Ngồi khâu bao tay nhỏ xíu cho đứa cháu nội, bà cố ý châm nhầm vào đầu ngón tay cho đau điếng mà vẫn không xua được nỗi sợ đi. Cứ như mũi kim châm vào đâu đó trong người chứ không phải ngón tay.
Ngày đám cưới con trai, cô trang điểm cầm cái nơ bông hồng đến đính cho bà. Bà bảo sao không làm cái miếng dán cho tiện. Cô cười: “Tiệc cưới đông đúc. Cái kim găm này còn chưa ăn thua, nữa là dán”.
Bà sợ những mũi kim sắc nhọn có thể phá hỏng hạnh phúc một đời người ta. Nhất là trong ngày vui hôm nay, cái mũi kim gợi cho bà nỗi ám ảnh. Bà nhìn qua cậu con trai, thấy vừa cài xong cái nơ hoa chú rể, mặt đang rất vui.
Đám cưới là dịp đại hỷ, không thế thì người ta bày ra xôi rượu làm gì. Đám cưới ở miền quê cũng là cơ hội để làng trên trông xuống người bên trông vào. Không ai chê đám cưới không ai cười đám ma. Vui thì phải khen. Nhưng lời khen nhiều khi tác dụng phụ. Khen quá thì không thật lòng. Khen quá thành ra thương hại. Nghe người ta khen bà càng tủi, càng lo.
Những đôi mắt tươi rói đến chúc mừng đám cưới. Bà thì cứ thấy trong mắt khách như có kim. Mỗi con mắt là một mũi kim nhọn, cứ châm từng phát theo mấy câu tặc lưỡi lao xao kiểu què mà lấy được vợ đẹp thế, hay, què một chân thôi chứ cái khác vẫn lành lặn chứ. Người ta đùa mà bà đau.
*
Bà nhớ cái mũi kim cách đây hai chục năm. Hồi thằng con bà lên ba, nó kháu khỉnh nhanh nhẹn, chân tay lành lặn cứng cáp. Chỉ sau một mũi tiêm, thằng cu ốm một trận suýt chết. Sống được thì chân trái teo hẳn, phải đi cà thọt.
Bà là cán bộ phòng hành chính bệnh viện, người ta bảo thôi trong ngành thông cảm cho nhau, đừng kiện cáo phanh phui nữa. Sốc thuốc là điều xảy ra ngoài mong muốn, ngành Y tế rất cố gắng giảm thiểu chuyện này, nhưng xui rủi đành chịu.
Thỉnh thoảng, con trai đi chơi quanh xóm về, úp mặt vào bà khóc. Bà biết chắc có ai đó trêu đùa khiến nó tủi. Bà ôm con vào lòng khóc theo. Nước mắt lặn vào trong rát rít như kim châm.
Lại có lần không gửi được con cho ai trông, bà đành đưa nó vào bệnh viện cùng. Thằng cu chạy đến túm lấy tay bác sĩ bảo: “Bác ơi tiêm cho cháu vào chân này, để nó bình thường như các bạn khác”. Đồng nghiệp của bà đứng chết lặng trước câu nói hồn nhiên.
Con trai càng lớn, bà càng thấy buồn. Nói buồn chắc chưa phải, nhưng niềm vui của bà không được nguyên vẹn. Mặt cu cậu sáng sủa đẹp trai, lại học giỏi nữa chứ. Nhiều khi bà nghĩ, giá nó bớt đẹp một chút, học kém cũng được, nhưng trời cho nó thẳng cái chân ra thì hay hơn.
Giỏi, đẹp trai càng khiến người ta chú ý. Trung tâm của đám đông thường dễ sa ngã chỉ vì một khiếm khuyết nào đó. Nhất là khi cậu con trai vào đại học, lại học giỏi nhất trường. Thấy cu cậu năm nào cũng về khoe bằng khen thành tích mà chẳng bao giờ khoe bạn gái, bà càng lo hơn, rồi tặc lưỡi: “Cũng đúng thôi”.
Con gái bây giờ chọn trai không đẹp thì chí ít cũng phải lành lặn. Chẳng như cái thời bà. Bà lấy ông là thương binh cụt tay từ chiến trường trở về. Con què cha cụt. Bà có nghe người ta xì xào như thế.
*
Cô con dâu có thai. Cả nhà mừng. Bà thì lo. Hàng xóm qua về chúc mừng bà sắp lên chức. Bà lại thấy trong lời nói có kim, cả trong ánh mắt của họ cũng có kim. Những mũi kim châm thẳng vào cái bụng bầu tò mò “nội soi” coi đứa bé có như cha nó không.
Bà biết thằng con mình tàn tật chẳng phải do bẩm sinh, khoa học chứng minh đó không phải là dị tật di truyền. Bà từng công tác trong ngành Y nên hiểu hơn ai hết. Nhưng, một khi lòng mình đã có mũi kim bất an thì nó châm cho đau đến xót xa.
Cô con dâu vào phòng sinh. Bà bảo con trai ra căng tin ngồi chơi uống cà phê, đàn ông ngồi ở đây không tiện. Kỳ thực, bà sợ con trai ngồi đây lại có thêm những mũi kim vô hình của người ta châm chỉa.
Nhất là cái chỗ này người ta chờ đón những thiên thần và cầu mong sự lành lặn tốt đẹp. Một người khiếm khuyết ngồi ở đây có khi là điều xúi quẩy. Bà không mê tín, nhưng cũng phải cẩn thận.
