Sốt xuất huyết bùng phát mạnh: Do chủ quan, lơ là

GD&TĐ - Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết bùng phát được cho là do người dân còn chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, sức đề kháng của người dân giảm, dễ bị tấn công bởi các virus gây bệnh.

Người dân cần đi khám ngay khi có triệu chứng sốt xuất huyết.
Người dân cần đi khám ngay khi có triệu chứng sốt xuất huyết.

Ảnh hưởng từ thay đổi thời tiết

Theo Bộ Y tế, hiện nay là cao điểm dịch sốt xuất huyết. Số mắc tăng mạnh tại khu vực phía Nam và miền Trung. Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn. Trong khi đó, những năm trước, số người lớn tử vong nhiều hơn.

Trước đó, nói về nguyên nhân số ca mắc tăng, TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết. Các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tự đến cơ sở y tế tư nhân, cho đến khi chuyển nặng mới nhập viện”.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), năm nay sẽ là thời điểm bùng nổ dữ dội dịch sốt xuất huyết ở các quốc gia như Việt Nam, Singapore, Philippines, Myanmar, Malaysia và các nước Đông Nam Á khác.

“Số ca bệnh và số ca tử vong sẽ không ngờ được. Ví dụ, Singapore là quốc gia có điều kiện vệ sinh tuyệt vời, ý thức phòng bệnh của người dân rất tốt. Vậy mà số ca sốt xuất huyết đến nay đã ghi nhận vượt qua con số 13.000, so với năm 2021 chỉ có 5.258 ca. Trong khi đó, mùa cao điểm sốt xuất huyết mới bắt đầu từ tháng 6”, bác sĩ Phúc nhận định.

Lý giải về nguyên nhân gây bùng phát sốt xuất huyết, bác sĩ Phúc cho rằng, trước hết là do thời tiết cực đoạn. Hiện tượng La Niña kép lặp lại từ hai năm trước, với nhiệt độ bề mặt nước biển ở phía Đông và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương tiếp tục lạnh bất thường, dẫn đến thay đổi khí quyển nhiệt. Năm nay, hiệu ứng La Niña kép khiến nước biển tiếp tục hạ, cùng sự xuất hiện thêm các rãnh nhiệt bất thường. Do đó, thời tiết cực đoan tột độ.

“Ví dụ, trong tháng 4 xuất hiện rãnh hoàn lưu dao động từ vành đai Tây bán cầu Bắc, rãnh phía Nam, sau đó thay thế bằng Máng Đông Á và Máng Ural vào cuối tháng 5, tạo nên các khe và các xoáy thuận kéo dài từ phía Nam Trung Quốc đến hết miền Bắc của Việt Nam.

Vì vậy, vào hè trời vẫn rét, sau đó là những ngày lạnh đầu hè, những trận mưa lớn. Khu vực Nam Bộ trời sẽ mát dịu hơn các năm, thậm chí có những ngày se lạnh, mưa cũng nhiều hơn”, bác sĩ Phúc nhận định.

Theo ông Phúc, muỗi Aedes cần có nước đẻ trứng. Mưa càng nhiều, muỗi càng tăng. Đặc biệt là khi lượng nước ở các sông hồ đầy, đập thuỷ điện phải xả lũ sớm, muỗi càng sinh sôi mạnh.

Đi khám ngay khi có triệu chứng

Ngày 21/6, Bộ Y tế đã có công điện gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Nguyên nhân bùng phát do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại của người dân cao. Trong khi đó, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bộ Y tế dự báo, số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sức đề kháng của người dân cũng bị giảm sau đại dịch Covid-19. “Trong trận chiến dịch bệnh, SARS-CoV-2 là chủng virus mới. Nó tấn công hệ miễn dịch, cùng với việc thời gian dài cách ly xã hội, khiến sức đề kháng của mỗi người bị giảm.

Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết khi xâm nhập cơ thể sẽ có cơ hội tấn công. Ngay cả những người khoẻ cũng dễ bị mắc các triệu chứng. Người yếu với các bệnh nền có nguy cơ chuyển nặng”, bác sĩ Phúc cảnh báo.

Nguyên nhân khác khiến sốt xuất huyết bùng phát là công tác phòng chống dịch lơi lỏng. Đặc biệt, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, khó khăn trong công tác đấu thầu cũng có thể cũng là nguyên nhân bùng phát.

Để phòng sốt xuất huyết, bác sĩ Trần Văn Phúc khuyến cáo, cần tránh bị muỗi Aedes đốt càng ít càng tốt. Đồng thời, cố gắng không ở gần nước và những nơi có nhiều cây vào mùa hè. Nếu phải ra ngoài trời, người dân cần mặc quần áo kín.

Ngoài ra, cần đổ nước trong các bình hở để muỗi không đẻ trứng trong đó. Nếu phát hiện bị muỗi đốt, cần rửa sạch bằng nước xà phòng. Lưu ý, đi khám bác sĩ nếu có triệu chứng của sốt xuất huyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