Những xóm câu "du mục"

GD&TĐ - Trên những cánh đồng mênh mông mùa nước nổi của thượng nguồn châu thổ Cửu Long Giang hiện nay có rất nhiều xóm câu nho nhỏ. Xóm câu trên đồng nước bao gồm những chiếc ghe câu tụ hợp lại với nhau nhưng chỉ được ít bữa chủ những ghe câu ấy lại nhổ neo tìm đến đồng nước khác, hợp cùng những ghe khác tạo thành xóm câu mới. Cứ vậy, họ lênh đênh theo con nước cho tới khi hết mùa nước nổi.

Một xóm câu ở Khánh Hưng
Một xóm câu ở Khánh Hưng

Dọc ngang miền biên giới

Với những người dân lâu năm ở vùng đồng bằng châu thổ, những xóm câu vào mùa nước nổi là hình ảnh rất đỗi bình thường, quen thuộc. Người của xóm câu mưu sinh bằng nghề sông nước. Khác với ghe thương hồ luôn luôn di chuyển, những ghe câu thường neo lại với nhau, ở một vùng nước cố định nào đó. Nhưng đó là chuyện của những năm tháng ngày xưa. Bây giờ, những ghe câu vì mưu sinh cũng thường phải di chuyển vì nguồn lợi thủy sản không còn dồi dào như trước.

Xóm câu có xóm chỉ vài ba ghe, có xóm có cả chục ghe. Ông Nguyễn Văn Sông, chủ một ghe thuộc một xóm câu trên cánh đồng ở Tân Hộ Cơ (Tân Hồng, Đồng Tháp) cười bảo, hầu hết những ghe này là của những ngư dân nghèo, chuyên làm nghề sông nước. “Ngày xưa, sông nước kiếm sống dễ dàng, nhất là vào mùa nước nổi. Người ta chẳng cần đi xa, chỉ loanh quanh ở nhà cũng kiếm bộn sản vật. Bây giờ thì khác, người đông hơn, sản vật thì ít đi nên nhiều người làm nghề câu ở dưới Tràm Chim, Tam Nông hay tận Sa Đéc, Long Xuyên… cũng ngược lên miền biên giới mùa nước nổi.

Bây giờ chỉ ở vùng biên giới, sản vật mới dồi dào, trù phú, đó cũng là lý do khiến vùng biên giới có nhiều ghe thuyền câu. Họ đi rồi tập trung lại thành các xóm nho nhỏ để tiện nương náu, giúp đỡ nhau trong mùa nước nổi. Như gia đình tôi, ở mãi tận dưới Hồng Ngự nhưng gần tháng trước, tôi một mình giong ghe lên đây. Nhớ nghề câu quá không chịu được nên đi chứ con cái chúng nó cũng ngăn lắm”, ông tâm sự.

Theo lão ngư hơn 70 tuổi này, từ nhỏ ông đã làm nghề câu trên sông Tiền nên mỗi khi mùa nước nổi tràn về, ông lại mang đồ nghề, là các bộ lưỡi câu ra thả. Những con trê, con lóc, cá lăng, cá mè vinh hay cá ngát đã là một phần của cuộc đời ông rồi. Mấy năm gần đây, phần vì tuổi già, phần vì con cái làm ăn khá giả, chúng không cho ông đi giăng câu nữa. Thế nhưng vì nhớ, và có hẹn với mấy người bạn câu, nên ông sửa ghe, uốn lưỡi, ngược lên tuốt mạn biên giới này. Ông bảo bọn trẻ chúng lo xa, chứ mấy chục năm sống trên sông, ông bơi giỏi như cá, chẳng có gì phải lo cả. Mà đến cái tuổi của ông, cũng không có gì phải lo lắng nữa, ngay cả những bất trắc của cuộc đời.

Nhưng những xóm câu nơi thượng nguồn biên giới không chỉ có những mảnh đời ám ảnh sông nước như ông Sông mà còn nhiều những mảnh đời nghèo khó khác. Với họ, giăng câu mùa nước nổi là cơ hội kiếm được chút tiền. Họ hầu hết là những cư dân từng nhiều năm sinh sống ở vùng Biển Hồ (Campuchia), quay về Việt Nam rồi sống rải rác nhiều nơi ở vùng biên giới phía Tây Nam.

