Những “vết sẹo” từ đại dịch đến nền kinh tế Ấn Độ

GD&TĐ - Sự gia tăng nghiêm trọng về số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ chứng tỏ, nước này đang đối mặt với thảm kịch toàn diện.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngoài tác động nặng nề đến đời sống và sinh kế, những hạn chế được áp dụng trên toàn quốc sẽ gây thiệt hại “khổng lồ” đến nền kinh tế. Các chuyên gia dự đoán, đại dịch sẽ để lại những “vết sẹo” đối với nền kinh tế Ấn Độ.

Mức tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được ước tính đã giảm 8% vào năm ngoái. Quyết định phong toả vào năm ngoái của quốc gia này cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho khu vực phi chính thức. Thiệt hại kinh tế năm nay dự kiến có thể không cao như năm ngoái. Song, các mối nguy luôn tồn tại, nếu những đợt lây nhiễm tiếp theo trở thành gánh nặng cho nền y tế.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 8% trong tháng 4, so với 6,5% hồi tháng 3. Tỷ lệ tham gia lao động tại Ấn Độ đã giảm so với tháng trước. Nhiều ý kiến nhận định, Ấn Độ không thể mất cảnh giác, đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng quá chậm.

Tỷ lệ tiêm chủng hằng ngày hiện được duy trì ở mức từ 2 - 2,5 triệu. Ngay cả khi con số đó có thể tăng lên 4 - 6 triệu, Ấn Độ chỉ có thể tiêm chủng đầy đủ cho 25 - 40% dân số vào cuối năm. Tệ hơn, nước này chủ yếu dựa vào nguồn cung vắc-xin trong nước.

Tuy nhiên, quyết định phong toả đã dẫn đến sự thiếu hụt vắc-xin. Khả năng làn sóng Covid-19 tiếp theo xảy ra và nhu cầu về tiêm chủng cũng đồng nghĩa rằng, cầu có thể tiếp tục vượt xa nguồn cung vắc-xin. Hiện tại, giá vắc-xin ở Ấn Độ đã tăng vọt. Bởi, nhà sản xuất được phép bán trực tiếp 50% sản phẩm cho các bang, công ty và bệnh viện tư nhân.

Tại các bệnh viện tư nhân, một liều vắc-xin có thể lên tới 1.500 rupee (20 USD). Đây là mức gấp gần 6 lần giá ban đầu. Tình trạng này được cho là sẽ gây trở ngại cho việc tiêm chủng ở vùng nông thôn Ấn Độ - nơi thu nhập thấp hơn đáng kể.

Tiêu dùng của Ấn Độ đã nhanh chóng trở lại bình thường sau làn sóng đầu tiên, do nhu cầu bị dồn nén và trùng vào dịp lễ hội. Tuy nhiên, sự chần chừ trong chi tiêu có thể kéo dài hơn ở hiện tại, do tác động nghiêm trọng của dịch đến cuộc sống và sinh kế.

Không ít chuyên gia dự đoán, nền kinh tế Ấn Độ có khả năng tăng trưởng trong nửa cuối năm nay, nếu dịch Covid-19 đạt đỉnh ở hiện tại. Nền kinh tế có thể mở cửa trở lại vào khoảng từ tháng 7 - tháng 8, nếu các trường hợp mắc mới giảm dần.

Song, nếu virus tiếp tục lây lan ngoài tầm kiểm soát, chắc chắn, nền kinh tế và thị trường lao động Ấn Độ sẽ phải chịu những vết sẹo lâu dài. Kỷ nguyên hậu đại dịch cũng sẽ khiến tình hình tài chính của nhiều công ty rơi vào căng thẳng. Do đó, sự phục hồi ở quốc gia này được cho là khó nắm bắt, trừ khi các cải cách cơ cấu kinh tế được ưu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