Quyết định này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh nhưng khiến các em bị động trong việc chọn trường.
Tháng 4, Hội đồng Giáo dục Trung học Trung ương (CBSE) cho biết sẽ thông báo chi tiết về kế hoạch thi cử sau khi đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
Kỳ thi vào lớp 10 có thể vẫn được tổ chức nếu tình hình dịch được kiểm soát. Mọi thông tin chi tiết sẽ được CBSE công bố ít nhất 15 ngày trước khi bắt đầu kỳ thi.
Kỳ thi vào lớp 10 năm ngoái cũng bị huỷ bỏ nhưng học sinh vẫn học trực tiếp, giữ tương tác với thầy cô giáo. Qua đó, các em được tư vấn chọn trường THPT phù hợp. Vì vậy, dù kỳ thi không diễn ra, học sinh vẫn có định hướng tương đối rõ ràng về tương lai.
Tuy nhiên từ tháng 9/2020, học sinh phổ thông các cấp tại Ấn Độ phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Kỳ thi huỷ bỏ, mất tương tác với giáo viên nên học sinh đang loay hoay tự chọn trường.
Nhiều em băn khoăn các trường THPT sẽ căn cứ vào những tiêu chí nào để đánh giá ứng viên. Số khác cân nhắc giữa việc học THPT và học nghề. Thậm chí, do hoàn cảnh gia đình và học trực tuyến không hiệu quả, học sinh tại vùng nông thôn hoặc trong các gia đình thu nhập thấp quyết định bỏ học.
Divyansh Ishu, học sinh lớp 9, cho biết: “Em đã học chăm chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi và em mong đợi đạt điểm cao để vào trường tốt. Nhưng khi kỳ thi huỷ bỏ, thầy cô có thể sẽ sử dụng điểm học tập của em dù kết quả không cao. Nếu vậy em sẽ trượt ngôi trường mơ ước”.
Ngược lại, không ít học sinh bày tỏ lạc quan, tin rằng việc huỷ bỏ kỳ thi không làm ảnh hưởng đến định hướng của các em. Priya Singh, học sinh lớp 9 tại bang Uttar Pradesh, cho biết đặt mục tiêu trở thành bác sĩ. Từ nhỏ, em đã cố gắng hết sức để duy trì thành tích tốt. Vì vậy, dù kỳ thi thay đổi, định hướng của em không bị lung lay.
Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng đặc biệt quan tâm đến phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Hầu hết đều ủng hộ quyết định huỷ bỏ kỳ thi nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, việc chọn trường gây ra không ít khó khăn cho các gia đình.
Anh Bharat Bhardwaj, phụ huynh có con gái học tại Trường Quốc tế Ryan, Delhi, cho biết: “Là cha mẹ, chúng tôi không biết nên khuyên con theo học trường nào. Trường Ryan đã gợi ý một số trường THPT nhưng chúng tôi muốn tự tìm hiểu và đưa ra phương án phù hợp với trình độ học tập và nguyện vọng của con”.
Trong khi phụ huynh Archana Pankaj nhận xét: “Chất lượng trường THPT có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ. Gia đình tôi phải lập kế hoạch, hướng dẫn, phân tích ưu, nhược điểm của từng trường so với trình độ của con để giúp cháu xây dựng lộ trình thích hợp”.
Ông Gaurav Bhatara, chuyên gia cố vấn giáo dục, đánh giá quyết định của CBSE là đáng hoan nghênh. Trong năm qua, học sinh phải đối mặt với nhiều lo lắng, căng thẳng từ việc học trực tuyến và dịch bệnh nên điểm thi có thể không như kỳ vọng.
Ông Bhatara gợi ý các trường THPT có thể đánh giá ứng viên qua điểm học tập THCS hoặc năm lớp 9, kết hợp với thành tích ngoại khóa.
Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Ấn Độ, dự kiến diễn ra từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, đã bị hoãn lại. CBSE cho biết sẽ tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh và thông báo thời gian tổ chức sau.