Hàng loạt vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây khiến nước này rơi vào tình trạng cảnh giác cao độ. Điểm chung của các nghi phạm là mắc bệnh về tâm lý nhưng không được điều trị.
Liên tiếp các vụ án thương tâm
Ngày 3/8, khi đang điều khiển xe ô tô thì nghi phạm Choi, 22 tuổi, bất ngờ lao lên phần đường dành cho người đi bộ bên ngoài trung tâm thương mại gần ga tàu điện ngầm Seohyeon, thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi, cách Seoul khoảng 20 km về phía Nam. Sự việc khiến 5 người bị thương.
Sau đó, Choi đã dùng dao tấn công, làm bị thương 9 khách hàng trong trung tâm thương mại. Theo các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, sự việc khiến 1 người chết và 14 người bị thương. Trong số những người bị thương nặng, 2 nạn nhân có nguy cơ bị chết não.
Cảnh sát ngay lập tức bắt được nghi phạm và xét nghiệm ma túy đối với Choi nhưng kết quả cho ra âm tính.
Ngay sau sự việc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi vụ tấn công là “hành động khủng bố chống lại những công dân vô tội”. Ông Yoon Suk Yeol yêu cầu chính phủ phải huy động tất cả các lực lượng cảnh sát để đảm bảo công chúng không cảm thấy lo lắng.
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc sau đó cho biết họ đã triển khai một chiến dịch thực thi đặc biệt, trong đó bổ sung nhân viên đến các khu vực công cộng đông đúc và tiến hành các hoạt động ngăn chặn, khám xét những cá nhân khả nghi. Cảnh sát tuyên bố họ sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí để trấn áp các hành động đe dọa, nguy hiểm.
Cùng lúc này, trên các trang mạng xã hội Hàn Quốc xuất hiện những thông điệp nặc danh đe dọa sẽ bắt chước vụ lao xe, đâm dao liên hoàn ở trung tâm thương mại. Các lời đe dọa nhằm vào khu vực ga Hamsil và ga Hanti nằm ở phía Nam Seoul.
Ngày 4/8, một người đàn ông không rõ danh tính bất ngờ xông vào một trường trung học tại quận Daedeok, thành phố Daejeon, cách Seoul 139 km về phía Nam và đâm bị thương một giáo viên. Cơ quan cảnh sát thành phố Daejeon ngay lập tức bắt được nghi phạm nhưng không công bố thông tin cá nhân của người này, chỉ mô tả hắn ta là một thanh niên độ ngoài 30.
Hiện trường vụ lao xe, đâm dao gần ga tàu điện ngầm Seohyeon, thành phố Seongnam, Hàn Quốc. |
Theo cảnh sát, nghi phạm nhận là cựu học sinh để xin vào trường. Sau đó, hắn ta cố tình đợi giáo viên hết giờ học rồi lao vào đâm 7 nhát dao vào mặt, ngực và cánh tay của nạn nhân 49 tuổi. Tên này bỏ trốn khỏi hiện trường nhưng bị bắt ở gần nơi ở khoảng 3 giờ sau đó. Nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch.
Nghi phạm khai là cựu học sinh của nữ giáo viên trên. Hồi năm 2021, anh ta từng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần và đã điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt một năm sau đó. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ khuyên nhập viện, nghi phạm đã ngừng điều trị.
Ban đầu, nghi phạm khai với cảnh sát rằng anh ta làm vậy “do những ký ức đen tối thời còn đi học” nhưng cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh lời khai của nghi phạm. Hôm 10/8, cảnh sát đã tiến hành đánh giá tâm lý, bao gồm đánh giá bệnh tâm thần, để tìm ra động cơ phía sau hành động độc ác trên.
Tương tự, theo Sở Cảnh sát tỉnh Gyeonggi, nghi phạm Choi trong vụ án lao xe, đâm dao liên tiếp, mắc bệnh tâm thần từ hồi cấp ba và có các triệu chứng ảo tưởng bản thân bị hành hạ trong quá trình điều tra.
Theo lời khai của Choi và gia đình nghi phạm, anh ta bỏ học ngay khi mới vào cấp ba do mắc chứng sợ xã hội, hay rối loạn lo âu xã hội. Choi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt vào năm 2022 nhưng không được điều trị triệt để.
