Niger: Phép màu "tái sinh từ gốc"

GD&TĐ - Nửa đầu thế kỷ XX, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nông dân Niger (phía Nam sa mạc Sahara) phải đốn hạ toàn bộ cây rừng.

Ngoài bảo vệ đất đai và cây trồng, "tái tạo từ gốc" còn cung cấp nhiên liệu bền vững.
Ngoài bảo vệ đất đai và cây trồng, "tái tạo từ gốc" còn cung cấp nhiên liệu bền vững.

Sau khi giành độc lập vào năm 1960, Niger nỗ lực trồng lại rừng nhưng thất bại. Không ngờ, chỉ bằng một giải pháp cực kỳ đơn giản, vùng đất sa mạc của họ đang được phủ xanh bởi 200 triệu cây xanh.

Mất hệ sinh thái

Niger thuộc Tây Phi, có diện tích 1,27 triệu km² và dân số khoảng 24 triệu người. 80% đất đai Niger nằm trong Sahara, khí hậu cận nhiệt đới vô cùng khô và nóng. “Khi tôi còn bé, không có thảm thực vật nào trong làng và cánh đồng”, Ali Neino (45 tuổi) nhớ lại. Nguyên nhân đến từ sự tàn phá của thực dân Pháp.

Pháp thuộc địa vùng Tây Phi từ 1895 – 1958, chiếm vùng đất hoang mạc và bán hoang mạc rộng 4,69 triệu km². Tại Niger, họ đưa các nhà nông học đến, thúc ép nông dân chặt bỏ cây rừng và tiến hành thương mại hóa nông nghiệp.

Trước đó, Niger tuy khô nóng nhưng vẫn giàu cây xanh. Nhờ có sông Niger (4.184 km) chảy qua, mảnh đất này được tưới nước, hình thành các dải rừng giàu cây cối. Chúng vừa cung cấp bóng mát, vừa giúp giữ nước trong đất và làm thức ăn cho động vật.

Cư dân Niger sống dưới các dải rừng. Họ canh tác nông nghiệp xung quanh gốc cây cổ thụ và đốn tỉa cành của chúng làm củi đun. Một trong các cây được người Niger yêu quý nhất là gai mùa đông (faidherbia albida).

Chúng to lớn, nhiều lá và rụng lá trong mùa mưa. Lá gai mùa đông phân hủy thành phân bón giàu nitơ, tái tạo dinh dưỡng cho vạt đất xung quanh, thuận tiện trồng trọt.

Cuộc “cách mạng nông nghiệp” của thực dân Pháp đã biến các dải rừng thành đồng trống mênh mông. Mất cây cối, Niger sớm rơi vào hạn hán. Cuối thập niên 1960, họ trải qua đợt hạn hán trầm trọng nhất. Những năm 1970, chính phủ Niger cho trồng 60 triệu cây xanh, nhưng chỉ khoảng 20% sống sót.

Năm 1975, Niger lần nữa hạn hán nghiêm trọng. Thập niên 1980, vùng đất này đối diện với thảm họa sụp đổ hệ sinh thái. 

Chỉ bằng việc để gốc cây bị chặt từ thời thuộc địa đâm chồi mới, Niger hiện có trên 200 triệu cây xanh.
Chỉ bằng việc để gốc cây bị chặt từ thời thuộc địa đâm chồi mới, Niger hiện có trên 200 triệu cây xanh.

Tái sinh tự nhiên

Năm 1981, Rinaudo - nhà truyền giáo người Úc, đến Maradi (Niger) với mong mỏi khôi phục rừng sa mạc. Một ngày, ông vô tình nhìn thấy mầm non mới nhú ra từ gốc cây bị chặt đã lâu. “Tôi quan sát và phát hiện, tất cả các gốc cây bị đốn đều có khả năng mọc lại”, Rinaudo kể lại.

