Nguy cơ mắc tâm thần phân liệt do lạm dụng chất kích thích

GD&TĐ - Tâm thần phân liệt là một bệnh lý tâm thần nặng, tương đối phổ biến.

Các bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai.
Các bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh có xu hướng tiến triển ngày càng nặng và trở nên mạn tính. Đáng báo động, căn bệnh này thường gặp nhiều hơn ở người trẻ, phần lớn trong độ tuổi 15 - 35 (48% khởi phát ở lứa tuổi 20 - 29).

Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp bệnh nhân N.V.H (nam, 32 tuổi, Nam Định) đang điều trị tái phát tâm thần phân liệt.

Theo người nhà, cách đây 2 năm, anh H chậm chạp hơn, ít nói, hay mệt, ngại giao tiếp ngay cả với anh em họ hàng, thường tránh các buổi liên hoan tụ tập. Người nhà nghĩ anh H bị trầm cảm, muốn đưa đi khám. Tuy nhiên, anh H không đồng ý.

Tình trạng kéo dài khoảng 2 tháng, anh H thường cáu gắt không hợp lý, có lúc lại lẩm bẩm một mình không rõ nội dung. Nghiêm trọng hơn, anh H cho rằng người nhà đang theo dõi, giám sát, âm mưu hại mình.

Sau đó, gia đình đã cưỡng chế đưa anh H tới khám tại Viện Sức khỏe tâm thần. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán Tâm thần phân liệt thể paranoid.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân được điều trị 25 ngày, đáp ứng điều trị. Các triệu chứng hoang tưởng bị theo dõi, bị hại, ảo thanh giảm, cảm xúc hành vi… của bệnh nhân ổn định hơn. Sau đó, bệnh nhân cho rằng mình đã khỏi bệnh, nên dừng tái khám và tự ý dừng thuốc khoảng 4 tháng.

Thời gian sau, bệnh nhân gặp nhiều mâu thuẫn, căng thẳng trong công việc nên thường uống rượu. Sau đó, anh tái phát bệnh với biểu hiện như đợt đầu. Thậm chí, bệnh nhân còn luôn nghe thấy tiếng nói trong đầu mình là kẻ kém cỏi, vô dụng…

BSCK.II Ngô Văn Tuất - Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “Ở người mắc tâm thần phân liệt xảy ra tái phát, hậu quả thường rất nặng nề. Mỗi lần tái phát gây tổn thương dẫn tới teo não tiến triển”.

Theo chuyên gia này, các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân của việc tái phát bệnh tâm thần phân liệt là người mắc không tuân thủ thuốc trong năm đầu.

Khi đó, tỷ lệ tái phát khoảng 70%. Nếu tuân thủ dùng thuốc năm đầu, tỷ lệ tái phát khoảng 40%. Nếu tiếp tục tuân thủ thuốc sau 1 năm, tỷ lệ tái phát sẽ ở dưới mức 20%.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm dụng chất kích thích tăng nguy cơ tái phát bệnh và nhập viện điều trị. Các nghiên cứu dịch tễ cũng ghi nhận, 47% bệnh nhân tâm thần phân liệt có tình trạng lạm dụng chất kích thích khác nhau. Trong đó, 50% bệnh nhân tâm thần phân liệt có lạm dụng rượu và trên 70% lạm dụng nicotin.

Các chuyên gia cảnh báo, bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt nếu can thiệp muộn có thể chịu nhiều hậu quả đáng tiếc. Việc tái phát nhiều lần dễ dẫn đến tổn thương não, thời gian điều trị kéo dài, khó điều trị, đáp ứng thuốc kém.

Nếu can thiệp muộn, bệnh nhân có nguy cơ tự sát. Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể hoang tưởng ảo giác, dễ kích động dẫn tới có hành vi gây tổn hại đến người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…