Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn theo đề tham khảo

GD&TĐ - Với môn Ngữ văn, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản. Trong quá trình làm bài cần phân bổ thời gian hợp lý, tránh trình bày lan man.

Cô giáo Hà Thị Khuyên trong giờ giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: LT.
Cô giáo Hà Thị Khuyên trong giờ giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: LT.

Nắm vững kiến thức cơ bản

Với đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm nay, cô Hà Thị Khuyên - giáo viên (GV) môn Văn, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) đánh giá: Đề thi tham khảo năm nay giữ ổn định về cấu trúc, mức độ khó cũng tương đương so với đề thi chính thức của những năm trước.

Nội dung đề thi tham khảo bám sát chương trình môn Ngữ văn THPT hiện hành, vừa sức với học sinh các vùng miền và cũng có tính phân loại. Với nội dung câu nghị luận xã hội, phần làm văn cũng đã rút ngắn khoảng cách giữa sách vở và thực tiễn, làm nổi bật sức sáng tạo của học sinh.

“Dù ôn tập theo phương pháp nào thì học sinh vẫn phải nắm vững kiến thức cơ bản, không chỉ nội dung đoạn văn, thơ mà còn phải nắm chắc kiến thức phân môn Tiếng Việt và làm văn. Từ đó, các em mới có kiến thức cũng như kỹ năng, phương pháp làm những câu Nhận biết, Thông hiểu”, cô Khuyên chia sẻ.

Theo cô Khuyên, ở đề thi tham khảo môn Văn năm nay, mức độ phân loại học sinh không chỉ nằm ở câu 5 điểm mà còn thể hiện ở câu Thông hiểu, Vận dụng của phần Đọc hiểu. Để làm được những câu này, các em phải đưa ra quan điểm, chính kiến hay cảm thụ một ý tứ nào đó trong văn bản và diễn đạt qua ngôn từ.

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô Khuyên thường phân loại theo năng lực học sinh để ôn tập, sau khi đã cung cấp đầy đủ kiến thức. Cách làm này sẽ giúp GV có phương pháp ôn tập phù hợp.

Đối với học sinh có lực học yếu sẽ bồi dưỡng và bù lấp lỗ hổng về mặt kiến thức. Trong khi đó sẽ mở rộng, nâng cao kiến thức cho học sinh khá, giỏi giúp các em triển khai bài viết sâu, đa dạng và sinh động.

Cô Chu Thị Nhung, GV Ngữ văn, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cũng cho rằng, đề tham khảo môn Ngữ văn năm nay giữ ổn định về cấu trúc. Theo cô Nhung, đề tham khảo năm nay ở phần Đọc hiểu, Bộ GD&ĐT đã để thang điểm hợp lý hơn so với đề chính thức năm 2022.

“Với đề tham khảo này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, có thể dành được điểm trên điểm 5. Tuy nhiên, để dành từ điểm 8 trở lên, học sinh phải đầu tư nhiều. Chẳng hạn, ở câu nghị luận văn học, ngoài nắm kiến thức cơ bản, các em cần phải có kiến thức về lý luận văn học, kỹ năng về nghị luận,...”, cô Nhung chia sẻ.

Ôn luyện theo chuyên đề

Em Ngô Thị Hoài An, lớp 12B6, Trường THPT Hàm Rồng ôn thi tốt nghiệp ở nhà. Ảnh: LT.

Em Ngô Thị Hoài An, lớp 12B6, Trường THPT Hàm Rồng ôn thi tốt nghiệp ở nhà. Ảnh: LT.

Không quá lo lắng chính là tâm trạng của nữ sinh Ngô Thị Hoài An, lớp 12B6, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), sau khi xem đề tham khảo. An cho rằng, đề thi tham khảo năm nay vừa sức với học sinh các vùng miền.

“Điểm mới của đề tham khảo môn Ngữ văn năm nay nằm ở phần Đọc hiểu. Bộ GD&ĐT lựa chọn trích dẫn một đoạn thơ thay vì đoạn văn như chúng em đang ôn luyện lâu nay. Mặc dù vậy, em cảm thấy phần này cũng không quá khó. Bên cạnh đó, việc Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo sẽ giúp chúng em dễ dàng lên phương án ôn luyện”, An bộc bạch.

Hiện tại, An khá tự tin vì đã nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Nữ sinh xứ Thanh dành thêm thời gian ôn luyện thêm các thể thơ để có thể làm bài tốt phần Đọc hiểu, nếu đề thi chính thức sẽ ra theo hình thức tương tự.

“Với câu nghị luận xã hội có chủ đề khá rộng nên em tập trung trau dồi nhiều về phương pháp lập luận. Ngoài ra, em cũng dành thời gian sưu tầm thêm những trích dẫn hay để làm phong phú cho bài viết của mình.

Phần nghị luận văn học, em thấy không quá khó vì dạng bài này khá quen thuộc với chúng em. Hiện, với dạng bài này em đang ôn theo từng bài và theo chuyên đề. Nhìn chung, với Ngữ văn em cũng không quá lo lắng”, An chia sẻ.

Nguyễn Thị Thùy Trang, cựu Thủ khoa khối C của tỉnh Thanh Hóa năm 2022 đánh giá, đề tham khảo bám sát chương trình môn Ngữ văn THPT hiện hành. Với học sinh không chuyên, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, xác định từ khóa của đề bài, có thể đạt được mức điểm trung bình khá.

“Với môn Ngữ văn, ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, các bạn nên dành thời gian đọc thêm các bài viết khác. Trong quá trình làm bài, cần xác định từ khóa. Đây là cách đơn giản nhất để đạt được mức điểm trung bình.

Nếu muốn đạt điểm cao, các bạn cần phải có kỹ năng trình bày tốt kết hợp với vốn từ phong phú. Khi triển khai các luận điểm cần bám sát với vấn đề mà đề bài đưa ra”, Thùy Trang cho hay.

Theo Thùy Trang, trong quá trình làm bài các bạn học sinh cần phải phân bổ thời gian hợp lý. Tuyệt đối tránh tập trung vào một phần nào đó mà bỏ quên nội dung của các phần khác. Điều này sẽ khiến thí sinh luống cuống khi thời gian làm bài không còn nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