Người đàn ông Ấn Độ bán xe để mua oxy cho bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ - Shaikh đã tự bỏ ra 2.000 USD để mua 30 bình oxy và cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu, đồng thời lan truyền và kêu gọi mọi người cùng thực hiện hành động này.

 Shahnawaz Shaikh (giữa) quản lý dữ liệu trong trung tâm điều hành của mình.
Shahnawaz Shaikh (giữa) quản lý dữ liệu trong trung tâm điều hành của mình.

Cô Reshma Aub Shaikh nằm trên một chiếc xe đi quanh vùng ngoại ô Mumbai trong suốt 13 giờ để tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Người phụ nữ này bị mắc Covid-19 và lượng oxy trong máu thấp bất thường nhưng lại bị các bệnh viện từ chối vì thiếu giường bệnh và không đủ nguồn cung oxy.

Anh họ của cô đã lên internet để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ở đây, anh tìm thấy Shahnawaz Shaikh - người được mệnh danh là “người đàn ông dưỡng khí”.

Trong vòng một giờ, một bình oxy miễn phí đã được một tình nguyện viên chuyển đến nhà cô Reshma Aub Shaikh và nó đã cứu mạng cô.

Anh Shahnawaz Shaikh kiểm tra áp suất của bình oxy tại trung tâm phân phối.
Anh Shahnawaz Shaikh kiểm tra áp suất của bình oxy tại trung tâm phân phối.

Shahnawaz Shaikh lớn lên trong một khu ổ chuột ở Mumbai và sở hữu một công ty nhỏ thành công trước đại dịch. Tuy nhiên, đợt đóng cửa kéo dài nhiều tháng được buộc anh phải đóng cửa hoạt động kinh doanh.

Vào tháng 5/2020, anh chứng kiến em gái của người bạn thân nhân chết trước cổng bệnh viện vì không thể tìm được giường bệnh. Cô gái ấy đang mang thai 6 tháng và tất cả những gì cô cần là oxy - thứ có thể cứu cô ấy và đứa con trong bụng.

Chính cái chết cô gái này đã thôi thúc anh hành động.

Shaikh thành lập tổ chức phi lợi nhuận Unity And Dignity Foundation (UDF) vào năm 2014. Tháng 6 năm ngoái, anh thành lập sáng kiến ​​Ray of Hope nhằm cung cấp oxy miễn phí cho bệnh nhân Covid-19.

hahnawaz Shaikh cùng với chiếc SUV của mình. Anh đã bán xe này để gây quỹ cho hoạt động nhân đạo của mình.
hahnawaz Shaikh cùng với chiếc SUV của mình. Anh đã bán xe này để gây quỹ cho hoạt động nhân đạo của mình.

Shaikh đã tự bỏ ra 2.000 USD để mua 30 bình oxy và cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu, đồng thời lan truyền và kêu gọi mọi người cùng thực hiện hành động này.

Phản ứng của cộng đồng đối với vấn đề này rất tích cực. Thành công ban đầu đã khích lệ Shaikh mở rộng quy mô. Tuy nhiên, tiền của anh lúc này cũng đang cạn kiệt. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, anh ấy đã bán chiếc ô tô SUV Ford Endeavour của mình.

Với khoản tiền 12.000 USD thu được từ việc bán xe, anh đã mua thêm 160 bình oxy. Những nỗ lực của anh được lan truyền rộng rãi và nhiều tình nguyện viên cũng tham gia vào hành động ý nghĩa này.

Khi Ấn Độ đối mặt với làn sóng đại dịch thứ hai, hệ thống y tế của quốc gia này đang dần quá tải, Shaikh nhận được 500 - 600 yêu cầu mỗi ngày. Anh đã giúp đỡ gần 7.000 người, thậm chí còn thanh toán hóa đơn y tế cho những người không đủ khả năng.

Nhóm của anh hoạt động 24/7 và đã mở rộng quy mô lên 20 tình nguyện viên, 240 bình oxy và một cơ sở giúp bệnh nhân Covid-19 truy cứu thông tin về giường bệnh, máy thở và bác sĩ cấp cứu có sẵn.

Shaikh cũng đã khởi động một chiến dịch gây quỹ trực tuyến cho đến nay đã đạt được khoảng 21.000 USD.

Tuy nhiên, khi khả năng giúp đỡ tăng lên, anh gặp trở ngại trong việc đảm bảo nguồn cung oxy. Không những thế, giá oxy trên thị trường đang có dấu hiệu tăng mạnh. Trước đây, oxy lỏng thông thường có giá khoảng 2 USD cho 10 lít. Tuy nhiên, trên thị trường chợ đen bây giờ, giá oxy lên tới khoảng ít nhất 47 USD.

Anh cho biết: “Họ nên cảm thấy xấu hổ. Đất nước đang lâm vào cảnh tuyệt vọng và một số người lợi dụng vấn đề này để tăng lợi nhuận.”

“Đây là thời điểm cần thiết mà con người cần giúp đỡ lẫn nhau.Vì vậy, hãy giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn.”

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.