Những tranh cãi xung quanh việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu

GD&TĐ - Ngày 12 và 13/5, Mỹ và NATO chính thức khởi động kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại thị trấn Deveselu (Rumani) và ở Eedzikowo (Ba Lan). 

Những tranh cãi xung quanh việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu

Theo đặc phái viên của Mỹ tại NATO Robert Bell thì hệ thống phòng thủ tên lửa này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ các nước NATO trước mối đe dọa từ Iran. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích và đặc biệt là Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Rumani và Ba Lan đều nhằm chống lại Nga.

Những tranh cãi từ phương Tây

Bình luận về vấn đề trên, phóng viên Andreas Schwarzkopf của tờ Frankfurter Rundschau (Đức) viết: Lễ khai trương khu phức hợp phòng thủ tên lửa châu Âu đầu tiên tại một căn cứ không quân ở Rumani đã đánh dấu một giai đoạn mới trong kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Đông Âu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự án này là “câu trả lời không đúng” cho các mối đe dọa “tưởng tượng”. Và Andreas Schwarzkopf kết luận: “Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO gây ra rất nhiều tranh cãi và trở thành “vật kích hoạt” cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và các nước liên minh”.

Chuyên gia người Đức Hans-Joachim Spanger đã loại bỏ khả năng tấn công tên lửa của Tehran vào các mục tiêu của châu Âu và các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Âu. Hans-Joachim Spanger đặt câu hỏi: Iran tấn công châu Âu làm gì khi họ biết chắc thiệt hại lớn hơn thuộc về họ? Ngoài ra, chuyên gia này tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa: Nó có khả năng phát hiện và tiêu diệt tới 8 trong 10 tên lửa trong các cuộc thử nghiệm, còn trong tình huống chiến tranh, hiệu quả thấp hơn nhiều.

Không ít các nhà phân tích phê phán chi phí cao của dự án. Theo một số báo cáo, Washington đã đầu tư vào dự án này khoảng 40 tỷ USD từ năm 2002. Và tất cả điều này chỉ vì Mỹ muốn cảm thấy “bất khả xâm phạm”. Có thể nói, hầu hết các chính trị gia chuyên về vấn đề an ninh, quốc phòng của NATO đều cho rằng Iran không phải là mối đe dọa lớn nhất ở Trung Đông và hệ thống phòng thủ tên lửa này là cần thiết để “mọi người cảm thấy an toàn”.

Cuối cùng, không ít các nhà phân tích cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt ở Rumani và Ba Lan là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Nga. “Trong khi các quan chức Mỹ và các nước đồng minh tổ chức lễ khai trương hệ thống chống tên lửa chờ đợi từ lâu ở châu Âu, lễ cắt băng khánh thành bằng một ban nhạc kèn đồng, phản ứng của Nga cho thấy hệ thống làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân” - Andrew I. Kramer viết trên The New York Times.

Người Nga nói gì?

Ngay sau khi Mỹ khởi công xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Rumani, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định: “Chúng tôi xem việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Rumani là vi phạm Hiệp ước thủ tiêu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) mà 2 nước ký từ năm 1987. Nga đã nhiều lần chỉ ra những mối nguy hại của việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực trong bối cảnh hiện nay, nhưng những lo ngại của chúng tôi đã bị phớt lờ. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả về mặt quân sự và kỹ thuật”. “Biện pháp” mà bà Maria Zakharova gọi là gì?

Theo Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev thì Moskva đang phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo có khả năng “xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ mạnh nhất nào của Mỹ”.

Cũng trong ngày 13/5, tại cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội ở Shochi, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu là một phần của lực lượng hạt nhân chiến lược mà Mỹ thực hiện ở nước ngoài. Theo ông, Moskva nhiều lần cảnh báo về điều này, nhưng “không ai muốn nghe, không ai muốn hợp tác với những đề nghị của chúng tôi”.

Và V.Putin cảnh báo: “Những người chấp nhận quyết định này (lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa) cần nhận thức rằng họ đã sống bình yên, thoải mái và an toàn. Giờ đây, sau khi các thiết bị phòng thủ tên lửa được lắp đặt, chúng tôi buộc phải cân nhắc đến việc phải chấm dứt những mối đe dọa mới đối với an ninh của Nga”. V.Putin cho rằng, việc lắp đặt tên lửa ở Rumani và Ba Lan là hành động kích hoạt cho cuộc chạy đua vũ trang mới. Nga phải tìm cách duy trì cân bằng chiến lược nhưng dứt khoát không bị “hút” vào cuộc chạy đua vũ trang này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.