Do đó, công tác này đang được triển khai với nhiều nỗ lực và đổi mới.
Đẩy lùi dịch bệnh
Tại Trường THCS Chu Mạnh Trinh (huyện Văn Giang, Hưng Yên), y tế học đường được xác định như một trong những chỉ số chính để xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng cho hay, trong những năm qua, trường xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Đảm bảo điều kiện an toàn về phòng học, bàn ghế, ánh sáng; cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phòng y tế - nhân viên y tế; tổ chức quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh; xây dựng mối quan hệ nhà trường - gia đình - cộng đồng cùng chăm sóc sức khỏe học sinh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước thềm năm học, Trường THCS Chu Mạnh Trinh đã kiểm tra và đảm bảo trang thiết bị phòng học đầy đủ, chất lượng; nguồn nước, nhà vệ sinh sạch sẽ, rộng rãi. Trường có nhiều cây xanh nên thường xuyên tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm... hạn chế các bệnh truyền nhiễm.
Năm học 2022 - 2023, trường tổ chức bếp ăn bán trú với 150 học sinh đăng ký. Việc cung ứng được triển khai theo Thông tư 13/2020 ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Ban giám hiệu thường xuyên kiểm tra bếp ăn, tổ chức lưu mẫu thực phẩm theo quy định.
Công tác chăm sóc sức khỏe học sinh tại Trường THCS Chu Mạnh Trinh đã nhận được sự quan tâm, phối hợp từ phụ huynh, xã hội. Đơn cử, hàng năm, Ban giám hiệu đã phối hợp với viện mắt trên địa bàn tỉnh, tổ chức khám cho học sinh.
Đặc biệt coi trọng vai trò của giáo dục y tế học đường, cô Hồng cho biết thêm giáo dục sức khỏe được lồng ghép trong nhiều môn học, nội dung học như giáo dục học sinh giữ vệ sinh cơ thể, phòng tránh các bệnh thường gặp... Với đặc thù học sinh THCS có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, giáo viên đã chú trọng hơn tới trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Các thầy cô tăng cường đổi mới phương pháp, không né tránh hay e ngại khi nhắc đến vấn đề giới tính, tình dục an toàn trước học trò.
Nhà trường còn mời chuyên gia tới trường trực tiếp chia sẻ vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản và đề xuất các chương trình giáo dục giới tính cho học sinh theo lứa tuổi. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong các tiết chào cờ, sinh hoạt lớp… được triển khai đã mang lại hiệu quả cao, hạn chế cơ bản dịch bệnh xảy ra trong nhà trường.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết, cô Nguyễn Thị Liễu, chia sẻ: “Để phòng chống các bệnh lây nhiễm theo thời điểm và mùa, trường chủ động xây dựng kế hoạch y tế học đường - an toàn trường học từ đầu năm. Trong đó, trường chủ động nội dung tuyên truyền phòng bệnh, kiểm tra đánh giá công tác y tế qua hoạt động, việc làm cụ thể…”.
Tại Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội), ngoài nhân viên y tế học đường chuyên trách túc trực hàng ngày, trường còn trang bị đầy đủ thiết bị, tủ thuốc đúng quy định. Hàng tháng, nhân viên y tế xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; chú trọng phòng chống dịch bệnh trong trường học và có đánh giá hiệu quả y tế hàng tháng.
Công tác y tế học đường được trường đặc biệt chú trọng tới phòng chống các bệnh như cong vẹo cột sống, bệnh về mắt (cận thị, tật khúc xạ...), răng miệng, chế độ dinh dưỡng, truyền nhiễm theo mùa. Trường đã chỉ đạo nhân viên y tế lên kế hoạch hàng tháng tuyên truyền cho học sinh với nhiều hình thức khác nhau như viết bài, sân khấu hóa; Thậm chí, thầy cô phải hướng dẫn trực tiếp trên mô hình, tuyên truyền qua bài giảng E-learning hoặc tiết học trải nghiệm.
“Trường đã phối hợp với phụ huynh cùng theo dõi sức khỏe, giáo dục học sinh những thay đổi trong quá trình phát triển, giúp các em hiểu và biết cách giữ gìn… cũng là cách đang được triển khai hiệu quả, phù hợp”, cô Liễu cho hay.
Trường Tiểu học Đoàn Kết, Hà Nội, tổ chức tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Ảnh: NTCC |
Tạo thế “chân kiềng”
Trường Mầm non Trung Nghĩa (TP Hưng Yên, Hưng Yên), luôn quan tâm chăm sóc, giáo dục sức khỏe cho trẻ nhỏ song song các nhiệm vụ chuyên môn khác. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, Tổ trưởng chuyên môn, trao đổi: Giáo viên các lớp có nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho trẻ và gia đình. Ngoài ra, các cô phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh nếu có (răng miệng, truyền nhiễm)...
Trong giai đoạn dịch bệnh, chăm sóc trẻ tại trường bị hạn chế vì tạm thời nghỉ học, giáo viên lại chú trọng đến giáo dục sức khỏe. Cụ thể, các cô đã quay video với nhiều chủ đề chăm sóc răng miệng, phòng chống dịch Covid-19, nâng cao sức đề kháng... gửi phụ huynh để chia sẻ cách bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho trẻ tại nhà. Với đối tượng giáo dục hướng đến là trẻ mẫu giáo, nội dung video xây dựng ngắn gọn, dễ nhớ, thời lượng không quá 10 phút. Giáo viên còn sử dụng nhiều giáo cụ, đồ chơi hoặc lồng ghép bài hát, thơ, kể chuyện để tăng tính sinh động, thu hút trẻ ghi nhớ, làm theo.
