Những suất học bổng thấm đẫm tình người

GD&TĐ - Ngoài tiếp sức ban đầu, những suất học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn mang một ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần.

Sinh viên Đại học Đà Nẵng nhận học bổng Nuôi dưỡng ước mơ do ông Nguyễn Thành Lân tài trợ.
Sinh viên Đại học Đà Nẵng nhận học bổng Nuôi dưỡng ước mơ do ông Nguyễn Thành Lân tài trợ.

Sự chung tay của cộng đồng tiếp sức cho nhiều học trò nghèo, giúp con đường học vấn của các em bớt chông chênh, thắp lên niềm tin yêu rằng cuộc sống vốn công bằng và vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.

Học cái chữ cho bớt nghèo!

Cầm 5 triệu đồng, Zơ Râm Nhê tạm biệt mẹ và 2 em nhỏ ở thôn Đác Ngol (xã Laêê, huyện Nam Giang, Quảng Nam) xuống Đà Nẵng nhập học. Đây là khoản tiền Râm Nhê dành dụm từ phần thưởng dành cho học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. “Thiếu thốn, chật vật đến mấy, em cũng không dám rút ra tiêu, phải để dành lo chi phí sinh hoạt và đóng tiền học ban đầu”, Nhê kể.

Zơ Râm Nhê là con thứ 5 trong gia đình có 7 người con. Năm Nhê học lớp 7 thì bố em qua đời. Ba chị gái lớn của Nhê lấy chồng sớm, con nhỏ, kinh tế khó khăn nên không thể phụ giúp gì cho đàn em nhỏ và mẹ. Mẹ Nhê không biết tiếng Kinh, lại đau ốm nên gần như cả nhà chỉ trông chờ vào nguồn thu từ mảnh ruộng bậc thang mỗi năm chỉ canh tác được một mùa. Thức ăn chủ yếu của gia đình Nhê là rau củ mẹ em kiếm được trên nương.

Khó khăn, thiếu thốn vây bủa khi chị gái kế Nhê cũng đang học đại học. Sức khỏe mẹ ngày càng yếu đi với đủ thứ bệnh tật hành hạ. Đã nhiều lần em định bỏ học để phụ mẹ nuôi hai em nhỏ. Bà A Lăng Vưới lại khóc dỗ dành con: “Nhà mình nghèo lắm rồi, con mà bỏ học sớm nữa rồi cũng cực như đời mẹ. Học cái chữ, kiếm cái nghề thì không phải vào rừng kiếm ăn, sẽ bớt nghèo, bớt khổ”.

Những lời động viên của mẹ cũng là động lực để Nhê quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh. Nhê trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng với điểm thi 50,9/60 điểm. Hành trang xuống phố của Nhê rất ít sự háo hức mà nặng trĩu nỗi lo về bệnh tật của mẹ, về cơm ăn áo mặc, tiền học cho chặng đường phía trước.

Nguyễn Thị Nữ, tân sinh viên Khoa Sư phạm Mầm non, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng kể rằng, để bước vào cánh cổng trường đại học, em được sự giúp đỡ, sẻ chia của rất nhiều thầy cô, bạn bè. Nữ mồ côi mẹ khi đang học lớp 3. Lên đến lớp 7 thì ba em qua đời do tai nạn giao thông. Em lớn lên trong sự yêu thương, chăm bẵm của bà ngoại dù thiếu thốn trăm bề. Để cháu được đến trường, bà ngoại nhặt nhạnh từng mớ rau, hạt lúa.

Cô sinh viên á khoa đầu vào của ngành Sư phạm Mầm non tâm sự: “Anh trai em đã lập gia đình, công việc cũng không ổn định nên em xác định mình phải tự lập trong cả 4 năm đại học. Sẽ rất khó khăn khi phải vừa học tập vừa tìm việc làm để nuôi sống bản thân, nhưng em tin rằng mình sẽ chạm được vào ước mơ”.

Zơ Râm Nhê và Nguyễn Thị Nữ là hai trong số 100 tân sinh viên của Quảng Nam – Quảng Ngãi được nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Nữ không giấu được xúc động: “Với suất học bổng 15 triệu đồng và một phần quà đặc biệt là chiếc máy tính xách tay, em thấy mình thật may mắn. Học bổng này đã mang đến cho em sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, để em thấy rằng cứ cố gắng, nỗ lực hết mình thì sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp”.

