Những nhầm lẫn trong mùa dịch Covid-19

GD&TĐ - Sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19 rất dễ khiến phụ huynh nhầm lẫn khiến việc điều trị càng khó khăn hơn.

Cần phân biệt những triệu chứng của sốt xuất huyết và Covid-19 để có hướng điều trị cho trẻ. Ảnh minh họa.
Cần phân biệt những triệu chứng của sốt xuất huyết và Covid-19 để có hướng điều trị cho trẻ. Ảnh minh họa.

Phân biệt triệu chứng

Khuyến cáo từ chuyên gia y tế, nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn các triệu chứng của sốt xuất huyết với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết có khi giống với Covid-19 nên dễ bỏ sót.

Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Chị Nguyễn Hương Giang (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hồi tháng 5, con trai 8 tuổi khi đi học về bị sốt cao. Nghĩ con bị mắc Covid-19 từ bạn học ở trường nên gia đình test nhanh cho bé nhưng kết quả âm tính. Sau đó, gia đình tự mua thuốc về điều trị tại nhà nhưng bệnh tình của trẻ không giảm.

Khoảng 3 ngày sau, bé sốt nặng hơn, gia đình vẫn nghi ngờ do Covid-19 nên tiếp tục test nhanh thêm lần nữa nhưng kết quả vẫn âm tính. Sau đó, gia đình quyết định đưa bé đi khám ở bệnh viện. Tại đây, bác sĩ thông báo bé bị sốc sốt xuất huyết phải nhập viện.

Bác sĩ Lê Thị Phương (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt xuất huyết có 2 thể bệnh là nhẹ và nặng với những triệu chứng đặc trưng. Ở thể nhẹ, người bệnh sốt đột ngột 39 - 40 độ C trong vòng 2 - 7 ngày và rất khó để hạ sốt. Vùng trán và vùng sau nhãn cầu đau dữ dội.

Một số người còn phát ban hoặc nổi mẩn ngứa. Các triệu chứng trên diễn biến giảm dần và tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày mà không có biến chứng nào khác. Đây là triệu chứng điển hình, có thể có những trường hợp không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hơn.

Ở thể nặng, có những dấu hiệu như thể bệnh nhẹ. Bên cạnh đó còn đi kèm với các biến chứng khác như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, ói ra máu, xuất huyết nội tạng dẫn đến phân đen, vết tiêm bị bầm tím. Ngoài ra còn đau bụng, buồn nôn, tụt huyết áp, người mệt mỏi, vật vã, chân tay lạnh.

Khi bệnh nhân đã rơi vào thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp có thể dẫn đến tử vong. Nhất là đối với trẻ em, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30 - 40%.

“Nếu sốt đến ngày thứ 3, phải nghĩ đến sốt xuất huyết. Nếu có kèm theo những chấm xuất huyết ở da, hoặc kèm theo chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu phân đen, mệt, đừ người, tay chân trẻ lạnh thì phải nhanh chóng đưa đi bệnh viện, không được để qua ngày thứ 4 sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Bác sĩ Phương khuyến cáo, người dân cần lưu ý các triệu chứng của sốt xuất huyết vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với triệu trứng của bệnh nhân Covid-19 hoặc phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin như sốt, đau mỏi cơ.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.

Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mắt đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn có thể nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen.

Bệnh nhân mắc Covid-19 còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi, nặng thì có thể có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Nhầm lẫn trong điều trị

Ngoài việc người dân dễ nhầm lẫn giữa 2 bệnh thì trẻ còn có nguy cơ đồng thời vừa mắc Covid-19, vừa mắc sốt xuất huyết. Tùy từng trường hợp, nếu bệnh nào diễn tiến nặng hơn thì bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bệnh đó trước. Nếu trường hợp cả 2 bệnh đều diễn tiến nặng thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, phức tạp. Do đó, người dân cần hết sức chú ý, hiểu rõ tính chất của từng bệnh để nhận biết sớm, tránh để bệnh có biến chứng nặng mới đưa người bệnh nhập viện. Đồng thời cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ trong mùa dịch này - Bác sĩ Lê Thị Phương.

Ngoài nhầm lẫn về triệu chứng, người dân còn mắc những sai lầm khác khi điều trị sốt xuất huyết. Có trường hợp khi giảm sốt hoặc hết sốt đã dừng điều trị vì nghĩ đã hết bệnh.

Tuy nhiên, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, từ ngày thứ tư trở đi thì giảm sốt. Song đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất vì người bệnh có thể có biến chứng nặng.

Một sai lầm khác được các bác sĩ chỉ ra là người bệnh sốt xuất huyết tự ý mua thuốc giảm đau về uống. Những loại thuốc này có thể làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà, đặc biệt là không tự mua thuốc về điều trị, bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, giai đoạn sốt cao (2 - 3 ngày đầu của bệnh), giai đoạn nguy hiểm (4 - 6 ngày tiếp theo) và giai đoạn hồi phục (từ ngày thứ 7 trở đi).

Người dân không nên lạm dụng truyền dịch. Việc truyền dịch, truyền nước phải theo chỉ định của bác sĩ, truyền dịch tùy tiện có thể gây thừa dịch, phù phổi hoặc suy tim. Để hạn chế những tình trạng xấu nhất, khi chăm sóc người bệnh cần lưu ý điều trị triệu chứng của bệnh.

Khi người bệnh sốt dưới 38,5 độ C thì chỉ cần chườm khăn ấm vào trán, nách, bẹn, mặc quần áo thoáng mát. Nếu sốt trên 38,5 độ C thì cần kết hợp với Paracetamol, tuyệt đối không dùng ibuprofen hoặc aspirin vì chúng có thể gây xuất huyết.

Cùng với đó, cho bệnh nhân dùng oresol hoặc hydrit để bù điện giải đồng thời uống nhiều nước. Nếu bệnh nhân nôn nhiều, mất nước, không uống được nước thì nên truyền NaCl 0.9% để bù.

Cần hạn chế để người bệnh đi lại, chỉ nên nằm nghỉ tại giường. Uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, oresol, ăn thức ăn dễ tiêu hóa, nhất là thức ăn lỏng. Không ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh bị nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa.

“Khi điều trị ngoại trú, người bệnh cần được theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc tình trạng bệnh không được cải thiện. Lúc này cần đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế”, bác sĩ Phương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