'Niêm hoa', cuộc đối thoại của những cá tính đa sắc

GD&TĐ - 'Niêm hoa' - cuộc đối thoại của những cá tính đa sắc, đa hình và đa diện ẩn dưới tinh thần tĩnh lặng của thiền.

Tuyển tập tranh và gốm 'Niêm hoa' tập hợp các tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ từ nhóm G39.
Tuyển tập tranh và gốm 'Niêm hoa' tập hợp các tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ từ nhóm G39.

Tuyển tập tranh và gốm “Niêm hoa” tập hợp các tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ từ nhóm G39: Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Hồng Phương, Vũ Hữu Nhung, Đinh Công Đạt, Chu Hồng Tiến, Phương Bình, Lê Thiết Cương sẽ được ra mắt tại không gian nghệ thuật SonArt & Culture Space - 20C Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) vào ngày 8/4.

Mỉm cười thấy một bông hoa

'Bạch Liên' - tác phẩm của họa sĩ Bình Nhi.

'Bạch Liên' - tác phẩm của họa sĩ Bình Nhi.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách, hơn 40 tác phẩm tranh và gốm trong tuyển tập “Niêm hoa” cũng sẽ được trưng bày tại SonArt. Qua những tác phẩm nghệ thuật của mình, mỗi nghệ sĩ sẽ cùng gợi lên trong lòng khán giả cảm thức “niêm hoa vi tiếu” theo những cách riêng.

“Niêm hoa vi tiếu” là một điển tích của nhà Phật về sự ra đời của thiền. Vào một buổi giảng pháp đặc biệt với các học trò xuất chúng của mình, Thích Ca với một bông hoa sen không thuyết giảng, không văn tự mà chỉ tâm truyền tâm. Cả lớp học lặng lẽ dõi theo bông sen và lặng thinh, duy chỉ có Ca Diếp mỉm cười, từ giây phút đó mà thiền ra đời…

Đây là một câu chuyện rất quan trọng của Phật giáo, được xem là đầu mối của Phật giáo Thiền Tông. Ca Diếp thấy Phật đưa bông hoa lên mà không nói, Ca Diếp cũng không nói, nhưng nét mặt mỉm cười chứng tỏ đã rõ thấu Chánh pháp của Phật.

Điều đó ẩn tàng sâu kín vi diệu bên trong, tuy có tướng mà không có tướng. Bông hoa là biểu hiệu của tâm, sự im lặng là biểu hiệu của pháp. Tâm với pháp tuy có mà không, tuy không mà có.

Theo quan niệm nhà Phật, trong mỗi người đều sẵn có Phật tính. Đi tu là trở về chính mình, không phải là đi đến tận nơi đâu. Triết lý này, được các nghệ sĩ nhóm G39 liên hệ với công việc sáng tạo nghệ thuật, và trở thành mối đồng cảm.

Trên hành trình đi tìm mình, nhóm nghệ sĩ đã chiêm nghiệm ra những sự tương đồng trong sáng tạo hội họa với hành thiền. Với họ, nghệ sĩ là kẻ đi tìm chính mình, tìm ra cách biểu đạt riêng. Tìm ra cá tính nghệ thuật đối với người nghệ sĩ được ví như tìm ra cõi niết bàn của người tu hành. Với họa sĩ, vẽ cũng là tu, vẽ cũng là thiền.

Trên tinh thần đó, tuyển tập các tác phẩm của nhóm nghệ sĩ được lấy tên “Niêm hoa”, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tranh và gốm xung quanh đề tài hoa để thể hiện phong cách nghệ thuật của riêng mỗi người.

Theo ban tổ chức, trong buổi ra mắt sách công chúng không chỉ trực tiếp gặp gỡ và giao lưu với các nghệ sĩ, mà còn tận mắt chiêm ngưỡng hơn 40 tác phẩm nghệ thuật trên nhiều chất liệu.

Mỗi tác phẩm mang những nét riêng, cùng hiện diện bên nhau như một cuộc đối thoại của những cá tính đa sắc, đa hình, và đa diện ẩn dưới tinh thần tĩnh lặng của thiền. Trước thềm Phật đản, trong tiết cuối Xuân, tên gọi “Niêm hoa” như gói ghém cái vô cùng trong cái vô ngôn.

Tìm mình trong nghệ thuật

Tác phẩm gốm của nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung.

