Dấu hiệu nguy hiểm của sốt xuất huyết dễ bị bỏ qua

GD&TĐ - Ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue thường là ngày thứ 4, 5, 6 tính từ lúc bắt đầu sốt. Trong một số trường hợp, tình trạng nặng xuất hiện sớm ở ngày thứ 2 hoặc 3.

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: BVCC.
Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: BVCC.

Đây là giai đoạn các mạch máu trong cơ thể giãn ra. Ngoài ra, dịch từ trong lòng mạch máu có thể thoát ra ngoài.

Ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng

Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố khẩn trương triển khai tập huấn. Đồng thời, tập huấn lại, nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue.

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng. Từ đó, kịp thời có những biện pháp can thiệp phù hợp, nhằm hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong, không để xảy ra ổ dịch lớn.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 6 ca tử vong, lần lượt tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm nhẹ.

Tuy nhiên, số tử vong tăng 1 trường hợp. Bộ Y tế dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng do bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Bộ đã đề nghị các tỉnh, thành triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để chủ động trong việc phòng chống, không để dịch bùng phát.

Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra được coi là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và rất nguy hiểm.

Việt Nam là nước nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, là điều kiện sinh sống lý tưởng cho các loài muỗi, đặc biệt vào mùa hè. Đây là thời điểm hay bùng phát dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, các gia đình cần nắm rõ dấu hiệu sốt xuất huyết để phòng tránh và kịp thời điều trị”.

Thời điểm nguy hiểm

Theo chuyên gia này, thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết Dengue thường từ 4 - 7 ngày. Do đó, nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt, sau 4 - 7 ngày sau, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng. Một số triệu chứng thường gặp gồm: Sốt cao liên tục và khó hạ (khó đáp ứng với thuốc hạ sốt); Mệt và mỏi người nhiều; Da xung huyết (da ửng hồng).

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xuất hiện các chấm xuất huyết trên da (chấm đỏ trên da và không mất đi khi tiến hành căng da tại vị trí có xuất huyết). Đồng thời, có thể chảy máu chân răng khi đánh răng, chảy máu cam, chảy máu của đường tiêu hóa.

“Thông thường, bệnh sốt xuất huyết Dengue kéo dài khoảng 7 ngày thì khỏi và các triệu chứng thường diễn biến theo ngày. Sốt cao ngay từ ngày đầu tiên. Sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, khó hạ sốt. Uống hạ sốt ít đáp ứng, hạ sốt chậm rồi sốt cao lại nhanh.

3 ngày đầu thường chỉ có biểu hiện sốt cao liên tục và đau mỏi người (ở người lớn và trẻ lớn thì cảm giác đau mỏi người rõ ràng hơn). Tuy nhiên, mấy ngày này chưa phải là những ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue”, bác sĩ Công cho biết.

Chuyên gia này cảnh báo, ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue thường là ngày thứ 4, 5, 6 tính từ lúc bắt đầu sốt. Trong một số trường hợp, tình trạng nặng xuất hiện sớm ở ngày thứ 2 hoặc 3. Bác sĩ Công cảnh báo, tình trạng nặng xuất hiện càng sớm, bệnh càng nặng. Bởi, đây là giai đoạn các mạch máu trong cơ thể giãn ra. Ngoài ra, dịch từ trong lòng mạch máu có thể thoát ra ngoài.

Dịch thoát ồ ạt từ trong lòng mạch máu của cơ thể ra các cơ quan có thể gây sốc giảm thể tích. Đây được coi là tình trạng nguy hiểm. Bởi, thiếu dịch ở trong lòng mạch dẫn đến thiếu oxy đi nuôi cơ thể.

Hoặc, tình trạng này cũng có thể gây những biến chứng nặng, gồm: Xuất huyết nội tạng, rối loạn đông máu… Do đó, bác sĩ Công khuyến cáo, với các trường hợp được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, ngày thứ 4 tính từ khi bắt đầu sốt đều cần cẩn thận, kể cả khi đã hết sốt.

“Đến cuối ngày thứ 6, sang ngày thứ 7 tính từ lúc bắt đầu sốt là giai đoạn hấp thu dịch đã thoát ra trở lại mạch máu. Giai đoạn này trẻ có thể phát ban, ban thường dạng chấm đỏ và ngứa. Ban này được gọi là ban hồi phục. Khi xuất hiện ban này có thể yên tâm rằng, bệnh đã bắt đầu hồi phục và tình trạng bệnh sẽ tốt lên”, bác sĩ Phí Văn Công chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