Nỗ lực bứt tốc sau siêu bão Yagi

GD&TĐ - Các ngân hàng vào cuộc đua hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại vì bão số 3, với mức hỗ trợ giảm lãi suất lên đến 2% tùy từng mục đích, kỳ hạn vay vốn.

Khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh Cao Bằng. Ảnh: Quốc Hải
Khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh Cao Bằng. Ảnh: Quốc Hải

Các ngân hàng đang vào cuộc đua hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại vì bão số 3 với mức hỗ trợ giảm lãi suất lên đến 2% tùy từng mục đích, kỳ hạn vay vốn. Đặc biệt, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký cho vay lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi siêu bão Yagi.

Ngân hàng vào “cuộc đua” hỗ trợ khách hàng

Tại VietinBank, với mục tiêu khẩn trương hỗ trợ các khách hàng khắc phục hậu quả sau bão, nhà băng này đã rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của khách hàng và đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời. Theo đó, tất cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân chịu thiệt hại từ bão Yagi đều được hỗ trợ giảm lãi suất với mức giảm lên đến 2% tùy từng mục đích, kỳ hạn vay vốn.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ này áp dụng cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới đến hết năm 2024. Quy mô gói hỗ trợ của VietinBank lên đến 100.000 tỷ đồng.

Tương tự, Agribank thông tin, sẽ căn cứ mức độ thiệt hại của khách bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất 0,5 - 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khoản phát sinh từ ngày 6/9 đến ngày 31/12.

Ngân hàng Vietcombank cũng giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ 6/9 đến 31/12 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và gần 20.000 người.

Trong khi đó, BIDV dự kiến tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng. Trong đó, 40.000 tỷ đồng cho các khoản vay hiện hữu và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng cho các khoản vay mới. Mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/9 đến hết ngày 31/12.

Hàng loạt ngân hàng thương mại khác như ACB, VPBank, TPBank, HDBank… cũng đưa ra các gói hỗ trợ tương tự, với mức giảm lãi suất hấp dẫn và thời gian ưu đãi dài hạn. Chẳng hạn,

HDBank dự kiến dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn thông thường 1 - 2%. Ngân hàng cũng sẽ giảm 1% lãi suất của các khoản vay hiện hữu phục vụ sản xuất kinh doanh. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, lãi suất sẽ được giảm 2% trong 3 tháng đầu tiên so với lãi suất hiện hành, hoặc 0% cho tháng đầu tiên.

Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ký Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đây là các giải pháp từ phía ngành ngân hàng để triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/9 về khắc phục hậu quả bão số 3.

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại, toàn ngành ngân hàng có khoảng 83.400 khách chịu thiệt hại do bão số 3 với 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng.

Dự kiến, con số này sẽ còn tăng do công tác thống kê, cập nhật vẫn tiếp diễn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2% để cấp cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão.

no luc but toc sau sieu bao Yagi (2).jpg
Thiệt hại do bão số 3 gây ra với các tỉnh miền Bắc rất lớn. Ảnh: Thanh Hương

Tăng trưởng GDP 7% năm nay có về đích?

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, siêu bão số 3 gây ảnh hưởng đến nợ xấu các ngân hàng, nhưng không đáng kể. Lý do là vì bão lũ lần này đổ bộ trực tiếp đến người dân vùng cao, đặc biệt là những vùng như Yên Bái, Lạng Sơn… và những người dân nơi đây không phải là những người sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều, tức là không vay nợ ngân hàng nhiều.

“Đâu đó các khách hàng của ngân hàng ở những địa bàn trên chỉ là những người dân vay tiền từ các quỹ tín dụng, Agribank hoặc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chứ không phải những đối tượng sử dụng nguồn vốn lớn như các doanh nghiệp bất động sản, tập đoàn… Vì lẽ đó, khi bão lũ xảy ra thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, khả năng trả nợ của người dân nhưng đa số là các khoản nhỏ, không đáng kể”, ông Phương nói.

Cũng theo chuyên gia này, xét luôn khía cạnh rộng hơn, nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua đến nhiều là từ các doanh nghiệp bất động sản, trong khi đó những người dân vùng cao nói trên cũng không là đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp bất động sản này. Do đó, loại trừ cả 2 yếu tố trên thì khả năng nợ xấu các ngân hàng bị ảnh hưởng là có nhưng không đáng kể.

Liệu tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3? Trả lời vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Bởi lẽ người dân ở các vùng này không tham gia nhiều hay chiếm tỷ trọng nhiều vào các nhu cầu tiêu dùng từ xã hội hay đóng góp nhiều trong các vấn đề phát triển xã hội, do ngành nghề chính, các sản phẩm tiêu dùng, tiêu thụ chính cũng thiên về sản phẩm nông nghiệp nhiều hơn, mức sống cũng không quá cao nên sẽ không tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.

“Tuy nhiên, có thể bởi vì yếu tố lũ lụt này có thể sẽ ảnh hưởng nhất định đến một số ngành nghề, một số chính sách, chiến lược đến từ Chính phủ, các sở, ban, ngành… nên có thể có sự điều chỉnh ưu tiên chống lũ nhiều hơn, cứu trợ đồng bào lũ lụt nhiều hơn, ưu tiên hồi phục kinh tế, hồi phục hiện trạng cho người dân vùng lũ nên các yếu tố này phần nào sẽ có ảnh hưởng đến khả năng tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam nhưng thực sự thì sẽ không đáng kể. Vì vậy, với mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề ra thì khả năng chúng ta cũng sẽ về đích hoặc ít nhất cũng sẽ tiệm cận với mục tiêu đề ra”, ông Trương Hiền Phương nhận định.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong những tháng tới rất nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc trả nợ. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng.

Do tác động từ bão Yagi, dự báo của Ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB), tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2024 sẽ đạt 5,7% - một mức tăng trưởng mạnh mẽ, phản ánh sự phục hồi rõ rệt của nền kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng chậm trong năm 2023. Bước sang quý IV/2024, mức tăng trưởng này được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 5,2%. Cả năm 2024, UOB giảm nhẹ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 6% xuống 5,9%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nữ giáo viên đam mê công tác Đoàn.

Nữ giáo viên đam mê công tác Đoàn

GD&TĐ - Không chỉ giỏi chuyên môn, cô giáo trẻ Nguyễn Vân Anh còn năng động, nhiệt huyết và say mê với các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên.