Không ngừng vượt khó, sáng tạo
Thầy Lê Thanh Liêm - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (Hậu Giang) là một trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu đi đầu trong nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo ra nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ công tác giảng dạy. Tính đến thời điểm này, thầy Liêm đã cho ra đời hơn 10 mô hình, sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn rất cao.
Có thể kể đến mô hình “Câu lạc bộ Khoa học - Kỹ thuật” nhằm kết nối học sinh các dân tộc đang theo học tại trường cũng như trong huyện và tỉnh Hậu Giang để truyền cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Với đề tài này, thầy Liêm nhận Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri, giải thưởng quốc tế uy tín dành cho ngành Giáo dục.
Năm 2020, thầy Liêm triển khai nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý” nhằm giúp các giáo viên tự ứng dụng công nghệ tạo ra những bộ đồ dùng phù hợp với môn học, từng vùng miền khác nhau. Công trình này thể hiện xu hướng mở trong thiết kế đồ dùng học tập, tạo môi trường, cảm hứng cho giáo viên và học sinh.
Năm 2021, thầy tiếp tục ra mắt công trình “Tích hợp công nghệ vào cải tiến đồ dùng dành cho học tập cấp THCS theo định hướng đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018” nhằm tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận với khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đồ dùng; giúp học sinh tiếp nhận các kết quả thí nghiệm trực quan và chính xác hơn.
Tại Phú Yên, thầy Võ Phú Xuân - giáo viên Trường THPT Lê Lợi - được biết đến là cây sáng kiến với nhiều sáng chế hữu ích. Đến nay, thầy đã có 8 đề tài nghiên cứu khoa học được các cấp công nhận và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy.
Với sáng kiến “Giúp học sinh tiếp cận chuẩn Tin học văn phòng thế giới”, thầy Xuân đã giúp nhiều học sinh huyện miền núi Phú Yên đoạt giải cao tại cuộc thi này. Còn với sáng kiến “Bồi dưỡng học sinh giỏi Tin trên giao diện phần mềm Code::Blocks”, nhiều học sinh giỏi Tin học của tỉnh được bồi dưỡng hiệu quả, đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Bên cạnh đó, thầy còn đam mê chế tạo thiết bị ứng dụng khoa học vào đời sống, hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: Máy tuốt lạc mini; Kìm trợ lực nhổ sắn; Dụng cụ hỗ trợ lột vỏ dừa khô KCL; Thiết bị hút rác và cứu hộ trên mặt nước; Xe lăn điện thông minh; Xe phun thuốc “Spider superman robot”...
Năm 2022, thầy Xuân dự định nghiên cứu tiếp đề tài “Sử dụng ngôn ngữ lập trình viết chương trình điều khiển bo mạch Arduino ứng dụng thực tiễn” để hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động, góp phần vào nâng cao chất lượng hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học.
Đóng góp hơn 4.000 sáng kiến
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết: Thực hiện Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai chương trình với những nội dung và giải pháp cụ thể.
Theo đó, công đoàn giáo dục các cấp sẽ tuyên truyền, vận động đoàn viên, cán bộ, nhà giáo, người lao động phát huy tinh thần thi đua yêu nước đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chiến thắng đại dịch, phục hồi kinh tế - xã hội.
Chương trình được triển khai đến nhà giáo, người lao động trong toàn ngành với các chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu có ít nhất 10% đoàn viên, cán bộ công đoàn, nhà giáo, người lao động trong ngành có sáng kiến tham gia chương trình. Trong đó khối Công đoàn Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn các đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và đơn vị trực thuộc có từ 4.000 sáng kiến trở lên.
Công đoàn ngành Giáo dục Cao Bằng đã phát động chương trình tới toàn thể cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các đơn vị trực thuộc.
Theo bà Lò Thị Phương Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Cao Bằng, chương trình đã triển khai rộng rãi trong ngành, được các đơn vị, trường học coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm khích lệ cán bộ, nhà giáo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, giảng dạy và học tập.
Hưởng ứng chương trình, Công đoàn ngành Giáo dục Đồng Tháp đã tổ chức họp hướng dẫn công đoàn cơ sở trực thuộc các bước nộp sáng kiến sao cho dễ thực hiện, đạt hiệu quả cao. Việc tuyên truyền, vận động cán bộ nhà giáo hưởng ứng chương trình cũng được đẩy mạnh.
Ông Phạm Võ Đức Trung - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Đồng Tháp - cho hay: Để hoàn thành mục tiêu của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp có 2.000 sáng kiến hiệu quả được cập nhật ở giai đoạn 1, Công đoàn ngành Giáo dục đã tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên công đoàn cập nhật sáng kiến lên chương trình. Đến thời điểm này đã có 110 sáng kiến được cập nhật thành công.