'Nhường cơm sẻ áo' cho trò nghèo

GD&TĐ - Thầy cô Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Lắk) tự nguyện trích lương, mua thực phẩm về nấu cho các em. Vượt núi, băng rừng để học chữ.

Thầy Nguyễn Quang Ngọc (áo xanh) cùng học sinh bán trú Trường THPT Trần Hưng Đạo, Đắk Lắk.
Thầy Nguyễn Quang Ngọc (áo xanh) cùng học sinh bán trú Trường THPT Trần Hưng Đạo, Đắk Lắk.

Đường đến trường của Giàng Thị Máng (lớp 12A1) và Giàng Thị Hồng (lớp 11C5) dài hơn 40 km, nắng mưa thất thường nhưng 2 em chẳng nề hà khó khăn, trở ngại. Với các em, học chữ là cách duy nhất để thay đổi số phận, tìm kiếm tương lai tươi sáng cho chính mình và những đứa trẻ ở miền sơn cước này.

Ở lứa tuổi THPT, các em cần có đủ dinh dưỡng để phát triển thể chất và tinh thần. Trước mắt, Sở đã động viên lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái, hỗ trợ thêm cho các em học sinh. Bởi thầy cô dạy trực tiếp sẽ hiểu rõ hoàn cảnh từng em, từ đó kịp thời động viên, giúp đỡ. Tôi cũng mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ để nhà trường duy trì bữa ăn có thịt cho học sinh nghèo ở đây. - Ông Phạm Đăng Khoa

Giàng Thị Máng cho biết, nhà của 2 em đều ở xã Cư San, huyện M’Drắk. Nếu học đúng tuyến thì phải ra trường huyện (Trường THPT Nguyễn Tất Thành - PV), nhưng đường lại xa và khó đi hơn. Vì thế, cha mẹ đã gửi các em qua huyện Krông Bông học ở Trường THPT Trần Hưng Đạo.

“Mỗi lần đến trường, chúng em phải vượt qua nhiều đồi núi, con suối và đoạn đường lởm chởm đá, ổ voi, ổ gà. Những hôm trời mưa ở các đoạn đèo dốc đường trơn trượt, phải có người lớn hỗ trợ mới đi qua được. Cuối tuần về thăm nhà đường chính bị sình lầy không thể qua lại, em và Hồng phải gửi xe ở trung tâm xã rồi tìm lối tắt đi bộ”, Máng kể.

Đôi bạn chung hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ di cư từ vùng khác đến đây, không có đất sản xuất nên chủ yếu đi rừng lấy măng và làm thuê. Ở nhà, gia đình đông con, bữa ăn chủ yếu là cơm trắng với muối, rau rừng, lâu lâu mới có ít con cá suối do bố bắt. “Bố mẹ em thường nói, nhà mình khổ thật, nhưng các con phải cố gắng đi học để mai sau có hiểu biết và có cuộc sống tốt hơn”, Hồng nói.

Gần trường hơn, nhưng gia cảnh của em Vàng A Tú, lớp 11C7 khó khăn gấp bội. Trong bữa cơm tối ở khu bán trú với các bạn, A Tú kể: “Nhà có 8 anh chị em, 2 anh chị đã học xong hiện đi làm thuê để kiếm tiền học nghề và phụ gia đình. Còn lại 2 đứa đi học và 3 em còn nhỏ ở nhà. Gia đình em nghèo lắm, bữa ăn ở nhà chủ yếu là nồi cơm trắng với canh rau, muối. Lâu lâu đi làm thuê có tiền mẹ mua cho ít cá khô”.

Vừa buộc xong bao đồ chứa các dụng cụ đi rẫy trên chiếc xe máy “cà tàng” trơ cả khung sắt, anh Vàng Seo Lồng (sinh năm 1987) – bố A Tú cho biết: “Vợ chồng tôi không biết chữ lại sinh nhiều con nên càng làm, càng đói khổ. Ngoài làm nông, không biết làm gì thêm. Hàng ngày lo cái ăn, cái mặc cho con rất khó. Giờ cũng chỉ trông chờ vào Đảng, Nhà nước và các thầy cô giúp đỡ để các con được đến trường học học chữ”.

