Nhà văn Nguyễn Tuân từ những ngày đầu độc lập…

GD&TĐ - Theo các tài liệu đáng tin cậy, Nguyễn Tuân chính là một trong những nhà văn lãng mạn thời tiền chiến (trước 1945) sớm tiếp xúc với Cách mạng nhất.

Nhà văn Nguyễn Tuân ở chiến khu Việt Bắc (Trần Văn Lưu chụp).
Nhà văn Nguyễn Tuân ở chiến khu Việt Bắc (Trần Văn Lưu chụp).

Từ trong vang bóng một thời

Nguyễn Tuân là một tên tuổi lẫy lừng trên văn đàn Việt Nam trước năm 1945 với các trước tác: “Ngọn đèn dầu lạc”, “Nhà bác Nguyễn”, “Vang bóng một thời”, “Một chuyến đi”, “Tùy bút I”, “Tùy bút II”, “Tàn đèn dầu lạc”, “Chiếc lư đồng mắt cua”, “Thiếu quê hương”, “Quê hương”, “Tóc chị Hoài”, “Chùa Đàn”, “Nguyễn”.

Nhưng dường như nhà văn yêu nhất “đứa con tinh thần” của mình - “Vang bóng một thời”. Không hề là suy đoán khi nêu nhận xét trên vì có bằng chứng thuyết phục ghi vào văn sách: Trong một cuộc trà dư tửu hậu làm quen với văn hữu Hà thành (có Lưu Trọng Lư, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Tuân, đều được giới cầm bút chốn kinh kỳ gọi là các bậc “anh gàn”), tác giả của thú vui giang hồ xê dịch, những “yêu ngôn”, “thiếu quê hương”, những con chữ có sức mê dụ độc giả bất kỳ đã thừa nhận: “Tôi chỉ sống trong vang bóng một thời” (Nguyễn Vỹ - “Văn thi sĩ tiền chiến”, NXB Văn học, 2007, tr.244).

Tuy thế không thể dễ dàng kết luận Nguyễn Tuân là người hoài cổ, bảo thủ theo tinh thần Nho gia công nhận cái đẹp chỉ có trong quá khứ, hoài niệm, ký ức của người tử tế (thiên lương).

Thực sự thì trong con người nhà văn độc đáo tài năng này là khối mâu thuẫn thống nhất: Duy mỹ, duy tình nhưng lấp lánh trí tuệ mẫn tiệp; lãng mạn vô đối nhưng “lão thực” tận cùng; truyền thống căn rễ nhưng hiện đại tiên phong.

Và sau hết là một xảo thủ, thợ cả, nghệ nhân tiếng Việt, nếu coi “văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Thêm nữa nhà văn nổi tiếng là một tay chơi (cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng), một tipe “ngông”. Nhưng từ đó mặc định “phong cách ngông” áp đặt vào Nguyễn Tuân lại phiến diện, cực đoan.

Giới nghiên cứu lâu nay vẫn dành ưu ái cho các nhà văn hiện thực, cho rằng phần nhiều họ gần gũi nhân dân lao động hơn các nhà văn lãng mạn, nên khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, số đông hăng hái và kịp thời thay đổi với hoàn cảnh mới (!?).

Nhưng đọc sử văn hiện đại, chúng ta sẽ thấy tình hình thực tế không hẳn như vậy. Nhà văn Nguyễn Tuân là một ví dụ điển hình về sức mạnh cảm hóa của Cách mạng và sức bừng ngộ của văn nghệ sĩ giàu tinh thần dân tộc, yêu nước. Theo cách diễn đạt của thi sĩ Xuân Diệu thì đó chính là một “cuộc tái sinh màu nhiệm”.

Vững tin đón chào “Ngày mới”

Những nét ký họa cuối cùng về nhà văn Nguyễn Tuân của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Những nét ký họa cuối cùng về nhà văn Nguyễn Tuân của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Theo nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy, Nguyễn Tuân chính là một trong những nhà văn lãng mạn thời tiền chiến (trước 1945) sớm tiếp xúc với Cách mạng nhất.

Trong ký ức nhà văn còn lưu dấu: “Ngày Cách mạng tháng Tám, Việt Minh chiếm Phủ Thống sứ (hồi Pháp gọi Bắc Bộ phủ là Phủ Thống sứ), tôi lại cũng đang khăn đóng áo dài “đi xem” - đúng, chỉ là một người quan sát thế thôi. Tôi thấy Việt Minh hạ cờ quẻ ly xuống, rồi treo cờ đỏ sao vàng lên. Tôi nhận ra có sự thay đổi, sự chuyển biến lớn lao thực sự.

