Không cam chịu phận nghèo
Sinh ra và lớn lên, ở thôn Ba Rầu, xã Mò Ó, huyện Đakrông, năm 2001, anh Hồ Văn Cường lập gia đình cùng chị Hồ ThịVưnngười cùng xã. Anh chị ra ở riêng trong cảnh túng thiếu đủ bề. Đặc biệt, là từ khi 2 đứa con thơ lần lượt chào đời, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ càng khó khăn hơn.
Với quyết tâm thoát khỏi cảnh đói nghèo luẩn quẩn, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh Hồ Văn Cường đã bàn với vợ và chọn mô hình kinh tế từ cải tạo đất đồi, be bờ chặn nước để làm lúa nước, đào ao nuôi cá, dựng trại nuôi dê, trồng sắn, ngô, lạc, trồng rừng.
Từ kết quả phát triển kinh tế đúng hướng ban đầu,anh Cường mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng để mở rộng diện tích trồng rừng, mua thêm trâu, bò, dê, lợn về nuôi nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở vùng đồi núi. Đồng thời, mua 1 chiếc máy cày, 1 máy xay xát lúa để phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Qua nhiều năm gây dựng kinh tế, đến nay, gia đình anh Hồ Văn Cường đã có đàn trâu, bò trên 10 con; 10 ha keo tràm đang đến độ tuổi khai thác; 3 ha đất màu chuyên trồng sắn, ngô, lạc; 5 sào lúa nước; đàn dê trên 20 con, 2 ao cá và duy trì đàn lợn thịt từ 5 – 7 con/lứa.
Đầu năm 2018, vợ chồng anh Cường đã mở quầy tạp hóa ngay tại nhà. Hiện nay, với mô hình làm kinh tế tổng hợp trên, mỗi năm gia đình anh Hồ Văn Cường luôn có nguồn thu nhập ổn định từ 120 đến 150 triệu đồng. Hiện nay, có rất nhiều hộ dân trong vùng đến nhà anh Cường tham quan và được anh chia sẻ kinh nghiệm để phát triển được các mô hình kinh tế hiệu quả.
Tỉ phú giữa núi đồi Vĩnh Khê
Nhờ cần cù lao động và có cách làm kinh tế đúng hướng nên gia đình ông Hồ Văn Trai đã sớm thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững. |
Trong căn nhà xây khang trang ở thôn Xum Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, ông Hồ Ngọc Trai (55 tuổi) vẫn say mê đọc sách hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, tràm để chuẩn bị mở rộng vườn ươm cây giống. Ông Hồ Ngọc Trai chia sẻ: Năm 1986, sau 3 năm ông lập gia đình cùng bà Hồ Thị Lum, vợ chồng ông quyết định về thôn Xum Phong để định cư, lập nghiệp dài lâu. Những ngày đầu mới định cư, thôn Xum Phong vẫn còn là vùng đất hoang sơ và đầy rẫy lau lách, cỏ dại nên chẳng mấy ai mạnh dạn khai phá làm kinh tế.
Để từng bước thoát nghèo, vợ chồng ông đã làm đủ nghề, trong đó chủ yếu là thu mua phế liệu. Khi đã tích cóp được một số vốn nhỏ, ông đầu tư khai hoang đất rẫy để trồng sắn, cây ăn quả; biến những hố bom, đất trũng thành ao nuôi cá; mua trâu, bò về nuôi rồi bán lại kiếm lời. Chẳng bao lâu sau, gia đình ông Trai, bà Lum đã thoát nghèo, các con được tạo điều kiện học hành thành đạt.
Từ năm 1996 - 1997, được nhà nước giao đất, giao rừng, cùng sự hỗ trợ từ các dự án giảm nghèo, vợ chồng ông Trai đã trồng thí điểm 2 ha cao su, 4 ha tràm. Việc làm kinh tế khá thuận lợi nên gia đình ông đã trả hết các khoản vay và dồn số tiền còn lại để mở rộng diện tích trồng cao su, tràm, sắn, trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông phát triển được 12 ha cao su, 20 ha tràm, 1 ha sắn, 200 gốc cây ăn quả, 1 hồ cá với diện tích 1.500 m2. Để thuận tiện cho việc sản xuất, giao thương, ông Trai mua thêm một máy ủi trên 600 triệu đồng; 1 xe tải và 1 ô tô con với tổng trị giá trên 1 tỉ đồng. Mới đây, ông đã phát triển thêm vườn ươm giống tràm để chủ động cây giống trong sản xuất và cung ứng ra thị trường.
Với mô hình phát triển kinh tế đa dạng của mình, mỗi năm gia đình ông Hồ Ngọc Trai có mức lãi ròng từ 250 - 300 triệu đồng. Khi đã trở nên giàu có, ông Trai rất tích cực giúp đỡ người dân trong thôn làm kinh tế và nhiều hộ được ông giúp đã thoát nghèo. Bên cạnh đó, gia đình ông luôn là tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn thôn, xã.