Khơi dậy năng lượng sáng tạo của nhà văn lão thành Việt Nam

GD&TĐ - Lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam, trong hai ngày 30/9 và 1/10, tại Hải Phòng.

Đồ Sơn, nơi sẽ diễn ra Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam. Ảnh minh họa.
Đồ Sơn, nơi sẽ diễn ra Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam. Ảnh minh họa.

Lần đầu tiên, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành Việt Nam, trong hai ngày 30/9 và 1/10, tại Hải Phòng. Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, các nhà văn cho rằng, hội nghị này là cú hích làm “chậm quá trình lão hóa” và “khơi dậy năng lượng sáng tạo”.

Nhà văn Đức Ban: Xốc lại đội ngũ, lòng đam mê…

Nhà văn Đức Ban.

Nhà văn Đức Ban.

Có lẽ, từ hồi thành lập Hội đến giờ, đây là hội nghị đầu tiên tập hợp nhà văn cao tuổi, có thành tựu văn chương.

Theo tôi, lực lượng này gồm những người trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (chiếm phần lớn) và cũng trải qua thời kỳ đổi mới với không ít va đập của đời sống. Đây là thế hệ hiểu sâu sắc hiện thực đời sống của đất nước và cũng là những nhà văn cống hiến rất nhiều cho nền văn học Việt Nam.

Việc Hội Nhà văn tổ chức được hội nghị này là một việc làm có ý nghĩa, xốc lại đội ngũ, lòng đam mê, khơi dậy năng lượng sáng tạo cho thế hệ nhà văn cao tuổi khi giờ đây không ít người đã thấy sức khỏe yếu, uể oải. Đồng thời qua đây Hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thêm gần gũi với một thế hệ nhà văn gạo cội của đất nước và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cùng những khát khao của thế hệ này.

Khi lắng nghe rồi thì có thể tìm ra được đường đi, nước bước nào đó cho nền văn học Việt Nam, không chỉ với thế hệ già mà kể cả thế hệ trẻ.

Việc giúp đỡ thế hệ trẻ để trở thành lực lượng kế cận, nòng cốt của văn học Việt Nam trong những năm tới đây như thế nào là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay ủy viên Ban Chấp hành Hội còn ít, không thể nắm chắc được hiện thực văn học ở các vùng miền nên cần phải có những cánh tay nối dài.

Cách đây hàng chục năm, cánh tay nối dài ấy là chi hội nhà văn ở các địa phương nên Hội cần nắm lấy để thực hiện các việc cụ thể, kể cả vấn đề đào tạo, kết nạp hội viên mới phải căn cứ hay nói cách khác là dựa vào ý kiến của các chi hội.

Hơn nữa, tôi thấy mục đích của hội nghị rất đúng đắn song để đi đến, Đảng, Nhà nước và Hội cần quan tâm đến suy nghĩ, nỗi niềm của các nhà văn lão thành, có như thế thì mới nói được việc xác lập sứ mệnh của họ là sáng tạo nên những tác phẩm lớn phản ánh sự vĩ đại của dân tộc.

Những nhà văn này là thế hệ có thể tổng kết được các vấn đề nhân văn của 2 cuộc kháng chiến vì họ là những người đã từng đổ xương máu, lăn lộn trên chiến trường, thấm thía được chiến tranh như thế nào chứ thế hệ sau này nếu có viết về chiến tranh cũng chỉ là gián tiếp.

Rất cần tranh thủ sớm hơn nữa lực lượng đội ngũ nhà văn này, theo tôi gần như vẫn là lực lượng nòng cốt của văn học Việt Nam hiện nay, khi còn dăm bảy năm nữa họ tiếp tục viết được gì và truyền đạt cho thế hệ trẻ điều gì? Thời gian của các nhà văn lão thành ngắn ngủi lắm rồi nên phải nâng niu và tận dụng những năng lực còn lại của họ để thu về tác phẩm có giá trị của nền văn học Việt Nam.

Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng: Công bằng đánh giá sức lao động văn học

Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng.

Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng.

Khi là đại biểu dự Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất tôi rất phấn khởi. Đầu tiên, điều đó cho thấy Hội Nhà văn Việt Nam đã công bằng đánh giá sức lao động văn học của các nhà văn cao tuổi (số nhà văn trên 70 tuổi khá đông, khoảng 300).

Tác phẩm của tôi đã đi vào thực tiễn (văn giới, nhà trường). Thứ hai, chứng tỏ bản thân còn nội lực (sức khỏe và tiềm năng văn học). Vì thế, tôi vừa cảm thấy tự hào vừa nhận trách nhiệm cao trước đồng nghiệp và bạn đọc.

