Những vấn đề nảy sinh ở cấp tiểu học khi xây dựng kế hoạch dạy bài theo CT mới

GD&TĐ - Việc xây dựng kế hoạch bài dạy có vai trò rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình giáo dục môn học.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC

Để đạt mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, với học sinh tiểu học cần hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

Để đạt được mục tiêu đó, trong phạm vi bài viết về vấn đề xây dựng kế hoạch bài dạy hay gọi chung là giáo án, tôi thấy còn có những trăn trở của đội ngũ giáo viên trước thềm năm học 2023 - 2024.

Xây dựng kế hoạch bài dạy như thế nào?

Việc xây dựng kế hoạch bài dạy có vai trò rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình giáo dục môn học. Bởi vì, kế hoạch bài dạy là kịch bản lên lớp của giáo viên đối với học sinh và nội dung cụ thể trong một không gian và thời gian nhất định. Xây dựng kế hoạch bài dạy là giai đoạn chuẩn bị lên lớp nhằm giúp giờ dạy học diễn ra thành công đạt được mục tiêu, yêu cầu của chương trình dạy học.

Hoạt động này rất quan trọng, quyết định sự thành công của bài dạy và đem lại ý nghĩa đối với mỗi giáo viên như: Thiết lập môi trường dạy học phù hợp, định hướng được tâm lí giảng dạy, sử dụng hiệu quả kiến thức đã có, phát triển được kĩ năng dạy học, sử dụng hiệu quả thời gian.

Bên cạnh đó Bộ Giáo dục cũng đã chỉ đạo chuyên môn về kế hoạch bài dạy của giáo viên qua những công văn cụ thể như Công văn 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021 hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học. Trong đó, hướng dẫn xây dựng kế hoạch bài dạy của giáo viên tiểu học được quy định cụ thể ở phụ lục 3.

Khi xây dựng kế hoạch bài dạy giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, sách giáo khoa, thiết bị dạy học. Kế hoạch bài dạy gồm các phần chính như sau: Yêu cầu cần đạt; Đồ dùng dạy học cần chuẩn bị; Hoạt động dạy học chủ yếu; Điều chỉnh sau bài dạy.

Các bước cụ thể

Xác định mục tiêu học tập, yêu cầu cần đạt của bài học: Trên cơ sở yêu cầu cần đạt của mạch nội dung được quy định trong chương trình môn học, giáo viên chủ động sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học, học liệu để xác định yêu cầu cần đạt của bài học phù hợp với đối tượng học sinh, đặc điểm nhà trường, địa phương. Yêu cầu cần đạt cần xác định rõ: Học sinh thực hiện được việc gì? Vận dụng được những gì vào giải quyết vấn đề trong thực tế cuộc sống, có cơ hội hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực gì?

Xây dựng nội dung giới thiệu, chuẩn bị đồ dùng dạy học. Các đồ dùng cần chuẩn bị để tổ chức dạy học như máy tính xách tay, tivi, clip, slide minh họa,… Bên cạnh đó, xây dựng nội dung chính của bài học, các hoạt động dạy học chủ yếu. Giáo viên chủ động tổ chức hoạt động dạy học linh hoạt, sáng tạo, đa dạng theo tính chất bài học (bài kiến thức mới hay bài thực hành, ôn tập) đặc điểm môn học, hoạt động giáo dục và phù hợp với đối tượng học sinh.

Hoạt động học tập của học sinh bao gồm:

Hoạt động 1: Hoạt động mở đầu (Khởi động, kết nối).

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (trải nghiệm, khám phá, phân tích, hình thành kiến thức mới).

Hoạt động 3: Luyện tập, thực hành.

Hoạt động 4: Vận dụng, ứng dụng (học sinh biết vận dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề trong đời sống thực tế.

Hoạt động của giáo viên tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động học cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng của học sinh.

Kế hoạch bài dạy do người thầy biên soạn, sáng tạo sẽ quyết định sự thành công chất lượng giáo dục. Chính vì vậy giáo viên cần có sự sáng tạo trong dạy học và xem các tài liệu hướng dẫn chỉ là tham khảo.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Tiến (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: INT

Học sinh Trường Tiểu học Tân Tiến (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: INT

Giáo viên gặp khó khăn gì?

