Ninh Bình siết chặt an toàn trường học

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Ninh Bình phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra 16 trường mầm non thuộc 8 huyện/thành phố và ghi nhận kết quả khả quan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều nỗ lực từ cơ sở

Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, trong công tác đảm bảo an toàn trường học có 16/16 trường mầm non đã ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ theo năm học. Đội ngũ giáo viên có tinh thần trách nhiệm, gần gũi yêu thương quan tâm và đối xử công bằng với trẻ.

Đa số trường mầm non có quy hoạch mặt bằng tương đối hợp lý, cảnh quan môi trường sạch đẹp, có tường bao ngăn cách với bên ngoài, có cổng trường chắc chắn đóng, mở theo quy định; phòng học đảm bảo an toàn, có công trình vệ sinh khép kín hoặc liền kề. Có các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định.

16/16 trường mầm non đánh giá đạt các tiêu chí tại bảng kiểm cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo Thông tư số 45/2021/TTBGDĐT của Bộ GDĐT. Trong thời gian qua không xảy ra tình trạng mất an toàn trong các trường mầm non được kiểm tra. Một số nhà trường đã quan tâm sắp xếp, bố trí môi trường trong lớp và ngoài trời an toàn, thân thiện.

Đối với công tác phòng, chống bạo hành trẻ: 16/16 trường mầm non được kiểm tra có tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bạo hành trẻ; thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ (phụ huynh), giáo viên và cộng đồng trên bảng tin, các cuộc họp, website của nhà trường.

Đa số trường mầm non đã chủ động xây dựng, công khai, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong đơn vị; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non”; nội dung phòng, chống bạo hành trẻ được lồng ghép, tích hợp vào kế hoạch chuyên môn của nhà trường, giáo viên.

Các trường mầm non đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng phòng, chống bạo hành trẻ. Có bản cam kết giữa giáo viên, phụ huynh trong công tác phòng, chống bạo hành trẻ. Tuyên truyền tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111; thiết lập và duy trì thông qua nhiều kênh liên lạc khác nhau: số điện thoại, thư điện tử (email), hộp thư góp ý, liên hệ hợp tác với phụ huynh và cộng đồng địa phương để bảo vệ và đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Một số đơn vị sáng tạo trong việc xây dựng và chia sẻ các video với các cách làm, các giải pháp hay về đảm bảo an toàn, phòng chống bạo hành, tư vấn dinh dưỡng, giáo dục thể chất, kỹ năng sống cho trẻ, phối hợp với cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nội dung phòng, chống bạo hành trẻ được lồng ghép, tích hợp vào dạy học

Nội dung phòng, chống bạo hành trẻ được lồng ghép, tích hợp vào dạy học

Với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các trường mầm non đã làm tốt huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ nhà bếp đảm bảo theo quy định; bếp ăn được bố trí, vận hành theo nguyên tắc một chiều; quy trình sơ chế thực phẩm, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.

100% trường mầm non có đủ hồ sơ, sổ sách theo quy định. 100% nhân viên trong các bếp ăn có kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, 14/16 trường đội ngũ nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm có trang phục bảo hộ riêng, có đội mũ, đeo khẩu trang, tạp dề, găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.

100% trường mầm non được kiểm tra thực hiện mua thực phẩm theo hợp đồng đã ký; tại thời điểm kiểm tra các bếp ăn sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ nhãn mác theo quy định và còn hạn sử dụng.

87,5% trường sử dụng nước máy; 12,5% trường sử dụng nước giếng khoan; 6,3% trường sử dụng nước uống đóng bình, 15/16 trường sử dụng nước qua hệ thống lọc dẫn về các phòng học dùng để uống trực tiếp…

Tăng cường an toàn trường mầm non

Từ kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra đã kiến nghị đối với phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cần chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các trường mầm non khắc phục một số tồn tại. Tăng cường tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.

Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo hành trẻ và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thường xuyên tự rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường trong và ngoài lớp có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ, có giải pháp khắc phục kịp thời; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bạo hành trẻ, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định…

Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên.

Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên.

Đối với các trường mầm non cần khẩn trương khắc phục những tồn tại. Bổ sung hoàn thiện Hợp đồng lắp đặt hệ thống cung cấp nước lọc dùng để uống trực tiếp về thời gian bảo trì máy lọc nước, định kỳ kiểm nghiệm nước và có sổ theo dõi quá trình bảo dưỡng máy, thời gian kiểm nghiệm nước. Yêu cầu cơ sở cung cấp hệ thống máy lọc nước thực hiện việc kiểm nghiệm chất lượng nước lọc uống trực tiếp tại các trường và gửi phiếu kết quả kiểm nghiệm để lưu tại các trường…

Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tình yêu thương trẻ trong đội ngũ giáo viên, nhân viên; có biện pháp giảm áp lực làm việc cho giáo viên; bồi dưỡng giáo viên trong xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động giáo dục; giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ thông qua hình thức trải nghiệm, thực hành xử trí tình huống; phối hợp với phụ huynh trong việc dạy trẻ về văn hóa, ứng xử, biết tự bảo vệ bản thân được an toàn.

Tăng cường quản lý các hoạt động chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ; thường xuyên tự rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường trong và ngoài lớp có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ, có giải pháp khắc phục kịp thời; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bạo hành trẻ, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Thông tư số 45 của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; việc thực hiện Kế hoạch số 13 của Sở GD&ĐT về đẩy mạnh phòng chống bạo hành trẻ; kiểm tra hồ sơ hành chính, hồ sơ pháp lý của cơ sở; kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm tại 16 trường mầm non trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