Hoạt động này có thể coi là một sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam. Lâu nay dường như chỉ có TRẺ... mà không có GIÀ thì TRẺ từ đâu ra? Cuối cùng thì “tre già măng mọc” nhưng “gừng càng già càng cay”.

Phát triển văn học bền vững là sự kế tục các thế hệ nên đừng mơ “chôn thơ mới” hay một ảo tưởng nào đó tương tự.

Mặt khác, hội nghị sẽ có ảnh hưởng tới các nhà văn lão thành: Không được ngủ quên trong hào quang của quá khứ, nghệ thuật không có thời; sức trẻ của văn học không tùy thuộc tuổi tác (như nhà văn Ma Văn Kháng vừa ra mắt tập truyện ngắn ở tuổi 87).

Nhà văn lão thành khi thấy còn được quan tâm, khả năng sáng tạo của họ sẽ được “kích hoạt”. Tại hội nghị, nếu khẩu hiệu của văn trẻ là “Vì sao chúng ta viết?” thì với nhà văn lão thành có thể là “Sống với văn chương cùng thời”.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Cú hích làm chậm quá trình lão hóa để tiếp tục cống hiến

Nhà văn Lê Hoài Nam.

Nhà văn Lê Hoài Nam.

Nhận được giấy mời dự Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì đây là hội nghị dành cho các nhà văn lão thành nhưng phải là nhà văn có thành tựu và uy tín mới được mời.

Nhưng cũng giật mình bởi mới ngày nào tôi nhận giấy mời dự hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc. Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Vẫn biết ai rồi cũng đến cái lúc tuổi già nhưng tôi vẫn cứ mang cảm giác man mát buồn và nuối tiếc vì biết bao dự định còn chưa thực hiện được.

Tôi chưa biết chương trình nghị sự của hội nghị gồm những gì, diễn ra như thế nào, nhưng tôi nghĩ, sẽ không ngoài mục đích khẳng định, tuyên dương những thành tựu văn học mà thế hệ chúng tôi và những thế hệ trước đó đã đóng góp cho văn hóa dân tộc.

Đồng thời hội nghị cũng tạo cú hích làm chậm lại quá trình lão hóa để chúng tôi giữ lại được chút thanh tân tâm hồn và tiếp tục cống hiến trong những điều kiện có thể, làm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Cho dù chỉ làm được như thế thì hội nghị cũng mang một ý nghĩa không hề nhỏ rồi.

Không những vậy, tôi còn có tham vọng hội nghị đặt ra chương trình nghị sự lớn lao hơn: Chấn hưng văn chương Việt Nam, làm cho văn chương Việt Nam lôi kéo được bạn đọc (đã từng bị và đang bị các phương tiện văn hóa khác lôi kéo rất mạnh).

Bởi viết văn mà ít bạn đọc thì làm sao có động lực để văn học phát triển. Bởi vì một đất nước “ngàn năm văn hiến” như Việt Nam mà văn chương ngày càng trở nên xa lạ với công chúng thì còn gì đáng ngại và đáng buồn hơn. Bấy lâu nay tôi cứ lặng lẽ lôi kéo bạn đọc theo cách của mình.

Gặp bất cứ ai mà có dấu hiệu yêu và trọng thị văn chương là tôi lôi tác phẩm mình viết ra tặng. Không một chút nuối tiếc dù sách đắt hay rẻ, lại còn lấy làm vui khi được tặng sách. Tôi hy vọng sau hội nghị này bạn đọc sẽ tìm đến với tác phẩm văn học một cách tự nhiên chứ không cần một cuộc phát động nào như chúng ta đã và đang làm.

Bên cạnh đó, được biết, hội nghị sẽ đặt ra vấn đề văn học đề tài lịch sử và giá trị của nó trong nâng cao tâm hồn dân tộc trong mỗi con người. Có thể nói, giáo dục lịch sử dân tộc cho người Việt đương nhiên là nhà sử học, giáo viên chuyên trách về môn Sử, nhưng nhà văn của chúng ta có phải là “vai phụ”, là nhân vật thứ yếu trong việc này không? Tôi cho rằng nhà văn cũng là một vai chính, thậm chí một tác nhân quan trọng.

Bởi vì, cũng là bài học lịch sử nhưng thông qua hình tượng nghệ thuật sẽ có tác động mạnh mẽ hơn là dạy khô khan như sách giáo khoa. Thời Lê - Trịnh, có sách giáo khoa sử nào có tác động sâu sắc hơn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim “Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng? Có cuốn sách giáo khoa nào về nhà Trần giúp ta cảm nhận sâu xa hơn bộ tiểu thuyết 4 tập viết về nhà Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải?