Các nhà trường đã được chuyên đề cách xây dựng kế hoạch bài dạy theo Công văn 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021 hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giáo viên còn lúng túng trong việc xây dựng yêu cầu cần đạt ở một số bài còn chung chung, không lượng hóa, cụ thể hóa được yêu cầu cần đạt, chưa phân loại đúng đối tượng người học dẫn tới xây dựng mục tiêu chưa hợp lí.

Việc xây dựng kế hoạch có hiệu quả phải gắn với các điều kiện hiện có của nhà trường, đối tượng học sinh, năng lực đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất nhưng ở nhà trường còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng.

Công tác xã hội hóa giáo dục cũng hạn chế như: Phụ huynh học sinh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ làm ăn xa, cháu ở với ông bà,..

Trên thực tế, các nhà trường đã tuyên truyền về chương trình mới đến tận từng phụ huynh học sinh nhưng đâu đó vẫn còn một số phụ huynh chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục nên cũng ảnh hưởng đến tâm lí của giáo viên khi thực hiện chương trình mới, dẫn đến sao nhãng trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy.

Trong Chương trình GDPT 2018 đề cao nội dung giáo dục tích hợp như giáo dục địa phương: Các làng nghề truyền thống, lịch sử địa lí địa phương, văn hóa vùng miền,.. các tài liệu, giáo trình, tư liệu vật chất lại phụ thuộc vào năng lực của giáo viên, điều kiện thực tế của địa phương; một số tài liệu giáo dục địa phương cung ứng về các nhà trường còn chậm so với kế hoạch đề ra gây khó khăn cho giáo viên khi xây dựng và thực hiện kế hoạch bài dạy.

Tính mở của chương trình mới cũng gây khó khăn, lúng túng cho giáo viên. Bên cạnh đó tài liệu sách giáo viên thiết kế sơ sài, các học liệu khá phong phú nhưng sắp xếp chưa khoa học, các hình ảnh trong sách giáo khoa một số bài hình ảnh quá nhiều nhưng chưa rõ nét, rất khó phân biệt gây rối cho người dạy và người học.

Các tài liệu ở Hoc10.vn các bài giảng tải về lỗi nhiều, sai lệch đáp án, đòi hỏi giáo viên phải chỉnh sửa mất rất nhiều thời gian. Khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách số trong từng đơn vị, sự chênh lệch trình độ công nghệ thông tin của giáo viên khiến giáo viên lúng túng trong việc tập huấn thay sách giáo khoa, xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện giảng dạy trên lớp.

Mỗi tuần có rất nhiều kế hoạch bài dạy với nhiều môn học ở cả phần Word và giáo án trình chiếu Powerpoint đòi hỏi tất cả giáo viên phải có máy tính tốc độ cao, dung lượng lưu trữ lớn, kết nối mạng ổn định và mỗi phòng học có tivi hoặc màn hình chiếu mới thực hiện hiệu quả kế hoạch bài dạy.

Hướng giải quyết

Trong thực tiễn các giáo viên vẫn nhấn mạnh tính mở trong thực hiện giảng dạy chương trình mới nhưng mong các nhà biên soạn sách, cụ thể là bộ sách Cánh Diều có tài liệu dành cho giáo viên, hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn, cung ứng kịp thời về các nhà trường để chúng tôi tham khảo, linh hoạt hơn trong cách xây dựng kế hoạch bài dạy.

Về phía giáo viên cần quan tâm việc điều chỉnh sau bài dạy góp phần quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy cho tiết học sau. Giáo viên ghi lại những điểm cần rút kinh nghiệm sau khi thực hiện kế hoạch bài dạy để hoàn thiện phương án dạy học cho các bài học sau về các nội dung còn bất cập, còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện tổ chức dạy học và nội dung tâm đắc tổ chức dạy học hiệu quả nhất để trao đổi cùng khối, tổ chuyên môn.

Có thể sử dụng kế hoạch bài dạy đã xây dựng từ năm học trước để thực hiện bổ sung điều chỉnh nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức để áp dụng hiệu quả cho năm học tiếp theo (nhân rộng, chia sẻ những bộ kế hoạch bài dạy được thiết kế công phu, hiệu quả); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và lưu giữ hồ sơ tài liệu khoa học, thuận lợi, hiệu quả. Chuyên môn các nhà trường cần động viên tinh thần đổi mới sáng tạo của giáo viên.

