Lấy học trò làm trung tâm
Với sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) độc đáo, mang giá trị thực tiễn cao, cô Nguyễn Lệ Quyên rất vinh dự là một trong 30 giáo viên, nhà quản lý giáo dục có SKKN được xếp loại cấp tỉnh năm 2021.
Cô Quyên là giáo viên (GV) môn Sinh học của Trường THPT Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa). SKKN làm nên “thương hiệu” của nữ GV xứ Thanh là “Dạy học gắn liền với sản xuất kinh doanh: Ứng dụng kiến thức vi sinh vật lên men tạo rượu vang nho, nem chua và các sản phẩm khác”.
Với phương châm dạy học gắn liền với thực tiễn, đặc biệt từ những kiến thức đã được truyền dạy, học sinh (HS) có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Vì vậy, cô Quyên đã định hướng cho học trò vận dụng kiến thức vi sinh vật để làm nem chua, rượu vang nho, sữa chua…
“Việc truyền đạt kiến thức rồi HS trả bài lại chính kiến thức đó, tôi nghĩ rằng điều đó không còn nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, cách dạy này không tạo được hứng thú, say mê của các em.
Khi định hướng cho HS vận dụng kiến thức đã học để làm ra các sản phẩm không chỉ giúp các em nâng cao kiến thức, mà còn có sự trải nghiệm, trau dồi các kỹ năng quan trọng như: Làm việc nhóm, tìm hiểu tài liệu, làm video, thuyết trình… Đặc biệt là giúp các em hình thành tư duy kinh doanh”, cô Quyên chia sẻ.
Ngoài vận dụng kiến thức vi sinh vật làm rượu vang nho, nem chua… cô Quyên còn truyền “lửa” say mê cho học trò tiếp tục thực hành cách làm kẹo mạch nha từ mầm lúa và tinh bột.
Không chỉ chú trọng dạy học gắn liền với thực tiễn, nữ nhà giáo còn luôn lấy học trò làm trung tâm. Để mang đến cho các em tiết học sinh động và hấp dẫn, cô Quyên đã tự bỏ kinh phí tham gia lớp học về nội dung dạy học tích cực từ 5 năm trước.
“Khi dạy học, điều quan trọng là phải tạo sự say mê, hứng khởi cho học trò chứ không chỉ đơn thuần là truyền giảng kiến thức. Cũng vì vậy, tôi luôn dành nhiều thời gian để nghiên cứu các dự án, sản phẩm để giúp học trò phát huy hết khả năng.
Chẳng hạn, cho HS đóng kịch truyền tải thông điệp về thế giới sống. Hoặc, thông qua các hình thức khác nhau như làm thơ, hát… Cũng bởi vậy, trong giờ học GV thường không nói quá nhiều.
Sau khi HS thực hành, GV sẽ kiểm tra và chốt kiến thức. Cách làm này, HS vừa dễ dàng ghi nhớ kiến thức nhưng không tạo áp lực nặng nề cho các em”, cô Quyên nói.
Không chỉ là GV cốt cán ở bộ môn Sinh học của trường, cô giáo Nguyễn Lệ Quyên còn được biết đến là một nhà giáo tận tâm, hết lòng vì học trò thân yêu. Một trong những học trò từng để lại nhiều ấn tượng cho nữ GV là em Lê Việt Hoàng (khóa học 2017-2020).
Năm 2020, nam sinh xứ Thanh từng gây chú ý khi nhiều cơ quan thông tấn báo chí đưa tin suýt lỡ giấc mơ vào trường quân đội dù thừa điểm.
Nguyên nhân là do em đã điều chỉnh nguyện vọng từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 sang Học viện Kỹ thuật Quân sự, trong khi đây là 2 nhóm trường không thể điều chỉnh nguyện vọng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, sau đó cậu học trò nghèo vượt khó của nữ nhà giáo đã được Trường Sĩ quan Lục quân 1 gửi thông báo nhập học theo nguyện vọng ban đầu.
