Những phần kiến thức cần lưu ý với môn Giáo dục công dân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Để ôn thi môn Giáo dục công dân hiệu quả, học sinh cần chú ý đến các phần kiến thức khó, cấu trúc ma trận đề thi trong quá trình luyện đề.

Cô Doãn Thanh Nhàn và học sinh lớp 12 Trường THPT Đống Đa, TP. Hà Nội.
Cô Doãn Thanh Nhàn và học sinh lớp 12 Trường THPT Đống Đa, TP. Hà Nội.

Dưới đây là những chia sẻ của cô Doãn Thanh Nhàn – giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Đống Đa, TP. Hà Nội.

Các phần kiến thức khó trong môn Giáo dục công dân

Những phần kiến thức khó của môn này thường tập trung những bài 1, 2, 4, 6, 7, 8. Theo đó, học sinh phải xác định được nội dung cơ bản của từng bài học, cần phân biệt được kiến thức trọng tâm ở mỗi bài là gì. Mỗi bài đề cập đến một nhóm quyền.

Ví dụ: Bài 6 là nhóm quyền tự do cơ bản (các quyền tự do cơ bản của công dân là những quyền thiết yếu nhất và không tách rời với mỗi cá nhân) gồm có 5 quyền và thường quyền thứ 5 là tự do ngôn luận. Đối với phần kiến thức này, học sinh hay bị nhầm sang quyền dân chủ của bài 7.

Bên cạnh đó, học sinh khi làm bài xác định được mục tiêu câu hỏi hướng đến là gì? Đọc kĩ các dấu hiệu nhận diện, từ khóa nhận biết để phân biệt sự giống và khác nhau giữa các quyền. Quá trình luyện đề cần phân tích, đánh dấu những nội dung trọng tâm.

Học sinh cũng cần lưu ý, không nên chỉ chú trọng đến phần kiến thức lớp 12 mà bỏ qua kiến thức lớp 11. Phần kiến thức lớp 11 tuy chỉ chiếm 1 điểm nhưng lại là những câu hỏi ở mức độ nhận biết hoặc thông hiểu nên dễ lấy điểm.

Cô Doãn Thanh Nhàn hướng dẫn cho học sinh trong tiết học.

Cô Doãn Thanh Nhàn hướng dẫn cho học sinh trong tiết học.

Ma trận đề thi của môn Giáo dục công dân

Ma trận đề thi của môn Giáo dục công dân thường bố trí các vùng kiến thức lớp 12 là chính. Chiếm 90% tổng số câu hỏi trong đề, phần kiến thức lớp 11 chiếm 10%.

Phần kiến thức lớp 12: Với cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT như đề thi minh họa thì số câu hỏi thường rơi vào các bài 2 (7 câu); bài 6 (7 câu); bài 7 (7 câu); bài 4 (4 câu); bài 8 (4 câu) các bài khác tỉ lệ câu hỏi ít hơn, các câu vận dụng cũng rơi vào các bài này là chính.

Phần kiến thức lớp 11: các câu hỏi nằm ở 5 bài (từ bài 1 đến bài 5).

Những chú ý trong ôn thi nước rút

Nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa vì đề chỉ hỏi các kiến thức cơ bản rồi từ đó mới xây dựng câu hỏi vận dụng giải quyết tình huống trong thực tiễn. Chăm luyện đề nhằm rèn luyện kĩ năng làm bài.

Các câu có số điểm bằng nhau nên luyện tính cẩn thận để không bị sai câu dễ, làm đâu chắc đó.

Câu dễ làm trước, câu khó làm sau, không nên làm lần lượt sẽ mất thời gian.

Tập trung thời gian nhiều hơn cho những bài trọng tâm có số câu hỏi nhiều trong đề thi.

Luyện kĩ năng làm các câu hỏi tình huống mà giáo viên đã hướng dẫn, từ cách phân tích đề, cách đọc câu hỏi, cách khoanh vùng nhận diện kiến thức từng bài…

Đặt mục tiêu điểm đạt được cho từng thời điểm.

Ví dụ: tháng 4 thi cuối kì điểm tối thiểu đạt được 8 điểm; tháng 5 nâng mức điểm tối thiểu cần đạt là 9; tháng 6 phải từ 9 trở lên, khi đặt mục tiêu như vậy mới đề ra quyết tâm học.

Giai đoạn nước rút cần phân bổ thời gian cho từng môn học hợp lí và thời gian nghỉ ngơi để lấy sức. Tránh thích học môn nào thì chỉ dành nhiều thời gian cho môn học đó.

Sau mỗi lần trả lời sai, giáo viên chỉ ra lỗi cần đánh dấu rút kinh nghiệm để không lặp lại lỗi đó khi làm bài.

Người tạo cảm hứng cho học sinh

Trong quá trình dẫn dắt học sinh ôn tập, người giáo viên đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, điều hướng, là kim chỉ nam cho học sinh, học đến đâu chắc đến đó.

Người thầy có vai trò tạo động lực, hứng thú cho người học, phát hiện và điều chỉnh cách học sao cho phù hợp với từng giai đoạn ôn tập; hỗ trợ kịp thời những khó khăn và gợi ý những giải pháp mà học sinh gặp phải khi ôn tập.

Lịch thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