Tự nhận thấy sinh nhiều con dẫn tới đói nghèo, nhưng trong thâm tâm của người đàn ông chưa đến 40 tuổi không biết chữ này vẫn khát khao cho con đi học. “Ngay cả căn nhà tôi cũng dột nát tứ bề, khổ đến mấy vợ chồng tôi sẽ quyết tâm đến cùng để cho các con đi học. Không thể để chúng đi theo con đường nghèo khổ của bố mẹ nữa”, anh Lồng quả quyết.

Thầy Mai Văn Thanh và các thầy cô vào bếp nấu “Bữa cơm có thịt” cho học sinh.

Thầy Mai Văn Thanh và các thầy cô vào bếp nấu “Bữa cơm có thịt” cho học sinh.

Nơi nuôi dưỡng những ước mơ

Trường THPT Trần Hưng Đạo nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, thuộc khu căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các thế hệ nhà giáo luôn ý thức “dạy chữ song hành dạy người”, trước hết, phải giúp các em có được niềm vui, hạnh phúc khi đến trường.

Thầy Dương Xuân Vỹ - Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Trong những năm qua, nhà trường đã giao Đoàn Thanh niên xây dựng phong trào vận động học sinh đến trường, hỗ trợ học sinh quần áo, sách vở và nhu yếu phẩm sinh hoạt. Kết quả, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hơn 2/3. Đặc biệt, từ năm học 2023 - 2024 này, nhà trường vận động cán bộ, giáo viên tổ chức “bữa cơm có thịt” cho các em học sinh bán trú.

Để tổ chức các bữa ăn, nơi nghỉ cho học sinh, nhà trường đã xin cải tạo dãy phòng học của một trường THCS cũ gần đó (do chuyển về trung tâm xã – PV) thành khu bán trú. “Toàn bộ phòng ốc được cải tạo, sửa chữa thành khu nhà ở cho học sinh dân tộc thiểu số. Sở GD&ĐT cũng đầu tư xây dựng thêm nhà ăn, nhà sinh hoạt tập thể, nhà vệ sinh. Đến nay, không còn học sinh nào phải ở lán, trại như những năm trước”, thầy Mai Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo thông tin.

Thầy Phan Văn Thuận “đạo diễn” bữa ăn cho học sinh.

Thầy Phan Văn Thuận “đạo diễn” bữa ăn cho học sinh.

Khuôn viên khu bán trú có hàng rào bao quanh kiên cố. Các phòng ở được trang bị giường, quạt điện và hệ thống chiếu sáng. Năm học 2023 - 2024, 29 học sinh đăng kí ở bán trú. Trong đó, 100% là người Mông. Nhiều em ở đây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ phải đi làm ăn xa.

“Biết gia đình các em còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên nhà trường đã tìm nhiều cách động viên giúp các em yên tâm học tập. Chúng tôi luôn luôn động viên học sinh, xem khu bán trú như ngôi nhà thứ 2 của mình. Hãy tận dụng khoảng thời gian ở đây để trau dồi kiến thức, kỹ năng. Tạo cho mình thói quen về nền nếp, kỷ cương trong sinh hoạt, học tập, để mỗi ngày trôi qua có thêm những niềm vui mới, động lực mới. Chúng tôi tin chắc, đây sẽ là nơi nuôi dưỡng những ước mơ tươi sáng cho học trò nghèo”, thầy Thanh xúc động nói.

Học sinh bán trú với bữa cơm chiều do thầy cô hỗ trợ.

Học sinh bán trú với bữa cơm chiều do thầy cô hỗ trợ.

Mệnh lệnh từ trái tim

Đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại khu vực bếp ăn của Trường THPT Trần Hưng Đạo. Bữa ăn hôm nay do chính thầy Mai Văn Thanh – Hiệu trưởng nhà trường là đầu bếp. Vừa thoăn thoắt thái rau, thầy vừa nêm nếm gia vị cho nồi thịt để chuẩn bị bữa trưa cho gần 30 học sinh.

Sau khi hoàn thành món thịt bò xào rau cần, thầy Thanh lấy khăn lau nhẹ mồ hôi, dí dỏm nói: “Bếp nơi khác thì chỉ một đầu bếp chứ bếp trường tôi mỗi ngày một đầu bếp. Đầu bếp là giáo viên trong trường được thay đổi theo lịch phân công. Đến phiên ai thì tự giác thực hiện, ngày hôm nay đến phiên của tôi. Để chuẩn bị bữa ăn, từ sáng sớm tôi đã đi chợ để kịp mua nguyên liệu về sơ chế”.