Trên toàn diện tích đất nông nghiệp của Niger, gốc cây bị đốn từ thời Pháp thuộc vẫn kiên trì sống sót. Nếu để chúng tự phục hồi, Niger không cần tốn kém nhân lực, tài chính, thậm chí không cần phải lo ảnh hưởng từ thời tiết. Lập tức, Rinaudo đi khắp vùng thuyết phục nông dân. Năm 1983, ông cung cấp thực phẩm cho một số gia đình, đổi lấy sự đồng ý thử nghiệm.

Năm 1984, nhiều hộ từ bỏ và quay lại chuyên canh cây nông nghiệp. Nhưng, chỉ năm 1985, họ đều hối tiếc khi nhìn sản lượng từ các hộ tin lời Rinaudo. “Lá rụng vừa bón phân vừa giữ ẩm cho đất.

Tán cây thì ngăn chặn gió, cát”, Maimouna Moussa (60 tuổi) xác nhận. Nhờ có cây rừng tái sinh xòa tán bảo vệ, các loại khoai, sắn, mè… phát triển tốt hơn. Một vài cây dại còn có quả và hạt ăn được. Cành cây dại cũng có thể chặt bớt, làm củi đun bền vững.

Suốt 10 năm tiếp theo, Rinaudo đi khắp Niger để chia sẻ kinh nghiệm cho gần 100 ngôi làng. Maradi cũng thành lập Đoàn Hòa bình (Peace Corps), tỏa đi khắp nước phổ biến “tái sinh từ gốc”. 

Thành công kỳ diệu

Nông dân Niger canh tác dưới tán rừng sa mạc tự tái tạo đạt sản lượng cao.
Nông dân Niger canh tác dưới tán rừng sa mạc tự tái tạo đạt sản lượng cao. 

Bất chấp nền kinh tế nghèo và thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài, Niger dần dà khôi phục rừng sa mạc. Các mầm non nhú ra từ gốc mạnh hơn cây con, sinh trưởng nhanh và khỏe.

“Năm 1988, tôi ghé thăm Maradi vì nghe nói nơi này đang thịnh hành phương pháp tái sinh rừng mới. Lúc đó, tứ bề vẫn rất trống trải”, Chris Reij - nhà khoa học rừng đến từ Hà Lan nhớ lại. Ông không hy vọng gì vào “tái sinh từ gốc”, nhưng phải ngỡ ngàng khi trở lại vào năm 2004.

Mới sau 16 năm trôi qua, Maradi đã có 25 nghìn cây cao lớn. Reij vội vàng liên lạc với Grey Tappan – nhà địa lý học người Mỹ. Vài tuần sau, Tappan cũng có mặt tại Maradi. “Tôi đã không biết gì cả, cho đến khi tận mắt chứng kiến”, Tappan cho biết. Ông cùng Reij thực địa khắp Niger 2 năm.

“Việc tái xanh đã phủ 80% diện tích đất trồng trọt cả nước”, Tappan xác nhận. Theo báo cáo vào năm 2009 của ông, sự “tái sinh từ gốc” diễn ra trên ít nhất 48 nghìn héc ta của Niger. Một số làng còn nhiều cây hơn trước những 20 lần.

Bây giờ, “tái sinh từ gốc” mở rộng ra gần 60 nghìn héc ta. Ước tính, ít nhất Niger cũng đang có 200 triệu cây xanh mới. “Hoạt động tái tạo cây xanh quy mô lớn này là tự nguyện.

Nó giàu tiềm năng giải quyết các vấn đề môi trường và an ninh lương thực tại Niger hơn so với các chiến dịch trồng cây”, Tappan ghi nhận.

Thành công của Niger là bài học thực tế quý giá cho toàn châu Phi. Lục địa Đen cần nhiều cây hơn, nhưng thay vì các chiến dịch trồng cây tốn hàng tỷ USD, họ nên cân nhắc “tái sinh tự nhiên” đối với các vùng đất vẫn còn gốc cũ.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.