Tôi cũng thu thú, thế là vào hiệu cắt tóc, cạo râu. Thấy con người mình sáng sủa lên. Tôi còn cởi bỏ bộ quần áo dài ta, mặc quần soóc, sơ-mi vải cứt ngựa, nhập vào dòng biểu tình chào mừng cách mạng” (dẫn theo Ngọc Trai - “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân”, NXB Hội Nhà văn, 2010, tr.56; biến cố này cũng được xác nhận trong sách “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, 1945 - 1954”, Hồi ức kỷ niệm, NXB Khoa học xã hội, 1995, tr.40).

Qua sự kiện này chúng ta thấy, ban đầu chưa phải tự giác mà chỉ là tự phát vì nhà văn cũng chỉ mới thấy “thu thú” khi chứng kiến sự thay đổi do Cách mạng đem lại; ngay cả việc cắt tóc cạo râu hay thay đổi trang phục cũng rất cảm tính, nhất thời.

Nhưng quy luật của nhận thức là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, vì thế con đường tiếp cận chân lý là dài lâu, gập ghềnh, gian khổ. Cũng bởi vậy mà khi chỉ mới “đi xem” Cách mạng hẳn không tránh khỏi đôi phần lưỡng lự, phân vân, lúng túng vì: “Hồi đó bọn Việt Quốc, Việt Cách cứ làm rối cả lên (...), tôi đâm ra hoang mang, bối rối, không phân biệt được cách mạng thật, cách mạng giả.

Tôi đã viết một bài báo trong đó có câu: “Bây giờ, hễ thấy chỗ nào có treo cờ, bất kể là cờ gì, tôi đều sợ”. Trong chỉnh huấn ở Việt Bắc, tôi đã phải tự kiểm điểm về biểu hiện tư tưởng dao động, hoài nghi ấy”. Cách viết với tinh thần “tự thú” này chỉ có thể là của một nhà văn suốt đời trung thành với ý tưởng đi tìm cái Đẹp và cái Thật (sức mạnh của cái Đúng) như Nguyễn Tuân.

Một năm sau, trong thiên tùy bút nổi tiếng “Ngày đầy tuổi tôi Cách Mệnh”, (8/1946), nhà văn Nguyễn Tuân mới bộc bạch đầy đủ hơn để độc giả cảm nhận sâu sắc cái thời khắc thuộc về “Cái thuở ban đầu dân quốc ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” (Xuân Diệu).

Gần 80 năm sau đọc lại áng văn đặc sắc này càng thấm thía cái nhã thú văn chương chữ nghĩa mà nhà văn đã trình độc giả bằng toàn bộ sự chân thành của mình - khát vọng được thành thực: “Mây thu 1946 bừng lên những màu rực rỡ của một cuộc triển lãm trong vị lai và, dựng theo chiều dọc trời xanh, lắm lớp mây vửng đẹp như một nền tin tưởng.

Ngẩng nhìn thử mây của một giời thu Cách Mệnh lồng lộng này, lòng đứa con thời đại gột hết nghi ngờ và đã quên hết những tội ác gây nên bởi quyền phiệt. (...). Mặt trời mọc mươi lần nữa thì toàn xứ này ăn ngày đầy năm Cách Mệnh. Trịnh trọng với tâm tưởng, tôi men đến bàn giấy - cái ban thờ của Trí Tuệ - kính cẩn động ngòi bút viết mà bất giác lại nhớ đến cái phút đầu năm khai bút của đời sống cũ.

Tôi soạn cho tôi một câu tiêu ngữ mới. Tôi ghi lại những danh từ mới mà Cách Mệnh đã làm giàu cho từ ngữ mình và phổ thông trong dân gian. Tôi ghi lại những tên đất về địa dư xứ sở mà trước ngày Cách Mệnh bùng lên, có lẽ ít ai có dịp để ý. Rồi tôi tìm cho tôi những băn khoăn, những thắc mắc về cái ngày mai sau này sắp tới của Tư Tưởng” (“Nguyễn Tuân toàn tập”, 5 tập; tập III, NXB Văn học, 2000, tr.25 - 30).

Nếu đọc lại thiên ký “Vô đề” (sau này đặt lại là “Lột xác”) nhà văn Nguyễn Tuân viết áp sát Cách mạng tháng Tám 1945 (với tâm thế “Lấy mày ra làm lửa mà đốt”), sẽ thấy rõ hơn cuộc chuyển biến tư tưởng - tình cảm trọng đại của một nhà văn tài năng điển hình, rộng ra là cả một thế hệ nhà văn được Cách mạng hồi sinh, theo cách diễn đạt của nhà thơ Chế Lan Viên - tác giả “Điêu tàn” (1937), biểu trưng cho một lịch trình, một con đường đau khổ: “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, “Từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”.