Sau khi nghỉ học, anh ta chỉ ở nhà hoặc làm công việc bán thời gian. Gần đây, Choi làm thêm cho một công ty giao hàng. Anh ta sống cùng gia đình vào thời điểm phạm tội.
Trong quá trình điều tra, Choi nói năng không được mạch lạc, thường xuyên lẩm bẩm rằng “nhóm người nào đó đang rình rập và cố giết tôi”. Hiện nay, cảnh sát nghi ngờ chứng hoang tưởng và các bệnh tâm thần đã dẫn đến hành vi phạm tội của Choi.
Ngoài ra, người này cũng khai với cảnh sát rằng anh ta đã mang theo hai con dao đến trung tâm thương mại và ga Seohyeon hôm 2/8 với ý định phạm tội vào hôm đó nhưng không thể tiếp tục gây án “vì sợ hãi”.
Camera ghi lại cảnh nghi phạm Choi xông vào trung tâm thương mại và đâm nhiều khách hàng. |
Nghi phạm Choi. |
Đe dọa trực tuyến
Trước đó, hồi tháng 7, một người đàn ông cũng cầm dao đâm ít nhất 4 người đi bộ trên đường phố ở thủ đô Seoul khiến một người thiệt mạng. Sau khi bị bắt, nghi phạm Jo Seon, 33 tuổi, khai rằng anh ta tấn công vì tức giận và muốn những người khác phải chịu đau khổ như mình. Jo có tiền án và từng bị xét xử tại tòa án dành cho trẻ vị thành niên.
Còn hồi tháng 3, một phụ nữ 37 tuổi đã dùng dao đâm 3 người bị thương trên tàu điện ngầm vì bị gọi là “bà cô”.
Hàng loạt vụ tấn công bằng dao xảy ra trong vòng chưa đầy một tháng đang làm dấy lên nỗi sợ hãi cho người dân tại một quốc gia từ lâu đã được coi là an toàn với tỷ lệ giết người thấp và lệnh hạn chế sử dụng súng được thực hiện nghiêm ngặt.
Theo thông tin từ AFP, Hàn Quốc là quốc gia rất an toàn với tỷ lệ các vụ giết người là 1,3/100 nghìn người vào năm 2021, thấp hơn rất nhiều so với con số 7,8/100 nghìn người ở Mỹ. Dù kiểm soát chặt chẽ việc người dân sở hữu súng, Hàn Quốc không có hạn chế đáng kể nào cho việc sử dụng dao, bao gồm cả dụng cụ nhà bếp thường được sử dụng để tấn công.
Đáng chú ý, sau các vụ việc xuất hiện nhiều bài đăng đe dọa thực hiện các hành động bạo lực tương tự trên mạng xã hội. Trong đó, một cá nhân giấu tên đe dọa đâm dao liên tiếp ở ga Ori, Bundang, từ 6 - 10 giờ tối ngày 4/8 với mục đích “giết càng nhiều người càng tốt”.
Hai người khác đe dọa sẽ đâm dao hàng loạt và phát sóng trực tiếp tại nhà ga Jamsil và Hanti ở phía Nam Seoul. Một số tàu điện ngầm ở Busan, Seoul và tỉnh Gyeonggi cũng bị các kẻ ẩn danh nhắm đến.
Cảnh sát Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra để truy lùng những kẻ đứng sau các bài đe dọa, gỡ thông tin tiêu cực trên mạng xã hội và tăng cường kiểm soát nội dung trực tuyến. Bên cạnh đó, họ đã điều động nhân lực tăng cường an ninh cho các ga tàu điện ngầm trong khu vực.
Hôm 6/8, cảnh sát Hàn Quốc thống kê họ đã lần ra 46 người, trong đó nhiều người là trẻ vị thành niên, có liên quan đến các bài đăng đe dọa giết người trên mạng xã hội.
Ít nhất 42 lời đe dọa đã được tung ra trên mạng xã hội hoặc qua ứng dụng trò chuyện trực tuyến Telegram, Messenger. Nhiều người thậm chí còn miêu tả cụ thể hành vi sẽ thực hiện, thời gian, địa điểm tiến hành các cuộc tấn công gây xôn xao dư luận.
