Thực hiện thí điểm
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Ninh Bình có 155 trường mầm non, trong đó có 146 trường mầm non công lập, 9 trường mầm non tư thục, 129 nhóm lớp độc lập tư thục. Mạng lưới trường lớp mầm non được phát triển đều khắp và cân đối ở các vùng miền trong tỉnh, 100% các xã, phường, thị trấn có trường mầm non công lập. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đạt 40,3%, độ tuổi mẫu giáo đạt 95,6%.
Toàn cấp học hiện có 7.074 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đạt định mức 2,05 giáo viên/nhóm lớp. Toàn tỉnh có 152/155 (đạt 98,1%) trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 60/155 (đạt 38,7%) trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đến nay, toàn tỉnh có 130/153 (đạt 83,7%) trường mầm non đã được đánh giá ngoài và công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, có 3 trường cấp độ 1 chiếm 2,3%, 33 trường cấp độ 2 chiếm 25,8%, 92 trường đạt cấp độ 3 chiếm 71,9%.
Triển khai thử nghiệm Chương trình GDMN mới, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã ban hành các văn bản cần thiết nhằm chỉ đạo công tác thử nghiệm. Đồng thời chọn 3 đơn vị có tính đại diện cho khu vực thuận lợi và vùng khó khăn: Thành phố Ninh Bình, Thành phố Tam Điệp, Huyện Kim Sơn. Ở mỗi địa bàn chọn 02 trường có điều kiện tương đương (01 trường đối chứng và 01 trường thử nghiệm), trường thử nghiệm có trường công lập và trường ngoài công lập.
Các cán bộ quản lý và giáo viên mầm non được tập huấn trước khi triển khai thí điểm. |
Mỗi trường được chọn đều có 4 nhóm lớp thực hiện thử nghiệm, bao gồm: 1 nhóm nhà trẻ, 1 lớp mẫu giáo 3-4 tuổi, 1 lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, 1 lớp mẫu giáo 5-6 tuổi. Sở GD&ĐT cũng cử cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tham gia thử nghiệm Chương trình GDMN mới, gồm cán bộ lãnh đạo của Sở GD&ĐT, cán bộ quản lý giáo dục của 3 huyện/thành phố là địa bàn thử nghiệm, cán bộ quản lý của 3 trường mầm non thử nghiệm và 24 giáo viên mầm non của 4 lớp được lựa chọn thử nghiệm của các trường thử nghiệm và đối chứng.
Thực tế triển khai
Các trường mầm non tham gia thử nghiệm Chương trình GDMN mới đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường mầm non Bắc Sơn đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cả 3 trường đều có khuôn viên riêng biệt, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thoáng mát, đảm bảo diện tích theo quy định.
Sân trường bằng phẳng đảm bảo an toàn, có chỗ cho trẻ vui chơi, hoạt động. Có đủ khối phòng hành chính quản trị, khối phòng phụ trợ, phòng phục vụ học tập theo quy định. 100% phòng học được xây dựng kiên cố, cao tầng, tất cả các phòng đều thoáng mát, có đủ hệ thống đèn điện, hệ thống camera, quạt trần, máy điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh; hệ thống tủ, kệ, giá đựng đồ chơi, đồ dùng.
Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu có sự đa dạng đồ chơi ngoài trời cho trẻ vui chơi, trải nghiệm. Riêng các lớp tham gia thử nghiệm có đủ thiết bị, đồ dùng đồ chơi dạy học tối thiểu phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đa số trẻ tại 03 trường mầm non tham gia thử nghiệm đều mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia hoạt động thực hành trải nghiệm.
Trẻ thường xuyên được tham gia trải nghiệm vào hoạt động của trường, lớp. |
Các cơ sở GDMN đã tạo điều kiện để cha mẹ học sinh, cộng đồng tham gia vào hoạt động của trường, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ như: Hỗ trợ nhân lực xây dựng cải tạo cảnh quan môi trường, hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, ngày hội, ngày lễ, các hội thi, hội diễn, các hoạt động trải nghiệm của trẻ nhằm tạo sự thống nhất về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ ở lớp học cũng như ở gia đình, tránh được những mâu thuẫn về cách chăm sóc giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường.
Đánh giá chung cho thấy, triển khai thử nghiệm được tiến hành trên cơ sở tôn trọng và phát huy những ưu điểm hiện có trong triển khai Chương trình hiện hành, không làm phức tạp, khó khăn cho các lớp thử nghiệm. Để triển khai thử nghiệm Sở GD&ĐT đã cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn trực tiếp và trực tuyến 1 số nội dung mới của Chương trình GDMN. Các trường mầm non thử nghiệm một số điểm mới của Chương trình GDMN đều đạt các yêu cầu và đảm bảo tính đặc thù dân cư.
Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp các Phòng GD&ĐT chỉ đạo việc triển khai chương trình thử nghiệm, tăng cường giám sát, hỗ trợ các trường mầm non tham gia thử nghiệm để giúp các đơn vị triển khai thuận lợi và hiệu quả. Theo dõi, lắng nghe thực tiễn thử nghiệm và phản hồi chính xác, cụ thể về những khó khăn gặp phải trong quá trình thử nghiệm; phát hiện và chia sẻ quan điểm về những vấn đề nên điều chỉnh để thảo luận và thống nhất trong quá trình thử nghiệm để đạt hiệu quả tốt nhất.