Với quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, Trường Mầm non xã Trác Văn (huyện Duy Tiên, Hà Nam), cố gắng tạo môi trường thuận lợi nhất giúp trẻ phát triển toàn diện trí tuệ lẫn thể chất với sự đồng hành của phụ huynh và xã hội.
Cô Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong nhiều năm qua, trường đã duy trì tổ chức bữa ăn bán trú cho 100% trẻ đến lớp, đảm bảo cả về lượng và chất theo nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi. Trường thực hiện nghiêm khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ ký hợp đồng với cơ sở cung cấp tin cậy, uy tín; Thực hiện rõ nguồn gốc với tất cả đồ ăn, thức uống, không để xảy ra tình trạng trẻ ngộ độc. Thực đơn bữa ăn bán trú được nhà trường yêu cầu nhân viên cấp dưỡng xây dựng cân đối tỷ lệ dinh dưỡng khẩu phần, thực hiện đầy đủ quy trình lưu mẫu…
Bên cạnh đó, trẻ đến trường được khám định kỳ hàng năm và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng; đảm bảo an toàn về thân thể và tinh thần, không bị xâm hại, không để xảy ra tai nạn thương tích trong quá trình chăm sóc, học tập, sinh hoạt tại trường.
Cô Hằng khẳng định, triển khai công tác y tế học đường dựa trên sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, trường thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức nuôi con theo khoa học, thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giai đoạn 2020 - 2025 tới phụ huynh và cộng đồng để hỗ trợ giáo viên, nhà trường làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe trẻ. Đồng thời, trường cũng đẩy mạnh phối hợp với trạm y tế địa phương khám định kỳ cho trẻ, tuyên truyền kiến thức y tế học đường đến các gia đình có con ở độ tuổi mầm non.
Trường Mầm non Trung Nghĩa, tỉnh Hưng Yên, đón trẻ đi học lại sau dịch Covid-19 năm 2022. Ảnh: NTCC |
Phát huy vai trò y tế học đường
Cô Trịnh Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng muốn nâng cao hiệu quả công tác y tế trường học, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục từ đó nâng cao nhận thức, vai trò y tế trường học trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh. Các gia đình có trẻ ở tuổi tới trường cũng cần nhận thức đầy đủ để phối hợp hiệu quả các kế hoạch, yêu cầu của y tế học đường.
Đối với đội ngũ kiêm nhiệm công tác y tế học đường, nhân viên y tế chuyên trách, phải thường xuyên học hỏi, cập nhật, trau dồi kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp qua tập huấn; đọc và nghiên cứu tài liệu; tham khảo tư vấn phụ huynh là bác sĩ ở các bệnh viện. Không thể thiếu nữa là “các trường cần đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo môi trường học tập song song sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho công tác y tế trường học…”, cô Chung Thủy khẳng định.
Không chỉ chú trọng vào công tác giảng dạy, nhiều phòng GD&ĐT các địa phương còn quan tâm đến công tác đảm bảo sức khỏe học đường, an toàn cho học sinh khi đến trường. Ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) - cho biết: “Hai năm qua, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp với dịch Covid-19, bệnh đậu mùa, bệnh tay chân miệng... nên vai trò của y tế học đường càng phải phát huy…”.
Theo đó, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan luôn quan tâm đến công tác tập huấn, yêu cầu các trường học bố trí, sắp xếp phòng y tế đầy đủ thiết bị, thuốc men và người trực để đáp ứng nhu cầu sơ cứu tại chỗ khi có sự cố. Phòng cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục thiết lập Ban Phòng chống dịch bệnh trong nhà trường...
Hiện nay, 100% các trường thuộc huyện Văn Quan có nhân viên y tế học đường, tạo thuận lợi không nhỏ cho việc chăm sóc sức khỏe học đường. Cán bộ y tế thực hiện định kỳ việc cân, đo, khám sức khỏe cùng với quản lý, lưu dữ liệu thông tin sức khỏe trên hệ thống quản lý sức khỏe học sinh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các nhà trường chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh theo mùa; phối hợp với trạm y tế xã, thị trấn thực hiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên.
Đối với các trường tổ chức bếp ăn tập thể, Phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường thực hiện nghiêm kiểm soát từ khâu lựa chọn thực phẩm đến chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.
Đặc biệt, Phòng luôn kiểm tra sát sao để có chỉ đạo phù hợp các trường trong việc tăng cường vệ sinh khuôn viên trường, lớp, phòng ăn, dụng cụ học tập; Tổ chức phun khử khuẩn trường lớp định kỳ để hạn chế bệnh truyền nhiễm. Với nhà vệ sinh trường học, yêu cầu các trường tích cực vệ sinh khử khuẩn, trang bị xà phòng sát khuẩn cho học sinh, nước sạch để rửa và quét dọn; xây dựng khẩu hiệu tuyên truyền các bước rửa tay; tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng dẫn kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, công cộng, kỹ năng sơ cứu khi gặp sự cố cho học sinh...
“Công tác y tế trường học, phòng tránh tai nạn thương tích… được hầu hết các nhà trường triển khai đa dạng về biện pháp. Nhiều trường còn tận dụng giờ ra chơi, để thầy cô lồng ghép nội dung giáo dục sức khỏe, y tế học đường giảm thương tích… trong các trò chơi dân gian được học sinh yêu thích. Tại các vị trí dễ gây tai nạn như hành lang, cầu thang luôn có biển cảnh báo và slogan nhắc nhở học sinh...”, ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) trao đổi.