Những tiết dạy Lịch sử sinh động

GD-TĐ - Những GV dạy Sử chúng tôi gặp ở Đà Nẵng đều cho rằng, để HS có cảm giác nặng nề, khô khan và không thích học môn Lịch sử thì lỗi nằm ở phương pháp giảng dạy của chính GV.

HS phổ thông mang kiến thức Lịch sử thông qua các tiết học tích hợp và tìm hiểu về lịch sử thông qua bảo tàng
HS phổ thông mang kiến thức Lịch sử thông qua các tiết học tích hợp và tìm hiểu về lịch sử thông qua bảo tàng
Mỗi bài học là một câu chuyện lịch sử
Với kinh nghiệm 25 năm giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh (Trường THCS Trần Quý Cáp - quận Cẩm Lệ) cho rằng: “Bản thân mình còn thích nghe những câu chuyện kể thì HS cũng có tâm lý như vậy thôi. 
GV phải xâu chuỗi sao cho mỗi bài học là một câu chuyện lịch sử. Nhưng để câu chuyện đó đọng lại trong mỗi học trò thì GV cũng phải biết tạo điểm nhấn ở những tình huống lịch sử. 
Có làm được như vậy, thì HS mới có thể nắm được cả tiến trình lịch sử, chỉ cần nhắc tới ông vua của triều đại này, các em có thể nghĩ đến triều đại sau đó”.
Nói thì đơn giản, nhưng để giờ học môn Lịch sử không nhàm chán, đơn điệu hay quá nặng nề, khô khan đối với HS, cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh đã phải linh hoạt trong áp dụng các phương pháp giảng dạy. Như phần dạy về thành Cổ Loa, cô Minh thừa nhận: 
“Mấy chục năm đi dạy, mình chưa bao giờ thành công với bài học này, cho dù đã sử dụng nhiều cách thức truyền tải khác nhau. Học sinh rất khó hình dung được cấu trúc của thành Cổ Loa. 
Trăn trở thật nhiều, nhưng thú thật là mình chưa nghĩ ra cách khắc phục. Rồi một lần đi tìm HS ở quán game, thấy HS chơi game online thành Cổ Loa rất hăng say. Thế là ấp ủ làm sao để có thể ứng dụng từ phần mềm của game đưa vào bài học”. 
Kể thì ngắn gọn như thế, nhưng để hoàn thiện đề tài Ứng dụng CNTT để dạy Lịch sử cho bài học Chiến thắng thành Cổ Loa (Lịch sử lớp 6), cô Minh mất hơn một năm trời vừa tự học sử dụng phần mềm, vừa đi thực tế tại thành Cổ Loa ở Hà Nội, vừa nhờ các chuyên gia CNTT hướng dẫn cách cắt cúp một số đoạn từ game online…
 Nhờ vậy, HS rất dễ dàng để hình dung được thành Cổ Loa được xây dựng như thế nào, từ chân thành, tường thành, cấu trúc thành nội, thành trung, thành ngoại, hệ thống hào, cách di chuyển quân… 
Sự hứng thú, yêu thích của HS đối với giờ học Sử trong nhiều năm học qua, đối với cô Minh, còn giá trị hơn cả giải Nhì ở Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI. 
Mới đây, cô Minh còn khai thác phim hoạt hình để giảng dạy bài Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên sông Bạch Đằng. Mượn công cụ phần mềm tạo địa hình sông nước từ game, cô Minh xây dựng thành trận đánh trên sông Bạch Đằng. Riêng phần đóng cọc và tạo chế độ thủy triều lên xuống, mất một tháng mày mò, học hỏi, cô Minh mới hoàn chỉnh được.
Cô giáo Nguyễn Thị Dậu (Trường THCS Lương Thế Vinh - quận Liên Chiểu) tâm sự rằng: “Đúng là lúc đầu, phần đông HS không mặn mà mấy với môn Lịch sử. Nhưng để HS yêu thích môn học thì tự bản thân GV phải  cố gắng đầu tư thôi”. 