Thói quen sống bám vào sông nước và mùa nước nổi đã mang những gia đình này lên ghe, hợp lại thành các xóm câu. Những người này kể với tôi rằng, giăng câu là bản năng sinh tồn của họ. Đây là nghề họ rành rẽ, thành thạo nhất. Đó cũng là lý do những gia đình thường tìm tới những vùng nước khác nhau ở vùng thượng nguồn xa xôi này.

 

Ghe câu cuối cùng

So với dỡ chà, đóng dớn, thả lọp… thì giăng câu được coi là nghề “sang chảnh” trong những nghề sông nước. Lý do là sản phẩm nghề câu thường có tính chọn lọc cao, với những chú cá to nhất. Với những tay câu lành nghề, những chú cá lóc, cá trê, cá tra ba bốn ký lô, thậm chí năm bảy ký lô dính câu là chuyện bình thường. Nó khác với đóng dớn, tuy nhiều nhưng lại là cá tạp, cá vụn. Tuy nhiên, theo thời gian, những thợ câu lành nghề cũng không còn giữ được thói quen trên bởi nguồn lợi thủy sản không nhiều như trước. Đó là lý do khiến nhiều ghe ở xóm câu vẫn đi đặt lọp, đóng dớn để kiếm thêm.

Chị Phận, 42 tuổi, chủ ghe thuộc xóm câu nằm ngay bên cánh đồng gần kênh T7 ở Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) kể, trước gia đình chị ở dưới thị xã Kiến Tường, ven bờ sông Vàm Cỏ Tây nhưng mùa nước nổi tràn về, cả nhà quyết định ngược lên mạn giáp biên giới để kiếm thêm sinh kế.

“Từ sáng sớm, chồng tôi với thằng con trai lớn đã ngược lên Long Khốt, Thái Trị… để đặt lọp, thả câu. Còn tôi với ba đứa nhỏ thì quanh quẩn ở đây hái sen, hái bông súng với hẹ nước. Cũng may mùa nước nổi bây giờ cái gì kiếm được bán cũng có giá. Có ngày nhiều kiếm sáu, bảy ký cá với mấy rổ bông được hơn sáu trăm ngàn. Ngày ít cũng được hai ba trăm. Từ nay tới tháng mười một hết mùa nước, cố kiếm mấy triệu để làm vốn chứ về dưới Kiến Tường, Mộc Hóa thì lại phải đi bán vé số để kiếm thêm chứ nghề sông nước không đủ”, chị kể.

Cũng theo người phụ nữ này do những ghe ở xóm câu thường nằm sâu trong những bưng đồng biên giới nên sản phẩm của họ không phải lúc nào cũng có thương lái tới mua ngay. Những con cá câu được, chị thường thả trong vó để vài ba ngày có người tới lấy một lần.

Thành quả một buổi giăng câu
Thành quả một buổi giăng câu

Bây giờ, sau nhiều biến động của thiên nhiên lẫn con người tạo ra, không gian giăng câu của những thợ câu đã bị giảm đi. Và nó chỉ hiện ra khi mùa nước tràn về, trùm phủ khắp các bưng đồng. Thời gian khác, đồng đất ở đây được cải tạo, chủ yếu trồng lúa, nuôi cá, cấy sen nên rất khó để những ghe câu có thể duy trì sinh kế chứ đừng nói tụ lại thành xóm câu.

Nhưng những xóm câu này không ở lâu một địa điểm nhất định, dù họ thường neo ghe lại gần nhau tại những địa điểm nào đó. Đến khi hết nguồn lợi, họ lại tháo neo, dời ghe đi nơi khác. Và có thể ở một cánh đồng biên giới khác, họ lại gặp gỡ vài bạn câu mới rồi hợp thành một xóm câu khác. Một xóm câu nhỏ bé, mong manh nhưng lại là thói quen bền chặt, mãi mãi như những mùa nước nổi vùng thượng nguồn châu thổ nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