Những nhà văn 'thất thập' nhưng chưa hề 'cổ lai hy'

GD&TĐ - Nghệ thuật không có thời, không có tuổi vì hướng tới vĩnh cửu chân - thiện - mỹ. Bất kỳ ai đến với nghệ thuật không bao giờ muộn...

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh ba nhà văn lão thành: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh ba nhà văn lão thành: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh.

Từ “gặp mặt” đến “hội nghị”

Cách đây 11 năm (12/10/2012), tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức gặp mặt các nhà văn cao tuổi. Tới dự có hơn 100 nhà văn cao tuổi ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, trong tổng số hơn 200 nhà văn cao tuổi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc trên cả nước tại thời điểm đó.

Ngày 30/9/2023, Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Hội nghị vinh dự đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Từ “gặp mặt” đến “hội nghị” là cả một chặng đường dài hơn một thập kỷ, đánh dấu sự phát triển bền vững của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng: Hội Nhà văn Việt Nam với lịch sử 66 năm (1957 - 2023) trưởng thành cùng đất nước, nhân dân.

Theo sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (in lần thứ V, NXB Hội Nhà văn H. 2020), có 1.623 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (chưa tính đến số hội viên mới được kết nạp trong 2 năm 2021 và 2022; số hội viên đã mất tính đến tháng 9/2023 là 615 người).

Theo thông báo của Ban tổ chức hội nghị, có gần 300 đại biểu nhà văn lão thành và khách mời tham dự sự kiện có ý nghĩa văn hóa này. Một con số khiến chúng ta quan tâm và suy nghĩ khi ai đó gọi vui Hội Nhà văn Việt Nam là “hội người già”, “hội người cao tuổi” (!?).

Đại biểu cao tuổi nhất hội nghị là các nhà văn tuổi 80 - 85 tuổi, còn lại đa số đều trên thất thập, nhưng chưa phải “cổ lai hy” như người xưa thường nói. Những panô “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung), “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh) biểu đạt tinh thần của hội nghị.

Văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng và tinh tế nhất của nền văn hóa Việt Nam vốn thuộc về văn hiến dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo). Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất ghi đậm dấu ấn của thế hệ văn nghệ sĩ dấn thân, nhập cuộc theo tinh thần “sống rồi mới viết”.

U90 vẫn hào sảng

Nhiều đại biểu nhà văn lão thành dự hội nghị đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, trải nghiệm qua lửa đỏ và nước lạnh của thời binh lửa trận mạc, đã thành “thép đã tôi thế đấy”.

Một thế hệ “Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh - Đường tới thành phố). Đó chính là văn hóa của văn học, là biểu trưng của “nhà văn - chiến sĩ”.

Trong tham luận của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh cất tiếng nói của một thế hệ đã dám xả thân vì đại nghĩa - nền độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất của đất nước với vẻ đẹp truyền thống: “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng” (Huy Cận).

Nhiều đại biểu trưởng thành từ công cuộc Đổi mới của đất nước và văn học từ 1986. Trong số gần ba trăm đại biểu nhà văn lão thành, nhiều nhà văn đã vinh dự nhận các giải thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cùng các giải thưởng uy tín khác (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thường niên, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng văn học MEKONG, Giải thưởng văn học ASEAN).

Nghệ thuật không có thời, không có tuổi vì hướng tới vĩnh cửu chân - thiện - mỹ. Bất kỳ ai đến với nghệ thuật không bao giờ muộn, chí ít thì “không thành công cũng thành nhân”. Những chân lý giản dị ấy không phải ai, lúc nào cũng được thấm nhuần.

Tín hiệu rất đáng vui mừng khi đội hình các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tám mươi tuổi hơn (U90) vẫn hào sảng, như: Duy Thảo (1938), Hoàng Quốc Hải (1938), Phong Lê (1938), Nguyễn Hữu Nhàn (1938), Vũ Thế Khôi (1938), Nguyễn Khắc Phê (1939), Vũ Quần Phương (1940), Võ Bá Cường (1940), Nguyễn Bắc Sơn (1941), Ngô Thảo (1941), Mã Giang Lân (1941), Tô Hoàng (1941), Bằng Việt (1941), Hữu Thỉnh (1942);

Trần Nhương (1942), Hoàng Cát (1942), Văn Đắc (1942), Lê Bá Thự (1942), Nguyễn Đắc Như (1942), Nguyễn Khoa Điềm (1943), Đỗ Chu (1943), Vương Trọng (1943), Cao Duy Thảo (1943), Ngọc Bái (1943), Khổng Minh Dụ (1943), Hồng Diệu (1943), Trần Nhuận Minh (1944), Pờ Sảo Mìn (1944), Lê Đăng Hoan (1944), Hoàng Vũ Thuật (1945), Thái Bá Lợi (1945), Vũ Oanh (1945)...