Mong các sở, phòng, các nhà trường căn cứ vào các văn bản pháp luật đã tuyên truyền cho giáo viên, khi kiểm tra hồ sơ không nên rập khuôn máy móc mà hãy kiểm tra nhiều hơn thực tế học sinh học được cái gì? Phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh không chỉ vạch ra ở kế hoạch bài dạy mà mỗi giáo viên phải linh hoạt đổi mới phương pháp dạy học qua từng tiết học hằng ngày trên lớp.

Chất lượng dạy học và giáo dục được đánh giá từ thực tiễn, từ sản phẩm là học sinh thì sẽ không còn tâm lí đối phó, áp lực, xảy ra mua bán kế hoạch bài dạy như hiện nay trên mạng xã hội.

Các nhà trường, tổ chức xã hội tuyên truyền làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để các nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng giảng dạy chương trình mới.

Đặc biệt trang bị đồng nhất cho mỗi giáo viên đứng lớp có máy tính tại lớp học, kết nối mạng Internet ổn định để phục vụ công tác giảng dạy tốt hơn, giảm áp lực cho giáo viên trong thực hiện kế hoạch bài dạy.

Các nhà trường cần tổ chức các buổi chuyên đề như: Cách sử dụng công nghệ thông minh, và không lạm dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Chẳng hạn khi dạy các bài Tập đọc, giáo viên không thể sử dụng trình chiếu trong suốt bài giảng mà đòi hỏi phải ghi bảng lớp:

Mục bài, tìm hiểu bài (ý chính, nội dung chính), mục luyện đọc (Từ khó đọc được học sinh rút ra), các từ cần giải nghĩa. Hoặc ở môn Toán, giáo viên cần ghi bảng hướng dẫn học sinh cách tính hoặc giải bài toán theo các cách khác nhau, các công thức, quy tắc, chốt các kiến thức quan trọng sau mỗi bài học để khắc sâu kiến thức cho học sinh.

Linh hoạt trong chữa bài cho học sinh, có thể chụp bài của học sinh kết nối lên màn hình tivi để chữa bài, tiết kiệm được thời gian viết bảng. Mỗi giáo viên đăng kí tài khoản để dùng kho học liệu điện tử Hoc10.vn cấp tiểu học. Khi dùng sách giáo khoa điện tử bộ Cánh Diều cần bài học nào, nhấn tìm bài học đó, tải về từng phần của bài, dùng trực tuyến có nhạc nền, có sẵn tương tác rất tiện, trực quan sinh động.

Năm học mới 2023 - 2024 đã cận kề, trên mạng xã hội đâu đó đang rầm rộ rao bán các loại hồ sơ giáo viên, trong đó có kế hoạch bài dạy được giáo viên quan tâm nhiều nhất với chương trình mới. Chính việc mua bán trên mạng thậm chí có cả ở trang bán quần áo, mĩ phẩm... đã làm giảm vị thế người thầy trong mắt phụ huynh, học sinh.

Vì vậy, giáo viên cần cân nhắc kĩ và hãy nắm bắt theo sự chỉ đạo chuyên môn của nhà trường, của tổ chuyên môn. Mỗi giáo viên cần đặt cao ý thức về công tác tuyên truyền, giới thiệu chính sách pháp luật của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt sự quan tâm của các độc giả viết sách đã có những buổi chuyên đề tuyên truyền giới thiệu sách theo chương trình mới.

Với kinh nghiệm giảng dạy và tâm huyết tìm hiểu chương trình, sách giáo khoa Cánh Diều, tôi khuyên các bạn đồng nghiệp khi xây dựng kế hoạch bài dạy có thể vào trang Fanpage NHÓM GIÁO VIÊN CÁNH DIỀU của thầy Đông Vũ để tham khảo tài liệu miễn phí.

Tài liệu được kết tinh từ những thầy cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy, đam mê, tâm huyết để xây dựng kế hoạch bài dạy cho chương trình mới. Các thầy cô chia sẻ lên trang Fanpage của cá nhân, của trường mình để lưu giữ tài liệu khoa học nhất để không tốn dung lượng bộ nhớ của máy tính.

Thay cho lời kết, không có phương pháp nào là vạn năng, không có kế hoạch bài dạy nào không thể thay đổi. Thiết nghĩ, mỗi tác giả biên soạn sách, mỗi thầy cô giáo luôn vì học sinh, bắt đầu từ học sinh, cái gì có lợi cho học sinh thì nên làm, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh, hiểu học sinh để viết cho học sinh, để tạo cho học sinh có cơ hội tự học, tự tạo kiến thức thì mới phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh như mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.

Mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.