Bữa cơm giữ chân học trò

GD&TĐ - Học sinh vắng ngày mưa, mỏi chân vì đường xa mà không chịu ra lớp, nên thầy cô chung tay hỗ trợ, kêu gọi nhà hảo tâm tổ chức bữa ăn bán trú.

Những đứa trẻ Xơ Đăng thưởng thức bữa trưa. Ảnh: Dung Nguyễn
Những đứa trẻ Xơ Đăng thưởng thức bữa trưa. Ảnh: Dung Nguyễn

Thổi cơm nuôi trò

7 giờ 30 phút, bếp ăn của Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) nhộn nhịp, đông đúc hơn thường lệ. 5 “cô nuôi” và một số giáo viên tất bật sơ chế thức ăn chuẩn bị bữa trưa cho học trò.

Cô Hồ Thị Thuỳ Vân - Hiệu trưởng nhà trường xắn tay cùng mọi người rửa su su, cà rốt. Bữa trưa hôm nay của học trò gồm 3 món: Gà kho măng, canh bí và rau củ xào.

Cô Vân tâm sự, Trường Tiểu học xã Đăk Hà có 713 học sinh, đa số là người Xơ Đăng, trong đó 404 em có chế độ bán trú. Ty Tu - một trong 3 điểm trường lẻ có học sinh khó khăn. 73 em lớp 1 - 2 không có chế độ bán trú nên sáng đi học, trưa về nhà.

Nhà lại cách trường mấy quả đồi, chẳng ai nấu ăn, nhắc nhở nên buổi chiều các em hầu như tự ý không đến lớp. Tỷ lệ chuyên cần giảm đồng nghĩa chất lượng giáo dục thấp khiến thầy, cô lo lắng.

Không muốn tương lai học sinh dừng lại ở cánh rừng, giáo viên bàn nhau đóng góp tiền nấu cơm nuôi các em. Thế rồi, từ năm 2021 thầy, cô trích tiền túi nấu cơm trưa để các em ăn rồi nghỉ lại trường. Ít lâu sau, phụ huynh cũng chung tay đóng góp củi, rau củ… nhưng kinh phí vẫn hạn hẹp, bữa ăn chẳng thể đủ đầy.

Biết việc làm ý nghĩa của thầy cô, nhiều nhà hảo tâm khắp nơi tìm đến. Người hỗ trợ tiền, nơi giúp nhu yếu phẩm…, bữa ăn của học sinh đã bảo đảm dinh dưỡng hơn.

“Học sinh điểm trường Ty Tu sinh sống tại 3 làng Kon Ling, Đăk Pơ Trang và Ty Tu, cách trường khoảng 3km. Để các em đi học buổi sáng, trưa về nhà rồi chiều quay lại trường là điều không thể. Nếu không duy trì bữa ăn bán trú, học sinh sẽ bỏ học. Từ ngày bữa ăn được tổ chức, tỷ lệ chuyên cần của trò cao hẳn, chất lượng giáo dục vì thế cũng tốt hơn”, cô Vân tâm sự.

Có 5 con đi học nên chị Y Ram (30 tuổi, làng Kon Ling) nhận làm “cô nuôi” ở Trường Tiểu học xã Đăk Hà. Sáng đến trường sơ chế thức ăn, nấu cơm trưa cho học sinh, chiều về chị làm đồng áng. Chị Y Ram kể, trước kia các con đi học, vợ chồng phải thay phiên nhau đưa đón.

Những ngày mưa gió, đường xa rất vất vả. Từ khi điểm trường thôn Ty Tu tổ chức bữa ăn bán trú, vợ chồng yên tâm đi làm. Năm học này, con trai của chị - cháu A Thanh Tuyền - học lớp 1 ở điểm trường thôn Ty Tu. Sáng chị chở con đi học, trưa không phải đón vì con được ăn, ngủ tại lớp.