Bà rấm rứt khóc, lại tủi thương cho cậu con trai sắp lên chức bố nhưng phải ngồi ở ngoài kia trông vào, chắc cũng nóng ruột lắm. Cái khiếm khuyết của bản thân đã cản đường danh vọng của nhiều người và cũng làm cho niềm vui của người ta không được trọn vẹn.
Đứa bé chào đời, bà chưa cần coi mặt, rón rén lật khăn săm soi hai cái chân trước tiên. May, nó lành lặn. Thằng cu chọi mạnh. Xem ra nó là đứa hiếu động. Hai cái chân cu cậu đẹp, cũng đẹp như cha nó hồi nhỏ. Bà cầu trời khấn Phật cho nó đẹp mãi như thế.
*
Mùng năm hằng tháng trẻ con phải đến trạm xá tiêm chủng mở rộng. Lần nào bà cũng dành lãnh việc chở con dâu và cháu đi trạm. Ông nội thì thương binh cụt tay, không lái xe máy được. Cha nó lại què chân, chống xe không vững.
Có lần hai cha con chở nhau xe máy vấp ngã giữa đường khiến người ta vừa thương vừa cười trêu. Bà mới ngoài năm mươi, chạy xe máy còn ngon ơ. Trong vụ này coi như bà là người khỏe nhất.
Anh con trai bảo để thuê taxi chở bà cháu đi. Bà gạt phăng: “Đường có xa đâu mà thuê xe cho tốn tiền”. Thực tình bà chẳng phải tiếc tiền, bà chỉ sợ ô tô tới chỗ đông đúc ở cái vùng quê này lại khiến đám đông chú ý.
Báo đài dạo này nói nhiều tới chuyện tiêm chủng. Một vụ tiêm nhầm thuốc khiến ba đứa trẻ tử vong chưa lắng xuống thì lại tới chuyện tiêm lộn vắc-xin qua nước cất. May vụ này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Người có trách nhiệm phát biểu sơ suất đó nằm trong phạm vi cho phép.
Bà làm trong nghề y, bà biết về lý thuyết là như thế, nhưng mạng sống đâu phải chuyện đùa. Bà vẫn chưa quên được mũi kim hơn hai chục năm về trước đã châm vào đứa con trai của bà. Người ta cũng bảo điều rủi ro đó nằm trong khả năng chấp nhận được.
Bà xin về hưu non. Phần để chăm con chăm cháu, phần vì không chịu đựng nổi những áp lực của nghề, những mũi kim của dư luận. Dân người ta trách cả ngành Y, thì cũng như trách bà, dù bà chỉ làm việc hành chính trong bệnh viện.
Mấy chục năm bà day dứt quá rồi, bà làm nghề y mà lại không bảo vệ được đứa con rứt ruột đẻ ra. Giờ có thêm đứa cháu. Bà phải chăm cháu thật tốt. Coi như bù đắp cho thằng con trai, cũng là bù đắp cho mình.
Gần trưa bà mới đưa cháu đến trạm xá. Bà nghĩ, cho chúng nó tiêm trước, lỡ có chuyện sốc thuốc thì mình còn ngưng được. Nghĩ như thế thì hơi ích kỷ. Nhưng một lần rủi ro đã quá đau, giờ bà có quyền cẩn trọng hơn.
Bà cố ý đi muộn còn vì một lý do, bà muốn cho người ta về bớt, đỡ bị nhòm ngó. Ở vùng này ai mà không biết bà có đứa con tàn tật, thể nào họ chẳng vén cái khăn lên mà nhòm chân thằng cháu nội của bà, xem thằng cháu có bị dị tật từ cha nó không.
Buổi sáng đã tiêm năm chục ca. Chẳng có chuyện gì bất thường. Biết đâu đến cháu mình lại xảy ra. Cái rủi không ai lường được. Bà cứ nghĩ khi bồng thằng cu chìa ra cho cô y tá chích. Ngoài năm mươi tuổi rồi, mấy chục năm nay ngày nào cũng gặp ca bệnh mà giờ bà vẫn run run khi thấy cô y tá nhún cái kim vào ống thuốc.
“Chỉ là tiêm phòng thôi mà, sao bà run thế”, cô y tá mỉm cười.
Tiêm xong, bà bồng cháu đi nhanh ra cổng trạm xá. Bà khom người ôm kín thằng bé trong tư thế một mẹ gà che chở cho con. Ví von như thế cũng chưa phải, mẹ gà thì chỉ lo cho con, đây bà lo cho đứa cháu.
Ai đó nói rằng chỉ có con người là dành tình thương đến đời cháu của mình. Đúng quá. Thậm chí, so sánh thô thiển thì bà còn thương cháu hơn thương con. Cậu con trai trưởng thành rồi, kim cũng châm nhiều rồi, riết thành quen không còn đau nữa.
Nhưng thằng bé cháu này thì non nớt quá. Bà phải bảo vệ nó chứ. Cái lưng bà gầy gò nhưng khi quay lại phía đám đông thì nó cương phình ra như tấm bình phong. Sẵn sàng chống đỡ mọi thứ. Thách thức những ánh mắt nhọn hoắt. Kim có găm thì găm vào lưng bà, nhé.
Chợt bà nghĩ, rồi thằng cu lớn lên đi học, biết đâu sẽ bị bạn bè trêu là con của cha què. Những mũi kim vô hình châm chích bà chịu được, nhưng vài bữa bà mất đi rồi, lấy ai chống đỡ cho thằng cháu đây.