Trước khi chuyển về Trường THCS chất lượng cao Lương Thế Vinh, cô Dậu đảm nhận dạy bộ môn Lịch sử tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình. 
Giờ học Lịch sử của cô Dậu luôn khiến HS thích thú bởi cô thường lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử hay ca dao, tục ngữ, hò vè, tổ chức trò chơi ô chữ để củng cố kiến thức, ứng dụng CNTT với các đoạn phim tư liệu, khai thác tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ. 
Số lượng HS xin đăng ký vào đội tuyển HS giỏi dự thi môn Lịch sử của Trường THCS Nguyễn Thái Bình vì vậy thường là dôi dư so với yêu cầu. Năm nào, Trường THCS Nguyễn Thái Bình cũng thuộc tốp dẫn đầu về cả số lượng lẫn chất lượng giải ở kỳ thi HS giỏi cấp thành phố ở môn Lịch sử. 
Theo cô giáo Nguyễn Thị Dậu, với thời lượng môn học và dung lượng kiến thức phải truyền tải như hiện nay, GV cần phải xác định được trọng tâm của mỗi bài, chắt lọc sự kiện để HS dễ dàng nắm bắt được. 
GV cũng phải hướng dẫn cho HS phương pháp học bộ môn bởi có hiểu được bài, dễ học… thì HS mới có hứng thú và động cơ học tập tốt. 
Một khi HS hào hứng hơn với môn học, thì GV mới có thể có những yêu cầu cao hơn như xâu chuỗi lại những sự kiện, các giai đoạn để nắm cả tiến trình lịch sử hoặc đưa ra vấn đề cho HS tìm tài liệu, thảo luận…
Đốt lên một que diêm
Trường THCS Trần Quý Cáp đầu tư hẳn một phòng bộ môn cho môn Lịch sử, trang bị cả máy chiếu… phục vụ cho việc dạy - học một cách sinh động và lôi cuốn. 
Cô Minh cho biết: “Chỉ cần nhìn lên tường, các em có thể biết được chiều dài lịch sử của đất nước”. Ngoài Góc em yêu lịch sử được cô - trò thực hiện theo chủ đề như tranh ảnh về biển đảo quê hương, chiến thắng lịch sử 30/4…., còn có cả bộ sưu tập tem, các đồng tiền xu, tiền giấy, đồ phục chế hiện vật cổ… 
Đây đều là những hiện vật cô Minh cất công sưu tầm từ rất lâu, giờ được sử dụng để minh họa trong rất nhiều bài học. Chăm chút cho phòng học bộ môn Lịch sử, xem nó như ngôi nhà thứ hai của mình, cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh còn “thiết kế” cả một phòng nhỏ dùng làm phòng đọc cho HS, tủ sách Lịch sử cứ thế dày lên theo từng năm học. 
Tình yêu với bộ môn Lịch sử từ cô giáo Minh đã truyền qua cho nhiều thế hệ học trò, để rồi nhiều HS của cô Minh đã chọn cách gắn bó với môn học này, trở thành nghề, thành nghiệp. Mới đây nhất, em Nhật Lệ, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đã vinh dự được cử đi thi Olympic Lịch sử thế giới.
Cô giáo Minh và cô giáo Dậu đều cho rằng, trong dạy học, ngôn ngữ, cảm xúc của người thầy hết sức quan trọng. GV, nhất là GV dạy môn Lịch sử, phải đặc biệt chú ý trau dồi và sử dụng lợi thế này. 
Nếu GV dạy với bầu nhiệt huyết, truyền đạt những nội dung mới mẻ, đem lại nhiều thông tin và cảm xúc thì học sinh cũng cảm nhận và lây lan cái không khí hào hứng mà thầy giáo đem lại, nhờ vậy tiếp thu bài có hiệu quả. Vậy nên, để tổ chức giờ dạy hiệu quả, GV cần phải dạy có khí thế bằng cả tâm huyết của mình mới “truyền lửa” cho HS.
HS phổ thông mang kiến thức Lịch sử thông qua các tiết học tích hợp và tìm hiểu về lịch sử thông qua bảo tàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.