Tạo đam mê, hứng khởi cho học trò
Trong số những SKKN được xếp loại cấp tỉnh mà UBND tỉnh Thanh Hóa công bố mới đây còn có SKKN của cô Lê Thị Ngân, GV môn Lịch sử, Trường THPT Triệu Sơn 4 (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Mặc dù, đã 6 năm liên tiếp có SKKN được đánh giá, xếp loại song nữ GV Trường THPT Triệu Sơn 4 vẫn không khỏi vui mừng, hạnh phúc khi SKKN lần này vinh dự được xếp loại cấp tỉnh.
Xuất phát từ bài giảng khi tham gia thi GV giỏi cấp tỉnh năm 2017, cô Ngân đã xây dựng và phát triển thành đề tài SKKN với tên gọi: “Vận dụng kiến thức môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, âm nhạc, hội họa để dạy bài 7: Những thành tựu văn hóa thời cận đại (Lịch sử 11 cơ bản) góp phần nâng cao hiệu quả giờ dạy”.
Theo cô Ngân, điểm độc đáo của SKKN này là sự tích hợp đồng thời kiến thức ở nhiều bộ môn từ Ngữ văn, Giáo dục Công dân cho đến âm nhạc, hội họa. Tất cả được lồng ghép khéo léo, tinh tế để tạo nên tiết học Lịch sử đầy hấp dẫn, lôi cuốn học trò.
“Nói đến Lịch sử nhiều khi chưa học, chưa đọc nhưng nhiều HS vẫn bị ám ảnh bởi những số liệu khô khan hay cách truyền đạt theo lối mòn truyền thống dễ gây nhàm chán.
Vì vậy, khi chuyển sang phương pháp tích hợp các môn liên quan một cách phù hợp, HS rất hứng thú. Các em cũng phát huy được tính chủ động và thúc đẩy khả năng tư duy, tìm tòi kiến thức”, cô Ngân chia sẻ.
Để đánh giá hiệu quả của SKKN, nữ GV còn sử dụng phiếu thăm dò về độ hứng thú học tập của HS trước và sau khi vận dụng SKKN này vào dạy và học ở một số trường THPT trong tỉnh. Kết quả, mức độ hài lòng của HS đối với giờ học môn Lịch sử ngày càng tăng lên.
Đánh giá về vai trò của SKKN trong dạy và học, nữ GV xứ Thanh bộc bạch: “SKKN mang tính chất đối phó thì khả năng áp dụng vào thực tiễn không cao.
Để có SKKN hiệu quả, ngoài việc đưa ra những giải pháp phù hợp còn phải tính toán đến tính khả thi của đề tài chứ không phải lựa chọn đề tài nghe thế nào cho hay. Bởi vì như vậy, giá trị vận dụng vào thực tiễn không cao”.
Những đổi mới trong phương pháp giảng dạy môn Lịch sử của GV Trường THPT Triệu Sơn 4 đã bước đầu mang lại kết quả vô cùng ấn tượng. Điều đó được thể hiện rõ ở kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm của nhà trường.
Theo cô Ngân, những năm qua kết quả thi môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT không ngừng được cải thiện qua từng năm. Cụ thể, năm học 2019-2020, điểm trung bình môn Lịch sử của trường đạt 6,16 điểm, xếp thứ 4 toàn tỉnh. Năm học 2020-2021, điểm trung bình của môn này tiếp tục tăng lên 6,94 điểm, xếp thứ 3 toàn tỉnh.
“Có được kết quả như vậy đó là sự nỗ lực, đồng lòng của tất cả GV bộ môn Sử của nhà trường. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là áp dụng phương pháp giảng dạy hợp lý, thực hiện đồng bộ nhất là với giáo dục đại trà”, cô Ngân nói.
Gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô giáo Lê Thị Ngân đã có 8 SKKN được đánh giá, xếp loại. Đặc biệt, liên tục từ năm 2006 đến nay trong vai trò bồi dưỡng HSG, nữ GV đã có trên 40 HS đoạt giải các môn văn hóa tại kỳ thi HSG cấp tỉnh.
“Trong công việc cũng như cuộc sống có thành công thì cũng có thất bại. Tuy nhiên, là nhà giáo tôi sẵn sàng chấp nhận khó khăn, đóng góp sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Thanh nói riêng và cho đất nước nói chung”, nữ GV bộc bạch.