Do kinh phí hạn hẹp nên trước khi đi chợ, các giáo viên đã tự cân đo, chọn thực phẩm để làm sao vừa tiết kiệm nhưng bảo đảm dinh dưỡng, số lượng cho mỗi học sinh. Bữa ăn tuy không đầy đủ như các trường miền xuôi nhưng đó làm tấm lòng và sự san sẻ của thầy cô dành cho học sinh.

Thầy Nguyễn Quang Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, đội ngũ giáo viên ở đây đến từ nhiều miền quê nghèo, nhưng ai ai cũng đồng tâm, đồng lòng vì học sinh. “Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh từng em. Chính vì vậy, cái gì có lợi cho học sinh đều được thực hiện từ ‘mệnh lệnh của trái tim’. Dẫu biết rằng, trích một phần lương thì việc chi tiêu trong gia đình của thầy cô phải thay đổi. Nhưng điều đó một lần nữa khẳng định, càng gian khó, sứ mệnh của người thầy, nhân cách người thầy càng tỏa sáng”, thầy Ngọc bày tỏ.

Thầy giáo Phan Văn Thuận và vợ cùng dạy tại ngôi trường vùng khó này. Khi biết hoạt động của nhà trường 2 vợ chồng hăng hái hưởng ứng cắt bớt một phần lương ủng hộ “Bữa cơm có thịt” cho học sinh. “Đây là việc làm hết sức nhân văn. Các thầy cô ai cũng vui khi được đến phiên mình. Mong rằng, các em sẽ biết trân quý tình cảm của thầy cô để ra sức học tốt, rèn luyện tốt. Em nào sau này thành đạt, có điều kiện có thể quay lại giúp đỡ các em khóa sau”, thầy Thuận gửi gắm.

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chia sẻ, Trường THPT Trần Hưng Đạo là cơ sở giáo dục nằm ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Địa bàn tuyển sinh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Mông.

“Chúng tôi đã nhận được kế hoạch tổ chức ‘Bữa cơm có thịt’ cho học sinh bán trú của nhà trường. Tôi cũng đã biết, ở ngôi trường vùng sâu này, truyền thống đoàn kết, nhân ái được duy trì kể từ ngày thành lập. Nhiều thầy cô sẵn sàng trích lương, bớt khẩu phần ăn của gia đình hỗ trợ học sinh, đồng thời còn lặn lội đến thị trấn, thành phố và tỉnh khác để tìm học bổng cho học sinh. Đây là việc làm nhân văn cao đẹp, vừa thể hiện tình yêu nghề, yêu trò của đội ngũ nhà giáo vừa khẳng định vị trí, đóng góp của nhà giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới”, ông Khoa cho biết.

Ông Trần Đức Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết, hơn 10 năm qua, những mô hình hay, việc làm đẹp của đội ngũ thầy cô giáo Trường THPT Trần Hưng Đạo đã giúp các gia đình khó khăn quyết tâm cho con đến trường. “Lúc tôi còn làm Bí thư Đoàn xã, thường xuyên cùng thầy cô vận động học sinh ra lớp. Nhiều em không có đủ áo quần, sách vở… thầy cô lại trích lương ra mua hoặc đi xin cho trò.

Đến nay, tỷ lệ học THPT của xã đã tăng lên gấp đôi so với năm 2010. Đặc biệt, khi trường tổ chức ‘Bữa cơm có thịt’, chúng tôi là lãnh đạo địa phương cũng hết sức xúc động, vì không nghĩ, thầy cô luôn tự nhận thiệt thòi về mình để lo cho học sinh như con đẻ của mình vậy. Tôi chỉ biết thay mặt bà con cảm ơn thầy cô”, ông Sơn phát biểu.

Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Trần Hưng Đạo có hơn 800 học sinh, trong đó hơn 80% là con em người dân tộc thiểu số. Trong số này, 29 em người dân tộc Mông ở tại khu bán trú của nhà trường. Nhằm hỗ trợ học sinh, nhà trường đã triển khai chương trình “Bữa cơm có thịt”. Thầy cô giáo tự nguyện trích lương, phân lịch đi chợ, nấu ăn cho học sinh mỗi tuần 3 bữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