Những nhà toán học nổi danh từ… nhà tù

GD&TĐ - Năm 2011, Christopher Havens (1980) bị kết án 25 năm tù giam vì tội giết người. Chín năm sau, kẻ sát nhân này nổi tiếng toàn cầu nhờ giải được bài toán cổ hóc búa nhất mọi thời đại.

André Weil (1906 – 1998), cha đẻ của Giả thuyết Riemann, phát minh trong 1 năm ở tù khắp châu Âu.
André Weil (1906 – 1998), cha đẻ của Giả thuyết Riemann, phát minh trong 1 năm ở tù khắp châu Âu.

Thú vị hơn, trước Havens, nhà tù cũng là nơi sản sinh một vĩ nhân toán học khác: André Weil (1906 – 1998, Pháp).

Thanh niên nông nổi

Christopher Havens khai sinh tại Olympia, Washington (Mỹ). Mới 16 tuổi, Havens bỏ học, sa đà vào con đường sai trái.

Những năm 2000, tệ nạn buôn bán methamphetamine (ma túy đá) bùng phát ở Mỹ. Havens là một trong các thanh niên nghiện ngập và phạm pháp. Anh bắt tay bán lẻ ma túy đá cùng một kẻ khác là Randen S. Robinson.

Tháng 3/2010, Havens và Robinson mâu thuẫn chia chác tiền ma túy. Họ cãi vã kịch liệt và trong cơn giận dữ, Havens kết liễu Robinson bằng một phát đạn vào đầu.

Năm 2011, Tòa án Washington kết án Havens tội giết người, tuyên án 25 năm tù giam và chuyển tới nhà tù Monroe trong bang. “Tôi ghét học hành”, Havens thừa nhận. “Thời học sinh, tôi bỏ học từ trung học rồi trở thành thanh thiếu niên nghiện ngập, thất nghiệp, vô gia cư…”.

Tù nhân say mê toán

Christopher Havens (1980), nhà toán học nghiệp dư xuất thân tội phạm, người duy nhất phá giải được toán Euclid.
 Christopher Havens (1980), nhà toán học nghiệp dư xuất thân tội phạm, người duy nhất phá giải được toán Euclid.

Không ngờ là trong phòng giam, Havens đột nhiên muốn học. Anh đọc các sách giáo khoa trong thư viện nhà tù rồi hứng thú với môn Toán. Chẳng bao lâu, Havens đã “xử lý” hết những kiến thức toán cơ bản. Anh thèm được nghiên cứu toán cấp cao, nên đã đặt sách từ bên ngoài.

Tuy Havens có thể đặt sách, nhưng chỉ được nhận hàng dưới sự cho phép của ban lãnh đạo nhà tù. Monroe ra điều kiện, sẽ cho Havens nhận sách nếu đồng ý làm… giáo viên. Lẽ dĩ nhiên, học sinh của anh là các tù nhân khác.

Havens nhận lời và Monroe bỗng chốc trở thành… trường dạy toán. Càng lúc, Havens lại càng “siêu” toán, dễ dàng giải hết các bài tập dạng nâng cao. Anh khao khát những đề khó hơn, cuối cùng quyết định viết thư tay gửi đến một nhà xuất bản toán học, nhờ họ cho đề.

Thư của Havens được chuyển tới một biên tập viên của Nhà xuất bản Khoa học Mathematica (Mathematica Science Publisher). Người này đọc xong thì gửi tới Marta Cerruti, bằng hữu có cha là cựu Giáo sư toán Đại học Turin - Umberto Cerruti.

Ban đầu, Cerruti nghi ngờ tù nhân Havens “giỡn mặt”. Ông chỉ vì chiều ý con gái mà gửi đến cho Havens 1 đề lý thuyết toán, xem anh có hiểu không. Havens gửi lại cho Cerruti hẳn bức thư dài 1,2m, ghi một công thức “dài như thế kỷ” và hoàn toàn chính xác.

