Ngày 21/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị Bộ Tài chính xem xét phê duyệt dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt quy mô lớn tại khu vực phía Nam Thủ đô, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 17.500 tỷ đồng.
Dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt do VNR đề xuất sẽ được triển khai trên diện tích khoảng 250ha tại địa bàn hai xã Chuyên Mỹ và Ứng Hòa, TP Hà Nội.
Vị trí xây dựng này đã được UBND TP Hà Nội thống nhất và trình Thủ tướng phê duyệt, đồng thời cập nhật vào các quy hoạch liên quan.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2029 - 2031) tập trung vào lắp ráp đầu máy, toa xe khách chạy dưới 160 km/h, toa xe hàng tốc độ 120 km/h và các đoàn tàu điện đô thị;
Giai đoạn 2 (2032 - 2035) sẽ mở rộng sang sản xuất linh kiện, phụ tùng chuyên ngành đường sắt, đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 30%.
Tổ hợp cũng được định hướng tham gia sâu vào các dự án đường sắt tốc độ cao trong nước. Đặc biệt, với các đoàn tàu EMU, VNR kỳ vọng sẽ lắp ráp theo hình thức mua sắm kết hợp chuyển giao công nghệ, hướng đến làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất vào năm 2035, với tỷ lệ nội địa hóa 20%.
Theo tính toán sơ bộ, doanh thu trong giai đoạn 2030 - 2050 ước đạt hơn 228.000 tỷ đồng, lợi nhuận trung bình khoảng 1.141 tỷ đồng mỗi năm. Thời gian hoàn vốn của dự án được dự kiến là 16 năm.
VNR đánh giá, tổ hợp công nghiệp đường sắt là dự án mang tính chiến lược, góp phần hiện đại hóa ngành đường sắt, từng bước làm chủ chuỗi cung ứng và công nghệ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời tạo nền tảng cho xuất khẩu trong tương lai.
Dự án cũng phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định sẽ đầu tư 9 tuyến đường sắt mới bên cạnh 7 tuyến hiện có, với tổng chiều dài bổ sung hơn 2.360 km.
Nhiều tuyến quan trọng sẽ cần nguồn cung thiết bị lớn như: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái và các tuyến metro tại Hà Nội, TPHCM.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai dự án, VNR kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng một số cơ chế đặc thù như: đưa sản phẩm ngành đường sắt vào danh mục cơ khí trọng điểm quốc gia; ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; khuyến khích chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đầu máy, toa xe; bổ sung ngành đường sắt vào danh mục công nghệ cao ưu tiên phát triển.
Với tổng mức đầu tư lớn và tầm nhìn dài hạn, dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt được kỳ vọng sẽ không chỉ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thị trường quốc tế.