Những nhà giáo xuất sắc của Thủ đô

GD&TĐ - Trong những năm qua, các thế hệ nhà giáo không ngừng phát huy những truyền thống tốt đẹp, ra sức phấn đấu làm nên những thành tựu của GD-ĐT Thủ đô với bước phát triển mới toàn diện rất đáng ghi nhận. Mỗi ngành học, cấp học, mỗi đơn vị đều thể hiện sự nỗ lực của mình, từng bước khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả toàn diện.  

Các nhà giáo Hà Nội tiêu biểu được khen thưởng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
Các nhà giáo Hà Nội tiêu biểu được khen thưởng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Giúp học sinh tự tin khẳng định mình

Cô Nguyễn Thị Thu Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) luôn dành thời gian quan tâm đến hoạt động đổi mới sáng tạo của học sinh, tổ chức nhiều mô hình sáng tạo như: “Em yêu môi trường Thủ đô”, “Em là nhà khoa học nhí”, “Ngày hội nhà bác học tương lai”, “Sáng tạo sử dụng đồ tái chế”...

Ngoài ra, cô Hảo là người luôn tạo mọi điều kiện, khích lệ giáo viên và học sinh tham gia Hội thi sáng tạo Thanh thiếu niên cấp thành phố, cấp quốc gia, sát cánh, định hướng để học sinh, giáo viên tích cực tham gia sáng tạo và đầu tư các nguồn lực giúp học sinh tự tin khẳng định mình.

Nhờ những tâm huyết của cô, học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã vinh dự đoạt nhiều giải thưởng cấp thành phố, cấp quốc gia, tiêu biểu là sản phẩm “Ba lô siêu nhân giải cứu thế giới”. Ngoài ra, nhà trường được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bản thân cô cũng được nhận giải thưởng Nhà giáo tâm huyết sáng tạo năm 2018.

Cô Lê Thị Hiền - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ
  • Cô Lê Thị Hiền - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ

Còn cô Hồ Thị Hường - giáo viên Trường Tiểu học Đông Ngạc A đoạt giải thưởng Nhà giáo tâm huyết sáng tạo bởi những sáng kiến áp dụng trong nghề của mình. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng cô luôn nỗ lực, hoàn thành tốt công việc của nhà trường, truyền nhiệt huyết, lòng đam mê, sáng tạo, tinh thần vượt khó tới đồng nghiệp và học sinh.

Cô Hường là người tổ chức Ngày hội tiếng Anh, Toàn trường nói tiếng Anh, Kết nối điểm cầu quốc tế, huy động nguồn lực hỗ trợ từ các công ty và trung tâm ngoại ngữ. Cô cũng là người thiết kế phần mềm cho học sinh, tạo điều kiện cho các em có thể ôn luyện tiếng Anh trên điện thoại bất cứ nơi nào.

Đề ra nhiều giải pháp hay, hiệu quả cao

Ở cấp THCS, thầy Nguyễn Trọng Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) đã cùng Ban giám hiệu đề ra nhiều giải pháp hay, mang lại hiệu quả cao, thiết thực trong công tác giáo dục của nhà trường.

Nhà trường đã chủ động đổi mới hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy, nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, xây dựng mô hình sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh kết hợp với giáo dục truyền thống cách mạng và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Không chỉ đảm nhận vai trò quản lý nhà trường, là một giáo viên cốt cán bộ môn Toán của huyện Mỹ Đức, thầy Tuân liên tục tham gia bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Kết quả, thầy đã giúp nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia.

Cô Nguyễn Thị Thu Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám
  • Cô Nguyễn Thị Thu Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám

Cùng với sự cố gắng không ngừng về công tác chuyên môn, thầy luôn chăm lo đến các em học sinh, đặc biệt đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Nhiều năm, thầy Tuân dạy học miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, dạy phụ đạo học sinh giỏi các đội tuyển, ôn thi vào lớp 10 THPT.

Tấm lòng nhân ái, hết lòng vì học sinh của thầy đã lan tỏa sâu rộng. Đến nay, nhiều giáo viên trong nhà trường đã và đang tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các đội tuyển học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu vào các ngày nghỉ và ngoài giờ học chính khóa.

Cô Ngô Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Phù Linh (huyện Sóc Sơn) đã xây dựng một tập thể đoàn kết, diện mạo nhà trường và ý thức của từng thành viên thay đổi theo hướng tích cực. Với trách nhiệm và sự tận tâm của mình, cô đã vận động cha mẹ học sinh ngày càng quan tâm hơn đến công tác giáo dục, huy động được các nguồn lực của địa phương đầu tư cho giáo dục.

Vị thế của nhà trường cũng từ đó được nâng lên. Bản thân cô cũng được lãnh đạo địa phương, phụ huynh học sinh và nhân dân tin tưởng. Với những cố gắng trong suốt 5 năm phấn đấu, đặc biệt là những gì làm được cho Trường THCS Phù Linh, cô được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Cô Hồ Thị Hường - giáo viên Trường Tiểu học Đông Ngạc A
  • Cô Hồ Thị Hường - giáo viên Trường Tiểu học Đông Ngạc A

Trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp

Ở cấp THPT, nhiều thầy cô là những tấm gương vượt khó vươn lên trong giảng dạy, đạt những thành tích đáng ghi nhận. Đó là thầy Đặng Hùng Dũng - Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Phúc Thọ với nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, có 7 bài báo được đăng trên Tạp chí Giáo dục.

Nhiều học sinh của thầy Dũng đoạt giải thành phố, nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi quốc gia và được xét tuyển vào đại học. Ở Trường THPT Phúc Thọ, học sinh nào cũng muốn được vào lớp của thầy chủ nhiệm bởi có tới 94% học sinh lớp thầy đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, cô Lê Thị Hiền được phân công phụ trách đội tuyển học sinh giỏi thành phố, quốc gia, quốc tế và đội tuyển Olympic Tiếng Nga. Cô đã gặt hái nhiều thành công với nhiệm vụ khó khăn này.

Trong những năm qua, với sự dìu dắt tận tâm của cô, đã có 83 học sinh đoạt giải thành phố, 22 em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, 22 học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi Olympic Tiếng Nga và nhận học bổng du học Nga, 2 học sinh đoạt HCV Olympic Tiếng Nga quốc tế.

Sự lao động tận tụy trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý cho từng giờ học tốt, cho mỗi bước trưởng thành của học sinh, trong việc xây dựng nhà trường, trong các hoạt động xã hội đã làm nên những thành tích mới của ngành GD-ĐT Thủ đô.

Các nhà giáo Hà Nội tiêu biểu được khen thưởng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