh an toàn bữa ăn bán trú. Nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển… được kiểm soát chặt chẽ. Các bữa ăn của học sinh đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Năm học 2021 - 2022, không ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm trong trường học. 100% trường học thực hiện công tác y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả, giải pháp đóng vai trò quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng của ngành Y tế trong chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng cơ sở trường học. Trong đó đẩy mạnh hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho thành viên Ban Chăm sóc sức khỏe. Thông qua đó, đội ngũ này hỗ trợ đắc lực cho công tác y tế học đường, nhất là cơ sở thiếu nhân viên y tế. Về lâu dài, cần quan tâm tuyển dụng bổ sung nhân viên y tế đảm bảo theo quy định. Đồng thời tạo điều kiện để họ nâng cao chuyên môn, trình độ, nhằm đáp ứng triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan và yêu cầu thực tế đặt ra.