Nhiều nhà văn trong số các đại biểu đến hội nghị với tác phẩm vừa xuất bản còn thơm mùi mực. Nhà thơ Vũ Quần Phương ký tặng văn hữu tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ”; nhà thơ Hoàng Cát vừa xuất bản “Cõi người” (Thơ tuyển, 981 trang)...

Độc đáo nhất và thu hút sự quan tâm của đồng nghiệp văn chương là nhà thơ Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí, một nhánh của dân tộc Tày, đến từ Lào Cai) với tập thơ song ngữ Việt - Mông có tựa “Tiếng hát Mường Hoa” có sức nặng của chữ nghĩa thơ.

Đây là thi phẩm thứ mười của một nhà thơ tài năng đưa thơ dân tộc mình hòa vào nền thơ Việt Nam hiện đại một cách tự nhiên và nghệ thuật. Thơ ông hồn nhiên như sông suối, núi rừng, cây cối, trăng sao, chim cá phong phú miền sơn cước hùng vĩ và diễm lệ, nơi có địa danh Sa Pa nổi tiếng với lịch sử 120 năm. Nhà thơ của “Cây hai ngàn lá” xứng đáng với niềm tự hào của dân tộc Pa Dí (chỉ có 2.000 người).

Nhà văn Hữu Ước mang đến hội nghị đề tặng văn hữu tiểu thuyết “Suối cọp” (tái bản, được dịch ra tiếng Anh) và “Hữu Ước 100 bài thơ chọn”. Nhà văn chia sẻ, trừ bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết “Suối cọp”, còn lại tác phẩm đã xuất bản (từ văn, thơ đến nhạc, họa) ông đều “tự sản, tự tiêu” từ A - Z.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường đến từ Quảng Bình tràn đầy gió Lào cát trắng, đã ngoại bảy mươi nhưng sống mãi với “hồi ức binh nhì” - một tác phẩm xinh xắn, thấm đẫm tình người làm nên “thương hiệu” nhà văn vốn là lính xe tăng nên hay ngâm nga “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (thơ Hữu Thỉnh, nhạc Doãn Nho).

Ông chia sẻ: “Đi dự hội nghị là niềm vui và danh dự của thế hệ không riêng bản thân”. Thật chí lý, chí tình. Năm 2017, kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, ông đã lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội cùng hát với các nghệ sĩ nhân dân những bài ca đi cùng năm tháng, những nhạc phẩm bất hủ của nền âm nhạc Nga hiện đại. Tập tản văn mới nhất của ông có tựa “Và, gió heo may”. Không phải không có sức trường để viết dài, nhưng ông chọn ngắn và thoáng để phóng bút viết.

Khoảng 300 nhà văn dự Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất.

Khoảng 300 nhà văn dự Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất.

Chưa hề “cổ lai hy”

Thế hệ nhà văn lão thành bảy mươi hơn (U80) còn rất sung sức, chưa hề “cổ lai hy”. Các nhà thơ, nhà văn Vương Tâm, Nguyễn Trí Huân, Thanh Thảo, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đức Mậu, Mai Văn Hoan, Nguyễn Thanh Kim, Phạm Đình Ân, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Huy Mậu, An Bình Minh, Lê Quốc Hán, Khuất Bình Nguyên, Hoàng Quý, Phạm Công Trứ, Nguyễn Thái Sơn, Từ Nguyên Tĩnh, Trung Trung Đỉnh, Vũ Quốc Khánh, Trúc Phương, Lê Hoài Nam, Xuân Ba... vẫn dường như mỗi người là một “hỏa diệm sơn” chực phun trào chữ nghĩa.