Zơ Râm Nhê xúc động kể rằng, mình sẽ nhớ mãi lời dặn dò của các bác trong buổi trao học bổng, rằng đừng bao giờ tủi thân. Hãy luôn nghĩ phía trước mình là chân trời sáng, nhiều hy vọng và luôn phấn đấu học tập để có được kết quả tốt nhất.

Em Nguyễn Thị Nữ nghẹn ngào giấu khi kể lại tuổi thơ thiếu vắng cả cha lẫn mẹ của mình.

Em Nguyễn Thị Nữ nghẹn ngào giấu khi kể lại tuổi thơ thiếu vắng cả cha lẫn mẹ của mình.

Trao cơ hội đổi đời

Đoàn Minh Thắng, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên khi nhận được suất học bổng 5 triệu đồng do Mặt trận Tổ quốc quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) trao. Ba Thắng là tài xế xe tải, mẹ làm tạp vụ. Kinh tế gia đình em dù không quá khá giả nhưng cũng đủ lo cho Thắng học đại học. Nhưng rồi dịch bệnh ập đến, Đà Nẵng liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt dịch. Ba Thắng thất nghiệp suốt 2 năm liền, công việc của mẹ em thường xuyên bị gián đoạn. Học phí của Thắng trở thành một khoản chi quá lớn của gia đình.

“Đúng lúc đó thì em được các bác trong tổ dân phố hướng dẫn làm đơn xin học bổng của Mặt trận. Mức học bổng 5 triệu đồng có thể không nhiều so với người khác nhưng với em nó rất có ý nghĩa. Em nghĩ về mọi thứ tích cực hơn, không còn bế tắc, chán nản nữa. Càng mừng hơn khi em được hỗ trợ học bổng này trong khi em còn là sinh viên, cho đến khi nào gia đình em thoát khỏi hộ nghèo”, Thắng bộc bạch.

Sinh viên Trần Thị Minh Ngọc, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có lẽ là người đạt mức học bổng cao nhất của quỹ học bổng Nuôi dưỡng ước mơ. Với thành tích học tập loại xuất sắc, Ngọc được trao 70 triệu đồng. “Nuôi dưỡng ước mơ” là học bổng dài hạn có giá trị cao của Hội Khuyến học TP Đà Nẵng nhằm giúp sinh viên nghèo hiếu học có điều kiện học hết bậc đại học.

Ông Nguyễn Thành Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kreves Halla Land, một trong những nhà tài trợ nuôi dưỡng học bổng Nuôi dưỡng ước mơ đã thống nhất với Hội Khuyến học thành phố có 3 mức hỗ trợ. Những sinh viên có học lực xuất sắc của năm trước thì năm sau nhận học bổng 70 triệu đồng/năm, học lực giỏi: 40 triệu đồng và học lực khá 20 triệu đồng. Nếu không giữ được học lực khá thì sẽ chọn sinh viên khác thay thế.

Minh Ngọc kể rằng, bố em qua đời từ năm 2013 sau một thời gian dài điều trị bệnh. Mẹ em bị bệnh mãn tính, đi lại rất khó khăn. Cuộc sống của 3 mẹ con hết sức chật vật. Nhờ có học bổng Nuôi dưỡng ước mơ, em mới có điều kiện để tiếp tục học đại học. Khoản tiền 70 triệu đồng là quá lớn đối với hoàn cảnh của gia đình Ngọc.

Hơn cả giá trị về vật chất, những suất học bổng hỗ trợ học sinh nghèo còn nhen lên trong các em niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở đời để vững vàng đi tiếp trong cuộc hành trình chữ nghĩa.

Để xứng đáng với sự hỗ trợ mà mình đã được nhận, em luôn nỗ lực để duy trì thành tích học tập, tích lũy kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Điều này cũng sẽ giúp em có bước khởi đầu tốt cho nghề nghiệp sau này, để có thể nuôi sống bản thân và làm được điều gì đó có ích giúp cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như em. - Sinh viên Trần Thị Ngọc Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.