Tác phẩm gốm của nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung.

Trong giới mỹ thuật, G39 là nhóm nghệ sĩ đầy năng động. Từ những năm 2016, nhóm đã thu hút đông đảo công chúng thưởng lãm nghệ thuật bởi những triển lãm quy mô gây được tiếng vang.

Và hầu như năm nào, nhóm cũng tổ chức một vài triển lãm theo các chủ đề nhằm đem đến những góc nhìn mới lạ, thể hiện sinh động sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam đương đại.

Gần đây nhất, vào tháng 9/2022 triển lãm “Thu 6.0” với những tác phẩm về mùa Thu và Tết Trung thu đã khiến không khí trăng tròn thêm viên mãn.

Hội tụ nhiều phong cách trên nhiều chất liệu, từ sự rực rỡ sắc màu trên giấy báo cũ đến sơn dầu, nude, mặt nạ giấy bồi, từ trừu tượng tới tối giản… đem lại “bữa tiệc màu sắc” huyền ảo, lung linh, mãn nhãn giới mộ điệu.

Trong triển lãm “Niêm hoa”, 8 nghệ sĩ là 8 phong cách đặc trung gắn với hành thiền. Bình Nhi vốn yêu hoa sen, cô ngắm những bông sen trắng tĩnh lặng an nhiên trên mặt hồ đầy rong rêu với những chú chuồn chuồn. Trong tâm cảm họa sĩ, đó là hiện tại lạc trú gửi gắm vào những tác phẩm truyền tâm.

Nguyễn Quốc Thái lại tung tẩy với sen trên nền báo cũ hoặc xuyến chỉ. Trong từng nét bút, sen nở và tàn, sinh ra và về với bùn đất như một triết lý vốn được tạo hóa an bài từ thuở tạo thiên lập địa. Có lẽ những bức vẽ ấy, họa sĩ chưa hẳn vẽ sen mà vẽ về mình.

Những bức tranh rực rỡ bốn mùa hoa của Nguyễn Hồng Phương - bằng những nhát bút cộm sơn, nhanh mạnh dứt khoát như thể nhựa sống bung tỏa tràn trề đã thể hiện thái độ vui sống đầy mãnh liệt và hoài bão.

“Niêm hoa” cũng chứng kiến sự góp mặt của những tác phẩm điêu khắc do Vũ Hữu Nhung mang lại. Những bông sen làm từ gốm, xem qua thô mộc giản dị nhưng chứa chất trong đó là bao nhiêu năng lượng từ đất - nước - thiên - địa - nhân, để rồi khi trải qua hỏa biến đã trở thành cầu nối giữa đạo - đời, nhân - duyên.

Còn Phương Bình những ngày này đang ở phòng trưng bày nghệ thuật ở London (Anh) trong triển lãm “Sắc màu quê hương”, để lan tỏa hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động, hiền hòa tới bạn bè Anh quốc.

“Niêm hoa” sẽ có 4 tác phẩm sơn mài của Phương Bình - cùng một chủ đề đối thoại rất đỗi quen thuộc, người và hoa trò chuyện. Những dáng hình khỏa thân đẹp như hoa sen cuốn lấy nhau như hòa làm một.

Kìa! Cánh sen, nụ sen hay đài sen, cái ý “cư trần lạc đạo” tùy duyên mà sống, tuỳ duyên mà vui như thể lan tỏa trong hương thơm phảng phất của sen và người.

“Niêm hoa vi tiếu” - niêm là cầm đưa lên, hoa là bông hoa, vi là nhỏ, tiếu là cười. Tách từng từ trong một điển tích thiền, tách từng tác phẩm trong một rừng hoa hội họa, tách từng phong cách trong sự hòa chung, tách từng nghệ sĩ của nhóm sáng tạo - để thấy rằng, mỗi người đều có Phật tính, căn tính hoặc đức tính.

Sự riêng lẻ vốn đã phong phú, khi hợp chung lại hòa quyện, âu cũng là một tính không cần gọi tên - như bông sen thơm giữa đầm bùn lặng lẽ.

“Trong những con đường đi tìm mình, trở về mình thì nghệ thuật là con đường đặc biệt, con đường của cái đẹp. Cùng nở một nụ cười, cùng ngắm một bông hoa nở. Vẽ, và vẽ một bông hoa cũng là thiền” - Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