Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân: Ngân hàng cấp tập đẩy vốn

GD&TĐ - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhiều ngân hàng tiếp tục ưu tiên ổn định lãi suất, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp...

Khách hàng tìm hiểu chương trình vay vốn tại Agribank.
Khách hàng tìm hiểu chương trình vay vốn tại Agribank.

Tín dụng vẫn tăng chậm

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến thủy sản Khánh Trang (quận Tân Bình, TPHCM) nhận định, vay vốn từ ngân hàng nghe nói thì rất đơn giản nhưng để đi vào thực tế lại không dễ dàng. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể duy trì hoạt động và phải đóng cửa.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân do sức mua trên thị trường giảm, dẫn đến doanh nghiệp tăng tồn kho và cạn nguồn tiền, tài sản thế chấp không còn nên khó có thể tiếp cận vốn tín dụng.

Câu chuyện doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn không phải là mới, nhưng vẫn là điều đáng suy ngẫm khi mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, điểm tích cực của tín dụng trong nửa đầu năm 2024 là con số tăng trưởng đang cải thiện dần qua các tháng.

Tuy nhiên, thực trạng không thể phủ nhận là dòng chảy tín dụng diễn ra không đồng đều, có địa phương tăng thấp, có tổ chức tín dụng tăng trưởng âm trong khi có đơn vị tăng trưởng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Chẳng hạn, tại Vietcombank, tính đến ngày 17/6, tín dụng của nhà băng này tăng 2,4% so với đầu năm. Dự kiến đến hết 30/6 mức tăng trưởng của Vietcombank sẽ đạt 4,3%. Trong khi đó, BIDV có mức tăng trưởng tín dụng (cập nhật hết ngày 17/6) là 4,7%. Agribank có mức tăng trưởng tín dụng đạt 1,24%.

Ở khối ngân hàng tư nhân như VPBank tín dụng (tính đến ngày 31/5) mới tăng 1,91%, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Tăng trưởng tín dụng tính tới hết ngày 31/5 của VIB mới tăng 1,14% (những năm trước, VIB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống).

Cũng trong nhóm ngân hàng tư nhân, nhiều ngân hàng thậm chí đang rơi vào cảnh tăng trưởng tín dụng âm. Chẳng hạn, ABBank tăng trưởng tín dụng âm hơn 10,88%. SeABank, PVComBank, BaoVietBank… tăng trưởng tín dụng âm 1% - 5%.

Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, sở dĩ tới thời điểm này tăng trưởng tín dụng của nhiều tổ chức tín dụng có phần yếu là bởi thị trường bất động sản - kênh đẩy vốn quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng, vẫn còn rất khó khăn. Trong đó, ngoài nguyên nhân nguồn cung hạn chế, một nguyên nhân nữa là lãi suất cho vay mua nhà vẫn còn ở mức cao.

Ghi nhận của Báo Giáo dục và Thời đại, lãi suất cho vay trung bình của một số ngân hàng vẫn còn ở mức 10 - 12%/năm. Riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn còn cao hơn. Một nguyên nhân nữa khiến tín dụng bất động sản tăng chậm là ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong cho vay cá nhân.

Phó Giám đốc một ngân hàng TMCP ở TPHCM lý giải, nếu trước đây, các ngân hàng thường cho vay đến 70% giá trị tài sản đảm bảo, thì hiện chỉ cho vay khoảng 50%. Định giá tài sản đảm bảo cũng khắt khe hơn. Điều này khiến người mua nhà chịu áp lực lớn về vốn tự có. Từ đó nhu cầu vay tiền mua nhà cũng giảm.

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, trong đó nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực chính của nền kinh tế thì vẫn còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn,… nên chưa tiếp cận được vốn vay”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương phân tích.

thao go kho khan cho doanh nghiep nguoi dan gan hang cap tap day von (2).jpg
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang khá 'khát vốn' nhưng khó vay từ các ngân hàng do không đáp ứng tiêu chuẩn vay.

Loay hoay khơi thông dòng vốn

Theo yêu cầu của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng cả năm phải đạt 15 - 16% theo mục tiêu đề ra. Để đạt mục tiêu này, các ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định lãi suất, giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp và sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cho vay, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

Agribank đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi tổng quy mô 220.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu… với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 1% - 2,5%/năm so với lãi suất thông thường.

Tương tự, BIDV cũng đang có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5 - 2,5% so với khách hàng thông thường để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhiều gói vay ưu đãi cũng được cấp tung ra tại một số ngân hàng tư nhân. Eximbank đang có gói vay ngắn hạn với lãi suất chỉ 4,75%/năm. Ngoài ra, Eximbank còn linh hoạt về chứng từ kinh doanh lên đến 7,5 tỷ đồng và cho phép khách hàng lựa chọn kỳ hạn thanh toán phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế.

TPBank cũng đang dành gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm sâu, dành riêng cho toàn bộ khách hàng mới vay kinh doanh lần đầu. Lãi suất cho vay gói này chỉ từ 4,5% (tương đương giảm 1,8% - 2,15% lãi suất so với đầu năm 2024).

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho hay, từ nay đến cuối năm 2024, xu hướng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố cần được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cơ chế chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng; về lãi suất; về dịch vụ và cải cách hành chính… để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sẽ tăng cường hoạt động phối hợp với sở ngành, quận huyện và hiệp hội doanh nghiệp để tháo gỡ cụ thể khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì hoạt động họp định kỳ tháng giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, Sở Công Thương và hiệp hội doanh nghiệp để phối hợp tháo gỡ khó khăn cũng như nắm bắt kịp thời thông tin doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm”, ông Lệnh khẳng định.

“Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng (có hiệu lực từ 1/8/2024 tới) sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản. Nhờ đó, tín dụng bất động sản nói riêng và hoạt động của các ngân hàng nói chung cũng sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nay…”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.

Ứng dụng Tiet Kiem Nhom Tìm kiếm Đại lý máy lạnh Gree chính hãng công ty thẩm định giá Công ty nào chuyên chứng minh tài chính doanh nghiệp uy tín nhất