Những việc phụ huynh cần làm ngay khi trẻ mầm non, tiểu học trở lại trường

GD&TĐ - Theo Trung tâm Y tế Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ đi học, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, báo cho nhà trường khi trẻ mắc bệnh Covid-19...

Các cô giáo đón trẻ tại trường Mầm non Rạng Đông phường 4, Quận 6. Nguồn: Trung tâm Y tế Quận 6.
Các cô giáo đón trẻ tại trường Mầm non Rạng Đông phường 4, Quận 6. Nguồn: Trung tâm Y tế Quận 6.

Phụ huynh lo lắng khi trẻ đi học lại đó là điều hiển nhiên, tuy nhiên trường học không thể đóng cửa mãi và trẻ cũng không thể không đi học. Do đó Bộ Y tế liên tiếp đưa ra những hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xây dưng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học, kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học, hướng dẫn quy trình xử lý F0 tại trường học,…

Các trường đều nghiêm túc thực hiện và được cơ quan chuyên môn thẩm định trước khi đón trẻ trở lại.

Trẻ đi học, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, thông báo cho nhà trường khi trẻ mắc bệnh Covid-19; hướng dẫn cho trẻ những biện pháp phòng chống lây nhiễm như vệ sinh tay đúng cách, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác, bỏ rác thải đúng nơi quy định…

Đặc biệt vắc xin + 5K đang được người dân tuân thủ tốt, về việc cần thiết phải tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vắc xin thì khi mắc bệnh sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Ngày 10/2 vừa qua, phát biểu tại lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục để sẵn sàng cho việc tiêm chủng với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc cho trẻ đi học trở lại, theo ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, việc cho các em đi học lại là hoạt động cần thiết của thành phố.

Ông Dương Anh Đức cho hay: "Thành phố thì mong muốn các em đi học lại ổn định theo tinh thần linh hoạt thích ứng và việc đóng cửa trường hay không chúng tôi không nói trước được nhưng trong trường hợp xấu nhất, việc đóng cửa trường sẽ là phương án cuối cùng, chỉ bất khả kháng mới tính đến phương án này. Tinh thần chung là chúng ta phải cố gắng duy trì cho trẻ đến trường, còn việc hoạt động ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức của trường. Nếu trường làm chuẩn, tuân thủ đầy đủ các quy định, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, phụ huynh… thì tôi tin mọi hoạt động sẽ được duy trì tốt”.

Trong trường hợp xấu, nếu trường nào xuất hiện F0, theo ông Dương Anh Đức, sẽ xử lý theo quy trình, hướng dẫn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí trường nào phát hiện nhiều ca F0 thì xử lý cục bộ trong trường đó, không có chuyện đóng cửa trường học như trước đây.

Phụ huynh làm gì khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ hoặc nếu trẻ mắc Covid-19?

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ 98-99% điều trị tại nhà chỉ 1-2% trẻ nhập viện, theo đó tỷ lệ tử vong cũng rất thấp và phát đồ điều trị Covid-19 cho trẻ cũng tương tự như người lớn.

Tuy nhiên, trẻ cũng có thể có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của trẻ nếu trẻ mắc bệnh.

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như: Sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ, ... trẻ cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Nếu trẻ mắc Covid-19: Trẻ có thể được điều trị tại nhà khi trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối, đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh. Phụ huynh có thể căn cứ vào các chỉ số sau để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế:

Dấu hiệu bất thường cần báo nhân viên y tế của Trạm y tế, Trạm Y tế lưu động

- Sốt >38 độ C

- Tức ngực

- Đau rát họng, ho

- Cảm giác khó thở

- Tiêu chảy

- SpO2 < 97%

- Trẻ mệt, không chịu chơi

- Ăn bú kém

Dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu chyển viện

- Thở nhanh theo tuổi

- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ ăn uống

- Cánh mũi phập phòng

- Tím tái môi, đầu chi

- Rút lõm lòng ngực

- SpO2 < 95%

Lưu ý thở nhanh theo tuổi: Trẻ 1-5 tuổi: ≥ 40 lần/phút; Trẻ 5-12 tuổi: ≥ 30 lần/phút; Trẻ > 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.
Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

'Giáo án' đặc biệt

GD&TĐ - Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.