Ít ai hình dung được nhà văn Nguyễn Tuân, người tưởng chừng chỉ “sống trong vang bóng một thời” lại chính là một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên tự nguyện, hăng hái tham gia phong trào Nam tiến, do Hội Văn hóa Cứu quốc (ra đời từ 6/1943) tổ chức; đoàn gồm có những tên tuổi văn nghệ đương thời như Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ... đi vào chiến trường Khu V (Bình Định, Phú Yên thuộc vùng Nam Trung Bộ).

Nhà văn hồi cố: “Chính những thái độ ưu ái, cởi mở ấy của anh Tố Hữu và anh Trần Huy Liệu là những yếu tố thêm vào cho mình dứt khoát đi theo Cách mạng và chuyển hẳn sang quan điểm vị nhân sinh” (nhân câu chuyện nhà văn Nguyễn Tuân được nhận 2.000 đồng tiền Cụ Hồ để đi đường và hỗ trợ gia đình từ ông Trần Huy Liệu và nhà thơ Tố Hữu).

Sự kiện này cho phép chúng ta tri nhận một sự thật dưới thanh thiên bạch nhật: Cách mạng đã cảm hóa và thu phục, tập hợp và đoàn kết văn nghệ sĩ bằng cả lý, cả tình thấu suốt đến tận chân tơ kẽ tóc.

Nhà văn Nguyễn Tuân (trái) và chuyên gia ngôn ngữ Tiệp Khắc. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Tuân (trái) và chuyên gia ngôn ngữ Tiệp Khắc. Ảnh tư liệu.

Trên những nẻo đường vui kháng chiến

Nếu chỉ là một cơn say mê nhất thời, bốc đồng coi Cách mạng chỉ như “một đêm phong hội mới”, nhà văn chỉ như một “dạ lữ khách không mỏi”, thì hẳn nhà văn Nguyễn Tuân lại có thể sau phút “huy hoàng rồi chợt tắt” sẽ trở về với “tháp ngà nghệ thuật” cố hữu của mình.

Sau thời gian tham gia Nam tiến (cũng là “xê dịch” trong không gian - thời gian mới), nhà văn Nguyễn Tuân lên Việt Bắc tham gia công tác cách mạng theo tinh thần/phương châm mới - “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”. Chúng ta hãy cùng hình dung một khung cảnh có thể nói “xưa nay chưa từng có” với nhà văn: “Lưng đeo ba lô, vai khoác ruột tượng, ông hành quân theo bộ đội trèo đèo lội suối đi đánh trận Đại Bục, Đại Phác... Cùng bộ đội tham gia hết chiến dịch này đến chiến dịch khác.

Ông không biết bắn súng nhưng vào chiến dịch ông đánh trống thúc quân động viên bộ đội xung phong diệt giặc. Hàng ngày cùng hành quân, cùng sống với bộ đội ông hướng dẫn bộ đội ghi hồi ký. Trong ba lô của ông không có súng đạn mà có nhiều sổ tay ghi chép của bộ đội” (Ngọc Trai - “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân”, NXB Hội Nhà văn, 2010, tr.31 - 32).

Trong Hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam 7/1948 (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay), nhà văn Nguyễn Tuân được tín nhiệm cao, bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Gần hai năm sau, ngày 8/4/1950, tại chiến khu Việt Bắc, nhà văn Nguyễn Tuân vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (nhà thơ Tố Hữu và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là hai người giới thiệu).

Nhà văn Nguyễn Tuân và vợ. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Tuân và vợ. Ảnh tư liệu.

Cùng trường phái lãng mạn trước 1945, nhà thơ Chế Lan Viên cũng trở thành đảng viên từ năm 1949. Tác giả của “Điêu tàn” (1937) có bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” với những câu thơ chan chứa ân tình: “Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn năm trời/Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ/Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?/Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm/Trong buổi đầu ta theo Đảng đi lên. (...). Tôi đứng dưới cờ giơ tay tuyên thệ/Trên quê hương mang hình bóng mẹ/ Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu/ Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau”.

Nguyễn Tuân khi ở vị thế mới, trong tâm thế mới, khung cảnh mới hào hùng và náo nức đã giúp nhà văn viết nên những “Đường vui”, “Tình chiến dịch”, “Tùy bút kháng chiến”... Những áng văn giàu chất sống mới, tươi vui, rộn ràng khí thế cứu quốc, theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Đình Thi, đó là những tác phẩm “ròng ròng sự sống”.

Cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tận hiến cho nghệ thuật và sự nghiệp chung của dân tộc, đất nước trong thời đại cách mạng và chiến tranh.

Nhà văn vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I, năm 1996). Không có cách đánh giá nào bằng về nhà văn Nguyễn Tuân: “Người đi tìm cái Đẹp, cái Thật” (Nguyễn Đình Thi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...