Hình ảnh nổi bật và ấn tượng trong hội nghị là “dàn” các nữ sĩ: Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Thị Thắng, Đặng Nguyệt Anh, Lê Minh Khuê, Phi Tuyết Ba, Hà Thị Cẩm Anh, Vũ Thị Hồng, Phạm Hồ Thu, Đoàn Thị Ký, Tôn Phương Lan, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Bích Thu, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Lý Hoài Thu, Nguyễn Thị Hồng Ngát... tạo nên cảm quan về “một nền văn chương mang gương mặt nữ”.

Lực lượng viết nghiên cứu, lý luận, phê bình không hề “thiếu và yếu” như ai đó thành kiến bấy lâu. Hiện diện trong hội nghị các nhà văn có nhiều đóng góp: Phong Lê, Ngô Thảo, Mã Giang Lân, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Nho, Lê Quang Trang, Tôn Phương Lan, Trần Đăng Suyền, Bùi Việt Thắng, Phan Trọng Thưởng, Đinh Quang Tốn, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Bích Thu, Lý Hoài Thu. Trong số họ có nhiều người làm nghề dạy học (bậc đại học) như Mã Giang Lân, Vũ Nho, Bùi Việt Thắng, Trần Đăng Suyền, Lý Hoài Thu...

Nhóm nhà văn nữ dự hội nghị. Ảnh: BVT.

Nhóm nhà văn nữ dự hội nghị. Ảnh: BVT.

Đã lão thành nhưng các nhà văn vẫn rất sung sức, chưa hề 'cổ lai hy'. Ảnh: BVT.

Đã lão thành nhưng các nhà văn vẫn rất sung sức, chưa hề 'cổ lai hy'. Ảnh: BVT.

Khách mời của hội nghị có đại diện nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), Lê Vũ Trường Giang (Thừa Thiên - Huế), Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình), Đinh Phương (Hà Nội), Phan Đức Lộc (Điện Biên). Họ thuộc thế hệ 7X, 8X, đều là những “hạt giống” ươm mầm văn chương tương lai.

Nhưng nay mai họ sẽ thành... lão thành như một quy luật “tre già măng mọc”. Khi người ta trẻ thì sự sống và viết không giống lão thành. Nhưng nương theo quy luật của cái đẹp thì giống nhau về mục đích, vì “Nghệ thuật đi tìm cái đẹp của đời sống. Phê bình đi tìm cái đẹp của nghệ thuật”.

Ngược thời gian gần, vào tháng 6/2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (tại TP Đà Nẵng). Khẩu hiệu của hội nghị này là “Vì sao chúng ta viết?”. Một năm sau, tiếp nối là Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất.

Rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật, văn học nghệ thuật là một dòng chảy bất tận, là sự tiếp nối biện chứng các thế hệ, như nhà văn Anh Đức đã tâm huyết chia sẻ: “Văn học của một xứ sở, theo tôi dù muốn hay không, đó vẫn là một cuộc hành trình liên tục, tự nhiên giữa các thế hệ cầm bút, chỉ có khác là mỗi thế hệ gánh vác với những sứ mệnh khác nhau, và sứ mệnh ấy không thể tách rời vận mệnh chung của dân tộc”. Cũng có nghĩa là nhà văn lão thành sẽ đồng thanh một khẩu hiệu: “Gắng sống với văn chương cùng thời?”.

Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất thành công tốt đẹp, có thể coi là một sự kiện văn hóa của đầu thập niên thứ ba thế kỷ hai mươi mốt. Sau gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ là chia tay. Tránh sao khỏi tâm trạng “người ơi người ở đừng về!”.

Bốn phương tám hướng, quê hương xứ sở gọi họ về. Mỗi nhà văn lại về bám trụ, “cắm bản” nơi mảnh đất mình sinh thành, sinh sống. Trước trang giấy trắng (hay là trước bàn phím máy tính), ngày đêm mỗi nhà văn lão thành lại vẫn như con ong cần cù bay đi khắp mọi nẻo tìm hoa, hút nhụy, nhả mật. Nếu còn sức lực và nhiệt huyết, họ lại tiếp tục viết. Bởi vì, với nhà văn viết là lẽ sống, là cách thế ở đời, là dâng hiến, là cho và nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.