Các nhà khoa học gọi loại vật liệu này là “nhựa nham thạch”, bởi nó hình thành do kết quả tác động của lửa. Khác với các mẩu nhựa phế thải khác, “nhựa nham thạch” bị đốt cháy trước khi trôi ra biển.
Những mảnh nhựa này trông rất giống những viên đá tại các bãi biển. Sự khác biệt dễ phát hiện duy nhất là chúng nổi và trôi trên mặt nước biển.
Các nhà khoa học ở ĐH Plymouth đã xem xét 165 viên “đá nhựa”, thu thập từ các bãi biển trên vịnh Whitsand ở Cornwall (Anh), cùng 30 viên khác lấy từ quần đảo Orkney (Scotland), hạt Kerry (Ireland) và khu vực Tây Bắc Tây Ban Nha.
“Nhựa nham thạch” hình thành trong quá trình nung chảy hoặc đốt nhựa và nó khác biệt với các loại vật liệu nhân tạo khác trôi nổi trên biển, cả về xuất xứ, hình dạng cũng như độ dày.
“Nhựa nham thạch” không phải là hiện tượng khu vực và dường như có thể xuất hiện trên khắp thế giới.
Không ai biết chắc chắn “nhựa nham thạch” từ đâu mà ra và tại sao nó bị đốt cháy. Có khả năng là những chế phẩm nhựa này có “xuất xứ” từ các buổi lửa trại; thậm chí người ta đã cố tình đốt nhựa rồi ném xuống biển.
Các nhà khoa học đã phân tích “nhựa nham thạch” và thấy rằng thành phần của nó bao gồm polyetylen và polypropylen; thậm chí, họ còn phát hiện dấu vết của chì và crom. Điều này chứng tỏ sự ô nhiễm do các vật liệu nhân tạo gây ra không phải hiện tượng mới.
Vài chục năm trước, chì cromat được sử dụng để nhuộm màu các chế phẩm nhựa, nhưng nay việc này đã bị cấm. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khẳng định, khi các sản phẩm nhựa chứa chì và crom bị đốt, chúng sẽ đổi màu và tạo thành hợp chất màu xám, trong giống như những viên đá.
Hiện tại, các nhà khoa học chưa rõ quy mô của kiểu ô nhiễm nhựa “nham thạch” này lớn như thế nào, nên họ không đánh giá được ảnh hưởng của nó đối với môi trường.