Niềm vui của bản Rào Tre

GD&TĐ - Biết tin Sương đậu đại học, cả bản Rào Tre vui như có hội. Sương là niềm tự hào của bà con đồng bào dân tộc Chứt nơi đây.

Nữ sinh Hồ Thị Sương hiện đang học tại Trường ĐH Hà Tĩnh. Ảnh NVCC.
Nữ sinh Hồ Thị Sương hiện đang học tại Trường ĐH Hà Tĩnh. Ảnh NVCC.

Từng nghĩ mình sẽ bỏ học

Hồ Thị Sương người đồng bào dân tộc Chứt (sinh viên năm nhất ngành sư phạm Mần non – Trường ĐH Hà Tĩnh) sinh ra thiếu tình thương của cha. Gia đình khó khăn, mẹ Sương một mình tần tảo nuôi 4 chị em ăn học. Để phụ mẹ mưu sinh, một buổi Sương đến trường, buổi còn lại Sương cùng mẹ lên rừng hái mây, kiếm măng về bán.

Khó khăn, gian khổ không làm vơi bớt đi sự ham học trong Sương. Để ôn bài đã trên lớp, hễ có thời gian rảnh Sương luôn tận dụng tối đa để học. Đêm đến khi các em đã ngủ, Sương lại chong đèn học bài với suy nghĩ chỉ có con đường học mới có thể thay đổi cuộc đời, xua đuổi cái đói nghèo đeo bám nhiều đời nay của gia đình. Nhưng những lúc gia đình lâm vào cảnh bữa no, bữa đói, ý định bỏ học đi làm thuê nổi dậy trong Sương.

Thế rồi, những ngày đói qua đi, ước mơ trở thành cô giáo tiếp tục âm ỉ cháy trong cô gái nhỏ. Sương trải lòng: “Ước mơ trở thành cô giáo nhen nhóm trong em khi hằng ngày chứng kiến cảnh cô giáo mầm non đón, đưa các em nhỏ trong bản đi học. Rồi lên cấp 2, học ở trường nội trú nhìn thấy cô giáo của mình có cuộc sống rất hạnh phúc, không phải sống cảnh chạy cơm từng bữa, ước mơ trở thành cô giáo càng lớn”.

Ngày cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học cô học trò nghèo đã không tin đó là sự thật. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu, nỗi lo cơm áo, gạo tiền trang trải 4 năm học đại học sẽ lấy từ đâu khi người mẹ nghèo còn phải nuôi ba đứa em. Ai sẽ chăm các em lúc mẹ vắng nhà….

Thấu hiểu được nỗi lo đó, mẹ Sương cùng thầy cô và bộ đội biên phòng đồn Bản Giàng đã động viên, tìm các nguồn hỗ trợ. Và họ đã trở thành hậu phương vững chắc để Sương an tâm đi tiếp chặng đường phía trước, dẫu có muôn vàn khó khăn. Ngày khăn gói lên thành phố nhập học, Sương được các chú bộ đội biên phòng thay mẹ đưa đi.

“Lúc các chú ra về, em đã không cầm được nước mắt. Em biết, để bước đến cảnh cổng trường đại học này các chú đã giúp em rất nhiều, em thầm hứa với bản thân phải cố gắng học hành, thành người không phụ công các chú”, Sương trải lòng.

Hồ Thị Sương người đồng bào dân tộc Chứt (sinh viên năm nhất ngành sư phạm Mầm non – Trường ĐH Hà Tĩnh) trong ngày nhập học. Ảnh NVCC.

Hồ Thị Sương người đồng bào dân tộc Chứt (sinh viên năm nhất ngành sư phạm Mầm non – Trường ĐH Hà Tĩnh) trong ngày nhập học. Ảnh NVCC.

Nữ trưởng bản trải lòng về tin vui

Dọc con đường đá sỏi dẫn vào bản, từ xa đã nghe tiếng cười nói, vui đùa của những đứa trẻ vọng về. Chỉ tay theo hướng phát ra tiếng cười đùa đó, chị Hồ Thị Kiên (34 tuổi) – trưởng bản Rào Tre cho biết: “Đó là tiếng của trẻ mầm non đang học ở điểm trường đầu bản”.

