Giàu lên nhờ vốn ngân hàng hỗ trợ
Tháng 5/2023, bà Lê Thị Thu, ở thôn Phu Huệ, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) được Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện cho vay 100 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm. Trước khi vay vốn, gia đình bà Thu cũng đã nuôi gà, nuôi cá, ếch nhưng với quy mô nhỏ lẻ.
Sau khi có nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, bà Thu đã đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi gà, lợn, ếch, cá tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Hiện tại, gia đình bà Thu đã có 2.000 con gà đẻ, 1.500 con gà thịt và mở rộng chuồng nuôi 20 con lợn thịt. Giờ đây, gia đình bà Thu có mức nhập ổn định từ 10-15triệu đồng/tháng.
Theo bà Thu, trước kia, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi, phát triển kinh tế hạn hẹp, nên gia đình bà chỉ chăn nuôi ở dạng nhỏ lẻ. Từ khi được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng, với mức lãi suất ưu đãi, gia đình bà Thu đã mạnh dạn đầu tư thêm chuồng trại, con giống để phát triển mô hình.
“Nhờ có đồng vốn của Ngân hàng CSXH, mà gia đình tôi giờ đây đã có mức thu nhập tương đối ổn định, kinh tế gia đình cũng đang dần trở nên khá giả. Chúng tôi rất cảm ơn các cán bộ của Ngân hàng đã tạo điều kiện giúp gia đình tôi được vay nguồn vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế”, bà Thu chia sẻ.
Ông Lường Văn Hùng, ở thôn Trung Liệt, xã Trường Trung (Nông Cống), được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm, để xây dựng mô hình sản xuất nấm. Đến nay, mô hình được duy trì và phát triển với quy mô 2,5 vạn bịch nấm. Mỗi năm, gia đình ông Hùng thu nhập hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động.
Ông Hùng chia sẻ: “Tháng 7/2023, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống cho vay 100 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm, nên tôi đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nấm. Hiện nay, mô hình trồng nấm của gia đình tôi đang phát triển khá tốt. Chất lượng nấm được các cơ quan chức năng và người tiêu dùng đánh giá rất cao. Vì vậy, gia đình tôi đang xây dựng hồ sơ, để đề nghị được công nhận là sản phẩm OCOP”.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, mà người dân đã ổn định cuộc sống. Có nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, trở nên giàu có, điển hình như gia đình ông Lương Văn Hùng...
Làm tốt công tác hỗ trợ vốn cho người nghèo
Ông Lê Thanh Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm vẫn ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
Cũng theo ông Triều, từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đến nay, UBND huyện Nông Cống đã trích chuyển nguồn vốn ngân sách sang Ngân hàng CSXH để đầu tư cho vay các đối tượng đạt 10,4tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai địa điểm giao dịch hàng tháng tại các xã, thị trấn...
Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã tích cực phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện tốt nội dung công việc được ủy thác, chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, được chính quyền và nhân dân trong huyện đánh giá cao.
Ngoài việc ưu tiên đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu nguồn vốn vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất, UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện phát triển của địa phương.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác được quan tâm đầu tư vào các mô hình sản xuất kinh doanh, các vùng sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi sản phẩm an toàn, có lợi thế...
“Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua Ngân hàng CSXH là giải pháp không thể thiếu trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; góp phần tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; trở thành đòn bẩy giúp các hộ đầu tư phát triển các mô hình, mở rộng các nghề truyền thống”, ông Triều thông tin.
Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết thêm, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện giảm từ 10,97% xuống còn 1,55% (theo điều tra giai đoạn 2015-2020, huyện có 5.350 hộ nghèo, hiện nay chỉ còn 777 hộ nghèo).
Theo báo cáo của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống cho thấy, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đơn vị này đã thực hiện giải ngân 1.418 tỷ đồng, với 39.402 hộ nghèo và nhiều đối tượng chính sách được vay vốn.
Cũng nhờ vốn từ Ngân hàng CSXH, mà có hơn 4.600 hộ gia đình ở huyện Nông Cống vượt qua ngưỡng nghèo; gần 2.000 lao động tạo được việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hơn 1.900 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo hơn 31.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trợ giúp gần 2.000 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố để ổn định đời sống, sớm vươn lên thoát nghèo.
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH, một hộ nông dân ở huyện Nông Cống phát triển mô hình nuôi ngựa bạch để nấu cao. (Ảnh: NHCC)
Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống cho biết, tính đến ngày 30/6 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện 605,2 tỷ đồng, tăng 290,4 tỷ đồng so với năm 2014 (314,8 tỷ đồng).
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,2%, với 11.497 hộ dư nợ. Nợ quá hạn còn 397 triệu đồng (giảm 1,003 tỷ đồng so với năm 2014), chiếm tỷ lệ 0,066%, luôn thấp hơn mức bình quân chung trong toàn tỉnh và toàn quốc. Trong đó, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đạt 602,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,6% tổng dư nợ Ngân hàng CSXH cho vay trên địa bàn.
“Có thể nói sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH”, ông Lê Thanh Triều – Chủ tịch UBND huyện Nông Cống.