Đi lên từ hai bàn tay trắng
Chia sẻ với PV báo GD&TĐ, ông Hùng Ky kể, năm 1989, sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại trường THPT Dân tộc nội trú Phan Rang, do điều kiện kinh tế khó khăn nên ông đã quyết định học, trở về quê hương làm thuê kiếm sống rồi lập gia đình.
Khi mới lập gia đình, vợ chồng cũng không có tài sản gì ngoài hai bàn tay trắng. Hằng ngày, vợ chồng phải đi chăn bò thuê ở Tân Mỹ, huyện Ninh Sơn để kiếm sống. Gần 11 năm chăn bò tích góp được ít vốn, rồi quay về lại thôn Tuấn Tú mua lại hơn 2 hécta đất cát khô cằn để trồng hoa màu.
Những ngày đầu, ông Hùng Ky chọn trồng các loại cây hoa màu như: củ cải trắng, cà rốt, đậu phụng (cây lạc),…nhờ thời tiết thuận lợi nên gia đình ông đã ăn nên làm ra, tiếp tục đầu tư khoan giếng làm hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Năm 2012, nhận thấy nhiều người dân ở nhiều nơi trong tỉnh đổi đời từ cây măng tây xanh, gia đình ông quyết định chuyển một phần đất sang trồng cây măng tây xanh và chính nhờ cây này đã giúp cho cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá.
Ông Hùng Ky cho biết: “Làm nông mà để nuôi con cái ăn học, cải thiện được kinh tế gia đình thì phải cần cù, chịu khó và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thú thật, làm nông dân rất vất vả, không nhanh giàu như kinh doanh. Nhưng nếu kiên trì vẫn có thể làm giàu”.
“Những ngày đầu mới đưa giống măng tây về thôn Tuấn Tú trồng thì một số người nói tôi khùng hay sao mà lại trồng cây gì lạ, vì cây này ở đây chưa ai trồng. Bỏ ngoài tai, tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Sản phẩm măng tây xanh lúc đầu chỉ bán quanh quẩn ở địa phương và dần dần mở rộng ra thị trường các tỉnh khu vực lân cận”, ông Hùng Ky nói thêm.
Nhận thấy được hiệu quả, giá cả và đầu ra ổn định từ cây măng tây, ông Hùng Ky tiếp tục đầu tư vốn, mở rộng diện tích trồng và ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên vùng đất cát. Đến thời điểm này, gia đình ông Ky đã có trên 2 hécta măng tây xanh làm theo hình thức cuốn chiếu. Sản phẩm măng tây xanh của gia đình ông luôn bán với giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, cung cấp ra thị trường khoảng 108 tấn/năm. Ngoài việc trồng măng tây xanh, ông còn đầu tư nuôi 20 con bò sinh sản.
Với mô hình trồng măng tây xanh và nuôi bò sinh sản, hàng năm gia đình ông Hùng Ky đều cho thu nhập ổn định. Doanh thu đạt trên 2,9 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi trên 800 triệu đồng. Từ một hộ nghèo khó đến nay ông đã có của ăn, của để xây dựng căn nhà khang trang và sắm ô tô.
Ông Ky bộc bạch, cây măng tây xanh là loại cây dễ chăm sóc, phù hợp đất cát, ít dùng các loại phân bón vô cơ, chủ yếu sử dụng phân chuồng, ít sâu rầy nên rủi ro rất thấp, cây sinh trưởng và phát triển nhanh. Đặc biệt, người trồng măng tây ngày nào cũng có thu hoạch.
Chỗ dựa vững chắc của nông dân
Để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nông dân thoát nghèo ông đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Tuấn Tú. Ban đầu, chỉ có 13 thành viên đến nay phát triển lên 63 thành viên, hoạt động chính là chuyên trồng măng tây xanh, với diện tích trên 35 hécta theo mô hình cánh đồng lớn. Năm 2019, các thành viên sản xuất sản lượng trên 51 tấn tăng 19,5 tấn so với năm 2018. Sản phẩm măng tây xanh của HTX được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua toàn bộ với giá 50.000 đồng/kg.
Đến năm 2020, HTX Tuấn Tú tiếp tục mở rộng diện tích măng tây xanh lên 45ha, phấn đấu đạt sản lượng 65 tấn, đạt doanh thu trên 3,2 tỷ đồng. HTX luôn hướng dẫn thành viên chọn những giống có chất lượng cao, đạt năng suất.
Để nâng cao giá trị sản phẩm măng tây xanh, HTX Tuấn Tú đẩy mạnh sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, có kế hoạch mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa các sản phẩm măng tây xanh vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX.
Với mô hình trồng măng tây xanh theo phương thức sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên vùng đất cát, ông đã được Hội Nông dân Ninh Thuận và UBND tỉnh đánh giá rất cao. Ngoài ra, gia đình ông cũng vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng và nhiều Bộ, ngành Trung ương đến thăm quan.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước, Phạm Hữu Luận cho biết: “Mô hình sản xuất măng tây xanh theo phương thức sử dụng tưới nước tiết kiệm của ông Hùng Ky đang cho thu nhập cao và sản phẩm đầu ra luôn ổn định. Mô hình này đã tạo điều kiện cho 7 lao động của địa phương có thu nhập ổn định và giúp nhiều người thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay tại quê hương”.
Ông Luận nói thêm, ông Hùng Ky cũng là người tiên phong của địa phương ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm thay thế cho phương pháp truyền thống tưới nước tràn. Bản thân ông đã được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Thông tin truyền thông.