Chị Kiên - trưởng bản cũng là một trong những người đầu tiên ở bản Rào Tre được đến trường và biết chữ nhờ sự vận động của bộ đội biên phòng, thầy cô và chính quyền địa phương. Trước đó, chị theo cha mẹ sống trong rừng, hằng ngày phải đi kiếm măng rừng, rau rừng, quả rừng để mưu sinh.

Người dân đồng bào Chứt vốn quen lối sống du canh, du cư tự do bởi vậy trong tiềm thức của họ không có khái niệm đi học, chữ viết. Họ giao tiếp với nhau bằng tiếng nói riêng của dân tộc mình. Do vậy, quá trình xóa mù chữ, vận động người dân đi học là một hành trình dài, bền bỉ của bộ đội biên phòng, các cấp, các ngành và địa phương.

Chị Kiên nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in ngày bộ đội biên phòng về đây, họ đến từng nhà vận động người dân đi học. Nhưng dường như người dân không hợp tác, đóng cửa ngồi trong nhà nhìn ra hoặc trốn vào rừng. Một lý do nữa khiến người dân lúc đó trốn tránh như vậy vì họ xấu hổ lớn rồi còn đi học. Đặc biệt người dân chưa ý thức được giá trị của việc đi học”.

Để người dân tin, hiểu được thiện chí của mình, các chú bộ đội đã trực tiếp xuống ruộng cày, cấy, hướng dẫn người dân trồng ngô, sắn và các loại rau màu, dần dần họ cũng mở lòng với bộ đội.

Ngày làm nương, tăng gia sản xuất cùng người dân, đêm về các chú bộ đội lại “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân đi học để xóa mù chữ. Bền bỉ như vậy qua nhiều năm, lứa học sinh đầu tiên thời chị Kiên đã chịu đến trường học chữ, tham gia các hoạt động tập thể.

Chị Kiên nhớ lại: “Mình bắt đầu tập đọc, cầm bút viết nét chữ đầu tiên là năm 13 tuổi. Lúc đầu đi học rất ngại, nhưng dần dần thấy được cái hay của chữ viết, cái hay khi mình biết đọc lại ham. Lên lớp 6 được sống cùng cô giáo chủ nhiệm, cô dạy và uốn nắn mình từng chút một làm cho suy nghĩ, nhận thức của mình cũng thay đổi rất nhiều”.

Sau khi học xong chị Kiên quay trở về bản sinh sống, chị đưa những kiến thức của mình học được từ trường học chia sẻ cho bà con dân bản đặc biệt là thế hệ trẻ. Chị tuyên truyền cho mọi người kiến thức trồng các loại rau màu, chăn nuôi qua đó chị lồng ghép giảng giải cho người dân hiểu tầm quan trọng của việc đi học, đến trường.

Những việc làm thực tế của chị, từ năm 2015 đến nay chị được bà con trong bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản. “Họ tin tưởng mình vì mình biết chữ, từng được đi học”, chị Kiên nói.

Không chỉ hướng dẫn bà con trong việc sản xuất chị Kiên còn tham gia với bộ đội biên phòng, thầy cô đi vận động phụ huynh cho con đến trường đúng độ tuổi. Nhiều năm miệt mài, quả ngọt đã đến với bản Rào Tre, mùa tuyển sinh đại học năm 2021 cả bản đón nhận tin vui khi Hồ Thị Sương – học sinh đầu tiên người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đậu đại học.

“Khi nghe tin Sương đậu đại học, cả bản vui như có hội, đây giống như một bước ngoặt mới của bà con đồng bào Chứt ở Rào Tre, tạo nguồn cảm hứng, tác động lớn để thay đổi tư tưởng, nhận thức về việc đến trường của người dân trong bản.

Ngày chia tay Sương lên thành phố học, cả bản làng ra tiễn với niềm hi vọng Sương học hành thành tài trở về xây dựng quê hương, thổi hồn tình yêu con chữ vào thế hệ trẻ của bản làng”, chị Kiên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