Huy động nguồn lực cho y tế học đường

GD&TĐ - Nhiều địa phương, nhà trường đã tận dụng tối đa các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế học đường. 

Nhân viên y tế tại Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa có chuyên môn, được đào tạo bài bản. Ảnh: NTCC
Nhân viên y tế tại Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa có chuyên môn, được đào tạo bài bản. Ảnh: NTCC

Điều đó tạo điều kiện tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, hạn chế tối đa bệnh lý thường gặp ở học sinh trong quá trình học tập.

Bảo đảm điều kiện thiết yếu

Theo cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học phường Đồng Văn, Phạm Thị Luyến, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhờ một phần vào công tác xã hội hóa giáo dục, bên cạnh việc sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhà trường cũng tích cực tham mưu với UBND phường Đồng Văn để xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất từ phòng học đến các phòng chức năng, vệ sinh, cảnh quan nhà trường...

Tại Trường Tiểu học phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nhà trường đã đầu tư phòng y tế có đầy đủ trang thiết bị, thuốc men sơ cứu tại chỗ; chủ động phòng, chống các bệnh dịch. Cùng đó, trường tăng cường phòng chống các bệnh lý dễ gặp ở học sinh như gù, vẹo cột sống, cận thị… thông qua kiểm tra định kỳ hệ thống đèn bố trí tại các phòng học, bàn học theo tiêu chuẩn độ tuổi.

Còn tại Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội), cô Đoàn Hà, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Phòng y tế rất quan trọng, thiết yếu, không thể sơ sài hoặc xây dựng mang tính chất hình thức. Do đó, từ khi thành lập trường, chúng tôi đã ưu tiên bố trí 2 phòng y tế với tổng diện tích 80m2 ở vị trí tầng 1 để thuận lợi cho công tác sơ cấp cứu ban đầu hoặc khi cần vận chuyển bệnh nhân lên tuyến có thể thực hiện thao tác nhanh chóng.

Đồng thời, phòng y tế được trang bị đầy đủ trang thiết bị như tủ thuốc với các loại thuốc cơ bản, điều kiện cho công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định. Hai nhân viên y tế có chuyên môn, được đào tạo bài bản, túc trực thường xuyên tại đây...”.

Xác định vai trò quan trọng của công tác y tế trường học để thực hiện sơ cứu ban đầu và theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Sở đã đề xuất thành phố cho phép ngành Giáo dục cùng Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học.

Trường hợp chưa kịp tuyển dụng, các trường có thể ký hợp đồng với nhân viên y tế có trình độ chuyên môn để bảo đảm công tác chăm sóc y tế trong nhà trường. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để bảo đảm sức khỏe ban đầu cho học sinh, phát hiện các dấu hiệu liên quan đến tình hình nhiễm bệnh và có phương án xử lý kịp thời.

Bà Phan Mỹ Hạnh (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng học trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: NVCC

Bà Phan Mỹ Hạnh (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng học trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: NVCC

Sử dụng hiệu quả đầu tư

Năm học 2022 - 2023, Lạng Sơn có 670 cơ sở giáo dục, 723 điểm trường. Trong đó, 662 đơn vị có ban chăm sóc sức khỏe (CSSK) học sinh, sinh viên (HSSV), có phòng y tế, tăng 4% so với năm học trước. Toàn tỉnh có 508 nhân viên y tế biên chế và hợp đồng.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, trao đổi: Để nâng cao hiệu quả công tác y tế trường học, năm học vừa qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 163/KH-UBND về thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường. Theo đó, phòng học, phòng chức năng được chú ý bảo đảm ánh sáng, độ cao bàn ghế phù hợp sinh lý lứa tuổi. Hệ thống bếp ăn tập thể ngày càng được nâng cấp, cải tạo, bổ sung bếp ăn 1 chiều, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Do vậy, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non, học sinh phổ thông nội trú, bán trú được duy trì, nâng cao hiệu quả. Kết quả này có được một phần nhờ vào đầu tư ngân sách cho công tác y tế học đường.

Theo bà Hạnh, kinh phí cho công tác y tế học đường hiện nay bao gồm: Ngân sách Nhà nước, BHYT học sinh theo quy định và các nguồn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chính là ngân sách và chăm sóc sức khỏe ban đầu được trích lại từ BHYT. Đối với nhu cầu sử dụng thực tế để CSSK học sinh, nguồn kinh phí này không nhiều.

Những năm qua, việc thực hiện trích, chuyển kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu được BHXH và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định, sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhằm bảo đảm chất lượng y tế trường học, ngành Giáo dục tỉnh đã huy động các nguồn lực để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất như nhà ăn, nhà bếp, nhà bán trú, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch… cho các cơ sở giáo dục, nhất là các trường vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Điều kiện về phòng học, thiết bị, đồ chơi trẻ em; đủ nước uống, nước sinh hoạt… tại các trường đều đạt tỷ lệ 100%.

Với sự quan tâm, đầu tư và huy động mọi nguồn lực, công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tích cực. Việc tổ chức thực hiện công tác y tế học đường dần đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ, sơ cấp cứu ban đầu cho HSSV. Các cơ sở giáo dục đã bố trí phòng y tế, trang thiết bị, các loại thuốc cần thiết và quản lý hệ thống hồ sơ theo dõi sức khỏe đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được từ công tác y tế học đường, bà Phan Mỹ Hạnh cũng trăn trở những liên quan đến khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục tỉnh. Ví như, liên quan đến kinh phí cho các hoạt động y tế học đường chủ yếu từ khoản thu bảo hiểm y tế trích lại với tỷ lệ thấp nên việc bố trí kinh phí cho công tác y tế học đường chưa thuận lợi. Cùng một số khó khăn khác liên quan đến danh mục thuốc quy định, đội ngũ nhân viên y tế....

Bà Hạnh hy vọng, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân để tăng cường hiệu quả thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của toàn tỉnh.

“100% cơ sở giáo dục tổ chức khám sức khoẻ cho học sinh đầu cấp. Các trường phối hợp với cơ sở y tế địa phương khám sức khoẻ định kỳ, có sổ theo dõi sức khoẻ cho học sinh. Tại cơ sở giáo dục mầm non, cán bộ y tế học đường phối hợp với trung tâm y tế huyện hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn khám sức khỏe định kỳ một số chuyên khoa cho trẻ; tổ chức chăm sóc điều trị, tiêm chủng, tổ chức uống vắc-xin, tẩy giun định kỳ cho trẻ; xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho từng nhóm trẻ…”, bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.