Những dấu tích của một ngôi làng dựng trên đầm lầy đã được bảo quản kỳ diệu sau một trận hỏa hoạn 3.000 năm trước, giúp nhóm khảo cổ từ Đại học Cambridge tái hiện lại bức tranh đáng ngạc nhiên về một "Pompeii của nước Anh" trong bài công bố mơi đây trên tạp chí Parasitology.
Quá trình khai quật cho thấy khu vực được đặt tên là Must Farm ở miền Đông nước Anh từng là khu định cư đồ đồng rộng lớn ngự trị trên đầm lầy, với những ngôi nhà sàn xây dựng trên mặt nước và phương tiện di chuyển chính là thuyền gỗ.
3.000 năm trước, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi làng cổ, và cũng vô tình làm nhiều cổ vật và dấu tích con người rơi xuống bùn sâu. Vì bùn là một trong những môi trường bảo quản tự nhiên hữu hiệu nhất, nên đến ngày nay, nhiều cổ vật gần như nguyên vẹn khi được khai quật.
Đáng ngạc nhiên nhất là dấu tích của con người nơi đây: Đa số họ mang trong quả thận của mình một loài giun ký sinh có chiều dài hơn 3 feet (khoảng gần 1 m).
Những "quái vật" nhỏ này có thể đến từ thực đơn hàng ngày của họ: cá sống, ếch và động vật có vỏ sống trong đầm lầy.
Khu vực khai quật vẫn còn dấu tích vô số cọc gỗ, sàn gỗ, là dấu vết của một ngôi làng được dựng ngay trên đầm lầy - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Theo giáo sư Piers Mitchel, từ Khoa Khảo cổ học của Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu, họ đã tìm ra rất nhiều loại ký sinh trùng chết người được bảo quản cực kỳ tốt.
Có thể kể đến sán dải cá và giun Echinostoma gây thiếu máu; giun thận khổng lồ - chính là các "quái vật" dài 1m – gây tử vong nhanh chóng cho vật chủ. Những con chó được nuôi trong làng cũng là nạn nhân của ký sinh trùng, cho thấy chủ và vật nuôi đã chia sẻ cùng một thực đơn.
Nguyên nhân ngôi làng đầm lầy được mệnh danh là "Pompeii của nước Anh" vì kỹ thuật xây dựng và tổ chức cuộc sống như vậy là đáng ngạc nhiên ở thời điểm 3.000 năm về trước.
Đồng thời, ngôi làng cũng bị xóa sổ bởi lửa như Pompeii – đô thị La Mã nổi tiếng bị xóa sổ trong một vụ phun trào núi lửa 2.000 năm về trước.
Trong cuộc khảo sát sơ lược trước đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều loại trang sức, vật dụng được chế tác tinh xảo, cho thấy người dân nơi đây phát triển rất sớm về các nghề thủ công.