Dù các bài đăng đã được gỡ xuống, người dân ngày càng sợ hãi sau những vụ đâm dao hàng loạt và những lời đe dọa lan truyền trên mạng.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường một vụ tấn công bằng dao ở thủ đô Seoul. |
Người dân cảnh giác cao độ
Là sinh viên đại học, anh Joo, 20 tuổi, cho biết bản thân “rụng rời tay chân” sau khi hay tin một giáo viên bị tấn công tại trường học. Trong những ngày này, Joo không dám rời phòng trọ một mình.
Daejeon, thành phố nơi nữ giáo viên bị tấn công cũng là quê hương của Joo, vốn nổi tiếng là thành phố thanh bình, nói không với bạo lực. Nhưng giờ đây, bất cứ ai sinh sống tại thành phố Daejeon cũng lo lắng bản thân sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.
Anh Joo bày tỏ: “Tôi đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận những thông tin đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Nhiều người xung quanh tôi cũng đang quay cuồng trong hàng đống tin tức”.
Chị Oh Myeong-a, 41 tuổi, cũng cảm thấy lo lắng trước sự gia tăng các tội phạm sử dụng dao và sự an toàn của con gái còn nhỏ tuổi. Bà mẹ chia sẻ: “Làm sao chúng tôi có thể nuôi dạy con cái tự do trong một xã hội đầy rẫy nguy hiểm? Các phụ huynh, nhất là các bà mẹ tôi quen, đều rất lo lắng khi phải để con một mình đến trường học hoặc trung tâm dạy thêm”.
Theo chị Oh, trong thời gian gần đây gia tăng các cuộc tấn công “mudjima” (dịch: Đừng hỏi tại sao) chỉ những cuộc tấn công không có động cơ hoặc thủ phạm không có mối liên hệ rõ ràng với nạn nhân. Đây là vấn đề xã hội đặc biệt nghiêm trọng.
“Xã hội đang trở nên bạo lực hơn. Tôi hy vọng chính phủ sẽ tìm ra nguyên nhân chính trong các vụ việc và nguyên do các tội ác này ngày một gia tăng. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi phải chung sống với chúng hàng tháng?”, chị Oh cho hay.
Đối với Yoon, sinh viên đại học 23 tuổi, các vụ tấn công bằng dao là lời cảnh tỉnh rằng không nên ra đường mà không có vũ khí. Yoon nói: “Trước đây, phụ nữ thường là mục tiêu chính của những tội ác trên nhưng giờ đây, ai cũng có thể là mục tiêu nếu không có khả năng tự vệ. Tôi cảm thấy bản thân cần phải trang bị những biện pháp tự bảo vệ mình khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.
Nam sinh này cho rằng chứng sợ xã hội và rối loạn nhân cách là nguyên nhân sâu xa khiến các nghi phạm nhắm vào người vô tội. Điểm chung giữa nhiều nghi phạm là được chẩn đoán mắc các bệnh về tâm thần và phải tham gia điều trị.
Tờ WSJ dẫn lời nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội chỉ ra Hàn Quốc chưa đạt được hiệu quả trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần, nhất là cho thanh thiếu niên. Do đó, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ tự tử của nước này luôn nằm trong tốp cao trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Về phía cơ quan chức năng, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đang xem xét đưa án tù chung thân không ân xá vào Bộ luật Hình sự. Theo luật hiện hành, những người chịu án tù chung thân sau khi thi hành án hơn 20 năm hoặc những tù nhân gương mẫu thi hành án sau 1/3 thời gian có thể đủ điều kiện được tạm tha. Bộ Tư pháp sẽ cùng Bộ Y tế lập nhóm chuyên trách để tăng cường điều trị tâm thần cho người dân.
Bà Yoon Jeong-sook, Tiến sĩ tâm lý tại Viện Nghiên cứu Tội phạm Hàn Quốc, nhận định các vụ án trên đã chứng minh một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội nước này. Đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều thanh niên bất mãn và có quan điểm lệch lạc về cuộc sống. Do đó, bà Yoon kiến nghị chính phủ cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, giải quyết tình trạng phân cực thu nhập đang gia tăng trong giới trẻ, tạo ra mạng lưới an toàn cho những người kém may mắn trong xã hội...