Người thầy vùng đất Năm Căn với những sáng kiến “chống dịch tốt, dạy học hay”

GD&TĐ - Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hân, Trường THPT Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) là tấm gương sáng tạo, nỗ lực trong mọi hoàn cảnh, hoà mình cùng sự phát triển chung của đất nước.

Thầy Nguyễn Ngọc Hân (áo trắng trao quà) trong một chuyến từ thiện. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Ngọc Hân (áo trắng trao quà) trong một chuyến từ thiện. Ảnh: NVCC

Luôn hoà mình cùng hơi thở của thời cuộc

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giáo viên, thầy Hân cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Năm Căn, nơi có nền giáo dục phát triển nhanh, vững chắc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tuổi thơ của tôi không được sống trong điều kiện giáo dục phát triển như ngày nay, giáo dục địa phương phải nhờ sự chi viện của quý thầy cô giáo miền Bắc hoặc các tỉnh khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những vất vả của một thời học sinh phải học tập ở ngôi trường làng nhà tranh vách đất luôn tạo cho cậu học trò nghèo một động lực vươn lên để thay đổi bản thân và đóng góp cho ngành giáo dục địa phương.

“Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định chọn ngành sư phạm để làm định hướng nghề nghiệp cho tương lai của mình. Qua 16 năm công tác trong ngành giáo dục, động lực để giúp tôi vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm được giao là chính tình yêu quê hương, muốn góp phần vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ” – thầy Hân bộc bạch.

Thầy Hân kể: Khi cả nước cùng chung tay, góp sức phòng chống đại dịch Covid – 19. Đương nhiên những thầy, cô giáo chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc vì mỗi thầy cô giáo phải xứng đáng là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo.

“Trong mỗi suất ăn, chúng tôi có để vào 1 hình trái tim với thông điệp động viên tinh thần cho bà con yên tâm vượt qua đại dịch. Để bà con thấy được rằng, quê hương là nơi thắm tình yêu thương mỗi khi trở về. Tuy không vận động nhưng qua công việc đầy ý nghĩa bếp ăn đã nhận được sự hỗ trợ của một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện và cựu học sinh của trường với tổng kinh phí hoạt động bếp ăn gần 50 triệu đồng” – thầy Hân cho hay.

Ban đầu khi thấy cần phải đảm bảo an toàn cho lực lượng tuyến đầu trực ở các chốt kiểm soát giao thông, nhân viên y tế nên BCH Công đoàn đã tham mưu với Đảng ủy trường tiến hành làm các nón chống giọt bắn nhằm hạn chế sự lây nhiễm cho các lực lượng này vì chúng tôi nghỉ rằng khi lực lượng tuyến đầu này an toàn để thực hiện nhiệm vụ thì tất nhiên chúng tôi ở hậu phương cũng được an toàn, công tác dạy và học mới được đảm bảo. Tổng số nón chống giọt bắn chúng tôi đã thực hiện trên 2.500 nón.

Đến khi bà con Cà Mau nói chung và Năm Căn nói riêng trở về quê hương sau thời gian dài trụ lại Sài Gòn tránh dịch thì trường THPT Phan Ngọc Hiển trở thành một trong các khu cách ly tập trung của huyện.

Nhận thấy cần tiếp tục chung tay cùng địa phương chăm lo tốt nhất cho bà con yên tâm cách ly. Chúng tôi tiếp tục cùng nhau xây dựng và đưa vào hoạt động “Bếp ăn nghĩa tình”.

Với cương vị Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thầy Hân cùng các đồng nghiệp tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, vì cộng đồng.
Với cương vị Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thầy Hân cùng các đồng nghiệp tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. 

Bảng thành tích của nhà giáo Nguyễn Ngọc Hân:

- Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, năm học 2007 – 2008; năm học 2014 – 2015;

- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau năm học 2007 – 2008; 2008 – 2009.

- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2010”;

- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Cà Mau năm 2011; 2013;

- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015 – 2016; 2016 – 2017;

- Nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở’

- Giáo viên tiêu biểu của tỉnh Cà Mau năm 2021.

Linh hoạt thích ứng, tiên phong đổi mới phương pháp dạy học

Là thành viên trong tổ hỗ trợ kỹ thuật dạy học trực tuyến của nhà trường, thầy Hân đã xây dựng và triển khai giải pháp “Kết hợp Google Meet với K12 Online trong dạy học trực tuyến” áp dụng trong toàn trường. Từ đó giúp giáo viên khắc phục kịp thời các khó khăn trong thời gian đầu thực hiện dạy học trực tuyến tại trường THPT Phan Ngọc Hiển.

Chia sẻ thêm về những kỹ thuật hỗ trợ dạy học trực tuyến, thầy Hân cho hay: Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thầy và trò phải chuyển sang dạy và học trực tuyến. Là một trong các thành viên của tổ hỗ trợ kỹ thuật, tôi được lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên toàn trường trong quá trình dạy học trực tuyến. Do ngay từ đầu năm, phải áp dụng ngay việc dạy học online nên các nền tảng dùng để dạy học cũng phát sinh một số hạn chế nhất định.

Với yêu cầu là phải đảm bảo sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học, vừa phải thông qua nền tảng K12online để nhà trường kiểm tra. Mà K12 online giai đoạn đầu chỉ đáp ứng được yêu cầu thứ hai. Nên qua nghiên cứu các nền tảng khác thì giải pháp “Kết hợp Google Meet với K12 Online trong dạy học trực tuyến” đã ra đời. Sau khi trình lãnh đạo nhà trường thẩm định và được phép triển khai để toàn trường thực hiện. Từ đó đã góp phần giúp cho quá trình giảng dạy được hiệu quả hơn.

Thầy Hân (ngoài cùng bên phải), cùng các đồng nghiệp có học sinh giỏi vòng tỉnh.
Thầy Hân (ngoài cùng bên phải), cùng các đồng nghiệp có học sinh giỏi vòng tỉnh.

Theo thầy Hân, bí quyết để có những giờ học trực tuyến thành công trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường do Covid-19 là: Trước tiên, phải bám sát Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Cần thiết có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh đối với nội dung bài học; Bảo đảm các thiết bị cần thiết cho hoạt động dạy học trực tuyến trong đó cần chú trọng hai vấn đề là thiết bị dạy – học và hạ tầng mạng Internet; Tạo điều kiện về thời gian và không gian để học trực tuyến cho các em giống như các em đang tham gia học trực tiếp.

Thời lượng mỗi tiết học chỉ nên từ 25 đến 30 phút cho mỗi tiết học để đảm bảo sức khỏe cho các em. Nên đánh giá kết quả học tập một cách linh hoạt, có tính đến những khó khăn mà các em gặp phải khi tham gia học trực tuyến.

Chia sẻ về người đồng nghiệp giàu nhiệt huyết, thầy Phan Văn Việt. Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Ngọc Hiển cho biết: Thầy Hân là một giáo viên được trưởng thành và phát triển từ phong trào Đoàn thành niên trường học, hiện nay là chủ tịch Công đoàn trường, tham gia giảng dạy bộ môn Địa lý.
Trong quá trình công tác, thầy Hân cống hiến, xây dựng nhà trường ngày một phát triển, đặc biệt các nhiệm vụ được đảm nhiệm như phụ trách Bí thư Đoàn trường, chủ tịch Công đoàn trường và uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ. Ở vị trí công tác nào, thầy Hân cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ, tâm huyết với công việc được giao, đóng góp cho sự phát triển chung của nhà trường.
Trong thời gian phòng chống dịch và tổ chức dạy học trực tuyến, thầy Hân đã tích cực tham gia đóng góp sáng kiến để nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch và dạy học theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.