Giáo viên chuyển động theo Chương trình, SGK mới

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Ngành GD Thủ đô đã quán triệt đến đội ngũ giáo viên chủ động đổi mới, sáng tạo trong dạy - học, đồng thời thực hiện phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”; qua đó giúp giáo viên từng bước thích ứng với Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.  

Giáo viên cần đổi mới sáng tạo từ những việc đơn giản nhất. Ảnh: Trung Toàn
Giáo viên cần đổi mới sáng tạo từ những việc đơn giản nhất. Ảnh: Trung Toàn

Đổi mới trong từng tiết dạy

Thầy Phạm Tuất Đạt - giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) rất tâm đắc với phương pháp dạy học thực nghiệm. Vì thế trước khi bước vào năm học mới, thầy luôn dành thời gian lên phòng thí nghiệm, phân loại thiết bị và chuẩn bị đồ dùng.

Thầy Đạt cho biết, trên nền những thiết bị được cấp sẵn và những vật dụng dễ tìm kiếm, dễ thiết kế, thầy luôn cố gắng suy nghĩ và phân loại: Bài học nào sử dụng phương pháp thực nghiệm và bài học nào không; bài học nào dùng thí nghiệm chứng minh và bài học nào dùng thí nghiệm minh họa; Thí nghiệm nào của HS và thí nghiệm nào của giáo viên; thí nghiệm làm trên lớp và làm ở nhà; thí nghiệm nào có sẵn và thí nghiệm nào có thể thiết kế; Thời điểm làm thí nghiệm và mục tiêu tương ứng là gì?...

“Tất cả những nỗ lực đó, tôi dùng để kiểm soát, biến hóa và tạo cảm xúc cho HS cũng như tìm được niềm vui cho chính bản thân mình khi đứng lớp” - thầy Đạt chia sẻ, đồng thời diễn giải, chẳng hạn một kiến thức đơn giản như: Đổ nước nóng vào chai thủy tinh, sau đó nhúng chai vào một xô nước đá đang tan, chai thủy tinh bị vỡ - thường là tụt đáy. “Với thí nghiệm này, tôi sử dụng thời gian đầu giờ để dẫn dắt HS vào bài học “Sự nở vì nhiệt”. Ngoài ra, thí nghiệm này tôi sử dụng vào giữa giờ để củng cố kiến thức và liên hệ thực tiễn cho học sinh. Có những tiết tôi áp dụng vào cuối giờ của bài học để kích thích trí tò mò cho HS trong tiết học sau hoặc có thể cho HS về nhà làm, đổi một video lấy một điểm 10 để kích thích tình yêu bộ môn Vật lý cho học trò” - thầy Đạt bật mí.

 

Vật lý là một bộ môn khoa học gắn liền với thực nghiệm. Nhờ thực nghiệm, giáo viên có thể biến một số kiến thức xa vời, trừu tượng trở nên gần gũi và sáng tỏ với HS. Thông qua dạy học thực nghiệm đã phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Đặc biệt, những tri thức Vật lý được hình thành bằng con đường thực nghiệm đã khắc sâu hơn vào trong trí não của các em và đã gieo niềm đam mê, hạnh phúc cho học trò mỗi khi đến trường.

 
Thầy Phạm Tuất Đạt

Là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, cô Dương Thu Trang - Trường THPT Hồ Xuân Hương (Hà Nội) luôn coi trọng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của HS. Theo đó, một trong những biện pháp mà cô thực hiện là, đánh giá kết quả học tập dựa trên quan điểm tích cực hoá hoạt động học tập của các em; từ đó thúc đẩy tinh thần tự giác, chủ động, linh hoạt trong vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

“Mỗi một đề kiểm tra, tôi đều cố gắng tạo điều kiện cho tất cả các em được suy nghĩ, tìm tòi, khám phá… để có thể hiểu, vận dụng tốt các kiến thức đã học vào bài kiểm tra. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hoạt động tư duy, thực hành của HS. Cụ thể là các hoạt động vận dụng kiến thức, kỹ năng để tự giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống thực tiễn” - cô Trang trao đổi.

Theo kinh nghiệm của cô Trang, trong việc đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục công dân của HS, giáo viên cần cố gắng thể hiện được tinh thần đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó đánh giá và phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS khi tham gia vào quá trình học tập, đồng thời khuyến khích các em biết cách tự đánh giá kết quả học tập của mình, của bạn bè thông qua những chỉ số mà giáo viên cung cấp.

Sáng tạo từ những việc nhỏ

Với mục đích giúp học sinh nói tốt tiếng Anh, Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm đã hướng dẫn triển khai đến các trường tổ chức “Ngày ngoại khóa tiếng Anh”. Đây là một trong những hoạt động mô hình “4 ngày, 5 tốt” của ngành GD quận Bắc Từ Liêm.

Chia sẻ về Ngày ngoại khóa tiếng Anh, bà Lê Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm - cho biết: Các trường đã có phòng học kết nối trực tuyến để giao lưu học tập với người nước ngoài. HS các khối lớp 4, 5 cấp tiểu học và HS khối THCS đã hình thành nhiều đôi bạn, nhóm bạn nói tiếng Anh thường xuyên; các trường đã tổ chức được giờ học ngoại ngữ kết nối trực tuyến với các lớp học của các trường trên thế giới.

Theo đó, các trường đã tổ chức 1.584 buổi với 262 chuyên đề; 365 tiết học trực tuyến với trên 6.400 HS tham gia, có 6.312 cặp HS nói tiếng Anh. Nội dung tổ chức gồm các hoạt động: Giao tiếp với người nước ngoài, sân khấu hóa, hùng biện, thuyết trình, nói theo nhóm, theo cặp, theo chủ đề, chủ điểm, tổ chức đôi bạn, nhóm bạn cùng tiến, tổ chức thi các đôi bạn, nhóm bạn, nhóm gia đình… Bước đầu HS đã hình thành được kỹ năng giao tiếp với HS quốc tế đạt kết quả tốt.

Theo bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành GD Hà Nội, lao động trong ngành GD mang tính đặc thù. Vận động, đổi mới và sáng tạo là trách nhiệm mà mỗi nhà giáo trong ngành phải gánh vác ở thời điểm không thể trễ hơn.

Bà Hà đặt vấn đề: Đổi mới, sáng tạo ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Đó là những câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta. Theo đó cán bộ, giáo viên, nhân viên có trách nhiệm nhìn lại quá trình làm việc của mình, để từ đó có cách thay đổi, tìm ra cách làm mới hơn và hay hơn, hướng tới hiệu quả hơn. Qua đó cải thiện chính công việc của mình theo một chu trình mới, ở một thời điểm mới.

“Thay đổi từ những công việc nhỏ là điều không khó. Nhiều thay đổi nhỏ tạo nên sự đổi mới lớn. Sáng tạo bắt nguồn từ lao động, hãy bắt đầu bằng lao động nghiêm túc, say mê để những sáng tạo được khơi mở và khai phóng. Từ những phòng học đơn sơ đến những phòng học hiện đại, từ việc làm đơn giản đến những nghiên cứu khoa học, tất cả đều cần đến sáng tạo để làm tốt hơn, ý nghĩa hơn cho mỗi công việc của mình” – bà Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