Hay về triều Tây Sơn, có sách nào tác động vào tâm hồn người đọc hơn là tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác, “Thiên mệnh” của Nguyễn Trọng Tân? Không những thế, bằng chức năng của mình, văn học còn giải mã, minh định lại cho đúng về một số nhân vật lịch sử còn có những nhận thức khác nhau như Lê Văn Thịnh thời Lý, Nguyễn Trãi thời Lê sơ, Phần Thanh Giản, Cao Bá Quát thời Nguyễn…

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm: Nơi tôn vinh văn học đích thực

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Hội nghị các nhà văn lão thành được tổ chức ở Hải Phòng lần này là một sự kiện đặc biệt. Suốt 66 năm thành lập (1957 - 2023), đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức được một hội nghị dành riêng cho các nhà văn lão thành.

Điều này thể hiện cái tâm, cái tầm, cái tình; sự tôn trọng, sự tri ân của Ban Chấp hành Hội nói chung, của cá nhân Chủ tịch Hội Nhà văn nói riêng dành cho các nhà văn có những đóng góp nổi bật qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng đất nước.

Sự tôn vinh các nhà văn lão thành chính là sự tôn vinh văn chương, tôn vinh các giá trị mà văn chương đã đóng góp vào quá trình gìn giữ, phát huy tâm hồn dân tộc, nhân văn, nhân ái, nhân hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, tô thắm truyền thống lịch sử hào hùng chống ngoại xâm bảo vệ độc lập Tổ quốc. Ca ngợi các nhà văn lão thành chính là ca ngợi sự đóng góp to lớn của Hội Nhà văn Việt Nam; ca ngợi vai trò, đường lối của Đảng đối với văn nghệ sĩ.

Không phải chỉ các nhà văn lão thành, bất kỳ nhà văn nào cũng muốn được dự cuộc hội nghị lịch sử này. 66 năm qua, hàng nghìn nhà văn Việt Nam xuất hiện ở mọi miền đất nước. Mấy người được gặp mặt nhau.

Hầu hết biết nhau, trọng nhau, ngưỡng mộ nhau qua tác phẩm, các trại sáng tác, một vài lần đi thực tế, tặng sách… Đây là dịp để trông thấy nhau bằng da bằng thịt, được nghe tiếng nói của nhau. Nó da diết lắm, mặn mòi lắm, ấm cúng lắm, khao khát lắm.

Sẽ rất nhiều tâm trạng, tâm sự được sẻ chia, bộc bạch, kiến nghị nhưng tôi tin, bao trùm lên tất cả là sự vui tươi, phấn khởi, hồ hởi, tay bắt, mặt mừng, đầm ấm, tình nghĩa. Sẽ có nhiều điều để nói nhưng tôi tin, điều được nói nhiều hơn cả là lời cảm ơn sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước; cảm ơn Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đặc biệt là cảm ơn Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nếu không có sự năng động, không có sự sáng suốt của Ban Chấp hành, của Chủ tịch Hội thì không có được buổi gặp mặt quý báu này.

Đây là thế hệ các nhà văn đã theo Đảng, đóng góp sức lực và xương máu của mình làm nên chiến thắng huy hoàng qua hai cuộc kháng chiến. Hội nghị các nhà văn lão thành giống như “hội nghị Diên Hồng” của Hội Nhà văn. Thành phần dự hội nghị hầu hết là những nhà văn đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm và các giải thưởng xuất sắc khác.

Đây chính là cuộc hội tụ ưu tú nhất của văn học Cách mạng Việt Nam. Tôi tin, tất cả các tác giả sẽ biểu quyết nhất trí toàn tâm, toàn ý sáng tác phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Tất cả sẽ đồng tâm nhất trí với chủ trương đường lối của Đảng xây dựng phát triển một nền văn học trong sáng, lành mạnh, đổi mới, chống tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng đến cùng, đưa nước ta tiến lên hùng cường, giàu mạnh. Các nhà văn sẽ được quan tâm đặc biệt, được xứng đáng đặt đúng tầm của nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UKA Bà Rịa nâng cấp dịch vụ School Bus

UKA Bà Rịa nâng cấp dịch vụ School Bus

GD&TĐ - Dịch vụ School Bus tại UKA Bà Rịa được nâng cấp toàn diện với xe đời mới, ứng dụng theo dõi hành trình, hệ thống chuông giám sát cảnh báo an toàn.