Những nhân tố bí ẩn

GD&TĐ - Kết quả các cuộc thăm dò sát ngày bầu cử Mỹ đang cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước đối thủ thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump.

Những nhân tố bí ẩn

Tuy nhiên, hàng loạt nhân tố bí ẩn có thể sẽ làm thay đổi cục diện cuộc bỏ phiếu ngày 3/11 theo cách không thể ngờ tới như từng xảy ra năm 2016.

Sự kiện quan trọng bậc nhất còn lại của chiến dịch tranh cử năm nay là cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng viên diễn ra vào đêm 22/10. Cả hai đều đang dùng mọi chiến thuật tận dụng dịp này để xoay chuyển tình thế, đặc biệt là Tổng thống Trump vốn bị mất điểm sau lần tranh luận trước. Màn thể hiện của hai chính trị gia được đánh giá sẽ có tác động mạnh đến quyết định của cử tri, nhất là những người còn đang dao động, khiến cuộc đua thêm kịch tính.

Bên cạnh đó, một nhân tố bí ẩn khác theo đúng nghĩa của cuộc bầu cử là “các cử tri giấu mặt”. Đây là những người ủng hộ ứng viên Donald Trump nhưng họ lại từ chối công khai quan điểm trong các cuộc thăm dò. Số cử tri này có khả năng biến mọi kết quả dự đoán thành vô nghĩa. Điều này từng xảy ra trong cuộc bầu cử 4 năm trước, khi ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton thất thần nghe  kết quả kiểm phiếu sau khi tưởng chừng đã nắm chắc phần thắng. 

Đúng vào ngày bầu cử, một số lượng lớn “cử tri giấu mặt” nói trên mới ra quyết định trên lá phiếu, khiến giới truyền thông Mỹ bị hố nặng. Các chuyên gia giải thích việc những cuộc thăm dò dư luận đã bị sai lệch quá lớn so với thực tế, một phần là do các nhà tổ chức thăm dò đã đánh giá thấp số lượng ủng hộ viên bí ẩn này của ông Trump.
Trong khi đó, lịch sử bầu cử lại đang ủng hộ ông Trump vì đại đa số các đương kim Tổng thống Mỹ khi tái tranh cử đều chiến thắng nhiệm kỳ hai. Do vậy, dù số cử tri bí ẩn hiện được đánh giá là không còn hùng hậu và giữ yếu tố bất ngờ như 4 năm trước, họ vẫn là một ẩn số mang tính quyết định đối với sự thành bại của đương kim Tổng thống Mỹ trong cuộc chạy đua.

Ngoài ra, số cử tri chính xác sẽ đi bỏ phiếu cũng là yếu tố tiềm ẩn gây bất ngờ. Nhiều người khi tham gia thăm dò đã thể hiện rõ quan điểm để góp phần vào kết quả được công bố. Nhưng vào ngày trọng đại, nhiều người trong số họ đã không đi bầu khiến kết quả thăm dò và kết quả thực tế khác xa nhau. Trường hợp bà Hillary Clinton thất bại choáng váng năm 2016 cũng được cho là do nhiều cử tri ủng hộ chủ quan không đi bỏ phiếu vì nghĩ bà đã chắc thắng.

Ngay cả các cư dân tại lãnh thổ hải ngoại Puerto Rico, những người được công nhận là công dân Mỹ từ năm 1917 nhưng không được đi bầu, cũng vẫn có khả năng tạo ra bất ngờ cho cuộc bỏ phiếu. Lý do vì có 27% cử tri gốc Latinh ở bang chiến trường Florida là người gốc Puerto Rico và nhóm cử tri này thường chịu ảnh hưởng về quan điểm chính trị từ những người họ hàng sống trên đảo khi đi bỏ phiếu.

Điều này cũng giải thích tại sao cả ứng viên Biden và Trump đều không quên vận động tranh cử tới những người không được đi bỏ phiếu tại Puerto Rico. Đây là bước đi thông minh để tranh thủ thêm phiếu tại Florida, bang chiến trường có tới 29 phiếu đại cử tri. Cử tri bang này cũng có truyền thống khó đoán nên kết quả ở Florida sẽ góp phần quan trọng để phân định thắng thua trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.