Dự án thú vị
Tuy không sinh ra ở Thị xã Ngã Năm, nhưng cô giáo Thiên Ân chọn nơi này bắt đầu sự nghiệp phấn trắng bảng đen, với nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử ở Trường THPT Ngã Năm. Để bài học sinh động, thiết thực hơn, từ năm học 2017 – 2018, cô bắt đầu triển khai phương pháp dạy học theo dự án do mình lập ra. Dự án mang tên “Sóc Trăng quê hương tôi” hình thành từ kinh nghiệm hiểu biết có sẵn của cô, kết nối vào bài học nên đã giúp học sinh bước đầu có thuận lợi khi tìm hiểu bài.
Tham gia dự án là những học sinh khối 12, được áp dụng cho 2 lớp, mỗi lớp chia ra làm 4 nhóm thực hiện đề tài phóng sự quay clip, trình chiếu, thành viên mỗi nhóm từ 8 đến 10 em. Dự án được bắt đầu khi kết thúc học kì 1 và các em phải hoàn thành trong 3 tuần.
Các nhóm sẽ đảm trách những địa điểm, di tích lịch sử cấp quốc gia ở Ngã Năm, xoay quanh nội dung như: Tìm hiểu về Căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm, Quá trình lịch sử hình thành & phát triển cũng như văn hóa lễ hội lớn ở Sóc Trăng, Chợ nổi Ngã Năm...
Cô Nguyễn Thị Thiên Ân bày tỏ: “Thay đổi môi trường học tập linh hoạt nhằm tác động đến hiệu quả môn học, tôi đề ra hệ thống câu hỏi theo từng chủ đề, kèm theo là những tiêu chí đánh giá rõ ràng như: Bài báo cáo phải đảm bảo được số slide để trình chiếu powerpoint, thời lượng thuyết trình, số lượng hình ảnh… Mỗi tuần sau khi các bạn thu thập dữ liệu để thảo luận nhóm, nhóm trưởng trực tiếp báo cáo tiến độ qua email”.
Yêu cầu bắt buộc khi nhóm nhận nhiệm vụ thì các thành viên phải đến tận địa điểm, thu thập thông tin khách quan, chụp ảnh, quay clip. Mỗi sản phẩm báo cáo do chính học sinh chủ động, đóng vai trò dẫn chương trình, phóng viên, hướng dẫn viên tương tác với người dân địa phương cùng thực hiện.
Là trải nghiệm bổ trợ bài học nên các em phải dành nhiều thời gian cho việc đi thực tế, ghi chép, tìm kiếm thông tin, tổng hợp kết quả và thực hiện các khâu hậu cần kĩ thuật hoàn chỉnh, đồng thời trau dồi các kĩ năng hỗ trợ làm việc nhóm, kĩ năng xây dựng chương trình hoạt động, tiếp thu và chia sẻ với mọi người… Trong buổi báo cáo chính thức ở tiết học chính khóa, giáo viên bộ môn sẽ mời Phó hiệu trưởng chuyên môn, Tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên môn Địa lý, Giáo dục công dân cùng tham dự đánh giá.
Dạy học môn Sử theo dự án của cô Thiên Ân đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, mang lại triển vọng cho phương pháp dạy học thực tiễn. Các em học sinh nhận thấy môn học Lịch sử thật sự thú vị.
Cô giáo Thiên Ân luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong mỗi tiết dạy |
Học sinh là trung tâm
Mỗi năm cô Thiên Ân dành nhiều thời gian chuẩn bị ôn luyện cho học sinh thi THPT quốc gia, tiến hành xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm theo chủ đề. Các câu hỏi này được sưu tầm trên mạng, từ sách tham khảo đưa vào hệ thống câu hỏi theo từng bài, mỗi đơn vị bài có khoảng 45 đến 50 câu tùy theo số tiết. Nội dung vẫn đảm bảo được 4 cấp độ kiến thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, nâng cao.
Trong quá trình ôn thi, cô giáo trẻ Thiên Ân tiến hành chia nhỏ mặt bằng kiến thức theo hướng chia cấp độ làm bài theo năng lực và nguyện vọng nghề nghiệp. Mỗi lớp như vậy sẽ có nhóm A, B, C tương ứng trình độ lần lượt là giỏi, khá, trung bình… Và cô cũng nhấn mạnh đến học sinh cách làm này tạo thuận lợi giúp các em ôn bài theo đúng năng lực học tập. Nhằm áp dụng suôn sẻ, mỗi nhóm sẽ nhận bộ đề thực hành khác nhau theo đúng khối lượng kiến thức.
Theo cô Thiên Ân, việc chú trọng kết quả học tập của học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học đổi mới. Năm vừa qua, cô thực hiện giải pháp phân chia nhóm rất hiệu quả. Có những bộ đề giống nhau nhưng tùy năng lực mỗi em mà đòi hỏi cấp độ giải quyết khác nhau. “Tôi bắt tay soạn những bộ đề riêng biệt giữa 3 nhóm, với các gói câu hỏi được chọn lọc. Mỗi cấp độ từ dễ đến khó, phù hợp cho từng nhóm đối tượng học sinh, các em dễ dàng xác định được trình độ kiến thức mình đến đâu. Tuy nhiên, tôi không cố định mà sẽ luân chuyển cá nhân có tiến bộ bằng những bài thi khảo sát kiểm tra. Qua đó, các em chủ động phấn đấu hơn, học sinh yếu kém cũng không phải loay hoay với các dạng đề khó như trước”.
Nhằm hướng đến việc đổi mới quá trình giảng dạy, hầu hết giáo án của cô Thiên Ân được soạn theo định hướng phát triển năng lực học, bao gồm những hoạt động: Tạo tình huống, tiến trình dạy và học, luyện tập và vận dụng. Trong mỗi lớp học, cô sẽ để học trò chủ động phát biểu, hoạt động nhóm tích cực, xây dựng bài, trao đổi vấn đề với thầy cô về những nội dung phản biện. Đến nay, sáng kiến của cô giáo 8X đã áp dụng được cho khoảng 50% số lớp học toàn trường, nhìn chung các em đã bắt nhịp được chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực khá tốt.
Mỗi tiết dạy, giáo viên đóng vai trò người điều khiển, học sinh tham gia hoạt động nhiều hơn, thích hơn vì được thảo luận, thuyết trình trước đám đông, đóng góp ý kiến... Để tổ chức buổi học thành công, các em phải chuẩn bị sẵn tranh ảnh, clip, câu hỏi định hướng, giáo viên đóng vai trò điều khiển, đồng thời giao nhiệm vụ theo nhóm, tự các em chủ động tìm hiểu, chuẩn bị bài học trước ở tiết sau, lên kế hoạch cho những câu hỏi gợi mở vấn đề, trình bày trước lớp về quan điểm cá nhân.
Sau năm đầu tiên triển khai đổi mới phương pháp dạy học đã thu về nhiều tín hiệu tích cực, cô giáo trẻ cũng ấp ủ dự định áp dụng cho học sinh toàn trường.