Từ sáng sớm, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà và “cô nuôi” chuẩn bị cơm trưa cho học sinh bán trú. Ảnh: Dung Nguyễn

Từ sáng sớm, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà và “cô nuôi” chuẩn bị cơm trưa cho học sinh bán trú. Ảnh: Dung Nguyễn

Nhà ăn “dã chiến”

3 năm nay, mỗi ngày, ngoài 404 suất ăn chế độ bán trú, giáo viên tranh thủ nấu thêm hàng chục phần cơm cho học sinh ở điểm trường thôn Ty Tu. Cơm chín, sắp xếp thức ăn tươm tất, 2 giáo viên nhanh chóng mang tới điểm trường.

Không có nhà ăn, 3 lớp học được trưng dụng làm chỗ ăn “dã chiến”. Giáo viên chia cơm, thức ăn cho 73 trò. Những đứa trẻ Xơ Đăng với đôi mắt tròn xoe ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu sờn cũ ăn uống ngon lành. Lâu lâu, vang tiếng học trò: “Thưa cô, con hết cơm. Cô cho con xin thêm ạ”.

Nhà A Viên Ngọc (lớp 2A5) ở thôn Ty Tu. Mẹ mất vì bệnh ung thư năm 2021, gánh nặng dồn lên vai người cha làm nghề nông. Chật vật lo miếng cơm manh áo cho 4 con nên anh chẳng có thời gian đưa đón chúng đi học.

Quãng đường đến lớp của anh em A Viên Ngọc dựa vào đôi chân nhỏ bé. Thế nhưng có ngày mưa, chân mỏi… các em chẳng muốn đến trường. Từ ngày có bữa cơm bán trú, A Viên Ngọc và anh, chị không còn vắng học, kể cả hôm mưa.

Học sinh dùng xong cơm trưa, giáo viên dọn dẹp, rửa chén bát. Ảnh: Dung Nguyễn

Học sinh dùng xong cơm trưa, giáo viên dọn dẹp, rửa chén bát. Ảnh: Dung Nguyễn

Với Y Diệp (lớp 2A4) cũng vậy, nhà ở làng Kon Ling nên những ngày mưa em ngại đến trường. Bữa cơm bán trú được tổ chức, Y Diệp thích đi học hơn ở nhà. “Em là con thứ 3 trong gia đình 5 anh, chị em. Nhà nghèo nên ít bữa ăn có thịt, cá. Đến trường em được ăn ngon, chơi vui cùng bạn. Em thích đi học lắm”, em Y Diệp chia sẻ.

Khi những đứa trẻ vùng cao no bụng, 4 giáo viên tại điểm trường thôn Ty Tu lại dọn dẹp, rửa chén bát, lo cho trò ngủ. Thay phiên nhau trông lớp, giáo viên mới vội vã dùng bữa trưa nguội ngắt từ bao giờ.

Nhiều năm trước, bữa ăn bán trú chưa được tổ chức, chiều nào lớp của cô Y Đá cũng vắng trò. Ba năm nay, trò ăn và nghỉ trưa tại trường buổi trưa nên cô bớt vất vả trên hành trình vận động học sinh ra lớp, ổn định sĩ số và nâng cao chất lượng dạy học.

“Không chỉ dạy học, giáo viên ở đây còn lo cho trò cả miếng ăn, giấc ngủ, chắc chắn vất vả hơn. Nhưng tôi nghĩ đơn giản, các em cũng như con cháu trong nhà nên hết lòng yêu thương. Chỉ cần học sinh học tốt thì khó khăn đến mấy, bản thân cũng vui và hạnh phúc”, cô Y Đá bộc bạch.

“Tôi thấy bữa ăn bán trú rất thiết thực và ý nghĩa. Nhờ đó các con không phải đi về vào mỗi trưa. Tôi tham gia nấu ăn cùng mọi người nên yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi và các phụ huynh khác biết ơn thầy, cô và nhà hảo tâm đã chăm lo cho trẻ. Lâu lâu, tôi cũng góp củi và rau củ để hỗ trợ nhà trường”. Phụ huynh Y Ram làng Kon Ling

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...