Ninh Thuận: Nông dân thoát nghèo nhờ cây nha đam

GD&TĐ - Những năm qua, nông dân tại tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả kinh sang trồng cây nha đam. Nhờ đó nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu. Hiện tại, cây nha đam được xem là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận.

Nông dân thu hoạch nha đam.
Nông dân thu hoạch nha đam.

“Sống khỏe” nhờ cây nha đam

Những ngày tháng 9/2020, PV báo GD&TĐ đã về vùng trồng nha đam ở TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận để ghi nhận tình hình sản xuất của bà con nơi đây.

PV hỏi thăm về năng xuất, sản lượng cũng như thu nhập thì bà con nơi đây ai cũng vui vẻ và rất phấn khởi. Nhiều năm qua, cây nha đam đã giúp cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, các em nhỏ yên tâm cắp sách đến trường.

Được biết, cây nha đam bắt đầu được trồng ở tỉnh Ninh Thuận từ khoảng năm 2002. Nha đam là cây trồng cho thu hoạch lâu năm, đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian trồng khoảng 6 tháng, nha đam bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó cứ mỗi tháng thu hoạch một lần. Bình quân một ha nha đam cho thu hoạch 40 đến 50 tấn bẹ tươi/năm, với giá từ 800 - 1.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm người trồng nha đam có lãi hàng trăm triệu đồng.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi , nông dân tại Ninh Thuận đã sống khỏe nhờ nha đam. (Ảnh: Ý Thảo).
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi , nông dân tại Ninh Thuận đã sống khỏe nhờ nha đam. (Ảnh: Ý Thảo).

Nhận thấy cây nha đam mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng đất cát và nắng, lại dễ trồng nên nông dân Ninh Thuận đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng nha đam.

Hiện nay, nha đam được trồng rải rác trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở các phường Văn Hải, Mỹ Hải và Mỹ Bình, TP Phan Rang-Tháp Chàm.

Có mặt tại phường Văn Hải vào lúc 9h sáng, vùng đất cát, giờ đây được phủ một màu xanh của cây nha đam. Là người gắn bó với cây nha đam lâu năm, anh Trần Văn Lương (ngụ khu phố 5, phường Văn Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: “Vườn nha đam này tôi đã trồng cũng được 7 đến 8 năm. Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha thì khoảng hơn 10.000.000 đồng. Ban đầu sản lượng chưa ổn định nhưng sau 1 năm nha đam bắt đầu phát triển tốt từ đó kéo theo năng xuất cũng tăng theo. Khoảng 1 tháng tôi thu hoạch một lần, đối với một lần thu hoạch khoảng 50 tấn/ha, cho giá 1.000 đồng thì sau khi trừ hết mọi chi phí như: tiền công, điện, nước,…tôi cầm chắc lời trong tay khoảng 30.000.000 đồng/ha”.

“Mỗi một năm thu hoạch khoảng 12 lần sau khi trừ hết chi phí thì tôi cũng lời kha khá khoảng 200.000.000 đồng/ha/năm. Còn nếu thời điểm nào giá cao hơn thì lời thêm nữa. Nhờ nha đam mà đời sống gia đình tôi được cải thiện hơn”, anh Lương cười xòa nói.

Không riêng gì gia đình anh Lương, nha đam còn là “đòn bẩy” giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Chín (ngụ khu phố 2, phường Văn Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) hiện tại đang trồng 7 sào (7.000 m2) nha đam phấn khởi nói: “Những năm qua, bà con tại đây rất yên tâm trồng nha đam vì giá cả ổn định chi phí đầu tư thấp. Có thời điểm giá nha đam lên đến 2.200 đồng/kg, bình quân mỗi sào nông dân thu lãi trên 20 triệu đồng/tháng nên nhiều nông dân đã “đổi đời’ từ nha đam”.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây nha đam mà kinh tế của những gia đình như bà Chín, anh Lương dần ổn định hơn. Giờ đây 2 đứa con đang theo học lớp 9 và lớp 7 của anh Lương cũng yên tâm đến trường, không còn nơm nớp lo sợ cảnh thất học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Đầu tư cho cây nha đam “cất cánh bền vững”

Cây nha đam không chỉ tiêu thụ trong tỉnh Ninh Thuận mà nó còn được các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Đà Lạt (Lâm Đồng) ưa chuộng. Nhờ vậy, giá nha đam mấy năm trở lại đây dần ổn định hơn, điệp khúc “được giá, mất mùa” cũng được hạn chế. Trong những năm gần đây nha đam là một loại cây trồng rất có hiệu quả về kinh tế trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Có thể nói, nha đam là một cây trồng có lợi thế.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đã đưa cây nha đam vào danh mục 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Với diện tích hiện nay là hơn 330 ha sản lượng trên 100.000.000 tấn. Nếu nông dân làm đúng quy trình thì lợi nhuận giao động từ 350.000.000 triệu đến 600.000.000 đồng/ha/năm.

Cây nha đam được xem là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Ý Thảo).
Cây nha đam được xem là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Ý Thảo).

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Với những hiệu quả mà cây nha đam mang lại trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tìm một số giải pháp thứ nhất rà soát và bổ sung vùng quy hoạch và dự kiến năm 2020 diện tích cây nha đam sẽ tăng hơn 550 ha”.

Sở tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ hiện có đối với cây nha đam. Nghiên cứu, rà soát để có thể đề xuất các cấp, các ngành có thẩm quyền sửa đổi bổ sung và ban hành những chính sách  mạnh hơn để  làm sao khuyến khích cho bà con trồng cây nha đam tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