Phá giải toán cổ

Xem xong thư của Havens, Cerruti choáng váng. Ông lập tức mời tù nhân này hãy cùng mình giải quyết một đề toán cổ, có từ năm 300 trước Công nguyên. Cerruti đã vắt óc suốt sự nghiệp mà vẫn chưa giải quyết được đề toán này. Không chỉ ông mà cả thế giới cũng chưa ai giải được.

Đề toán cổ Cerruti muốn giải do nhà toán học lỗi lạc của Hy Lạp - Euclid (330 – 275 TCN) đánh đố. Đó là số pi (3,14…) được viết dưới dạng phân số, nhìn cực kỳ đẹp mắt và đơn giản, nhưng khi đi tìm nguyên lý mới thấy khó không tưởng.

Năm 2013, bộ đôi thách thức toán cổ Havens – Cerruti chào đời. Trong suốt 6 năm, kẻ trong – người ngoài nhà tù liên tục trao đổi, tìm phương hướng giải quyết. Tháng 1/2020, họ báo cáo phá giải thành công đề toán của Euclid. Đặc biệt, Havens chính là người ra tay dứt điểm. Anh còn phá giải đề toán thiên cổ này chỉ bằng bút và giấy trong phòng giam không máy vi tính hay Internet.

Lập tức, tên tuổi Christopher Havens nổi tiếng toàn thế giới. Ngoài vang danh “người đầu tiên thành công phá giải đề Euclid”, Havens còn khơi nguồn cảm hứng say mê toán cho các bạn tù. Anh thành lập câu lạc bộ yêu toán trong Nhà tù Monroe, cùng mọi người tiếp tục chinh phục toán.

Hiện, Havens vẫn còn 15 năm phải thụ án. Anh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi toán và sau này, khi được tự do, sẽ lần lượt lấy các bằng cử nhân, cao học… trở thành nhà toán học chính thức.

Tiền bối đáng nể

Đề toán cổ của nhà toán học Euclid (330 – 275 TCN).
Đề toán cổ của nhà toán học Euclid (330 – 275 TCN).

Niềm đam mê và nghị lực của Havens khiến giới toán học toàn cầu phải ngả mũ thán phục. Vốn dĩ, bộ môn Toán thường không gắn liền với các câu chuyện cảm động đời thực. Thế nhưng, trước Havens, toán đã “cứu chuộc” một người khác: André Weil.

André chào đời tại Paris, là anh trai của nữ triết gia nổi tiếng Simone Weil (1909 - 1943). Khác với Havens, André là học sinh gương mẫu, liên tục đạt nhiều thành tích học tập đáng nể và sớm bắt đầu sự nghiệp giảng dạy.

Năm 1933, sau 2 năm giảng dạy ở Trường Đại học Hồi giáo Aligarh (Ấn Độ), André quay lại Pháp, làm việc tại Đại học Strasbourg. Khi Pháp rục rịch chuẩn bị cho Thế chiến II (1939 – 1945), André bày tỏ thái độ phản đối. Ông tránh đi nghĩa vụ quân sự bằng cách du lịch Scandinavia vào tháng 4/1939.

Xui cho André, đang lang thang ở Phần Lan thì rơi ngay vào cuộc Chiến tranh Liên Xô – Phần Lan (1939 – 1940). Sợ về Pháp sẽ bị bắt đi lính, ông trốn chui lủi nhưng vẫn bị bắt, vì trong phòng có nhiều bức thư viết bằng tiếng Nga (chỉ là thư trao đổi học thuật với đồng nghiệp).

Phần Lan nghi ngờ André là gián điệp Liên Xô, tạm giam rồi trục xuất qua Thụy Điển. Thụy Điển đẩy André qua Anh, và Anh quốc tống cổ ông về lại Pháp.

Tháng 1/1940, André bị đưa vào trại giam Le Havre, sau đó chuyển sang Nhà tù Quân sự Bonne - Nouvelle, Rouen (Pháp). Thế nhưng cũng chính trong 1 năm bị ném tới ném lui vào các nhà giam trên khắp châu Âu này, André phát kiến và thành công chứng minh chương trình toán học nổi tiếng nhất đời mình: Giả thuyết Riemann.

Ngày 3/5/1940, Pháp kết án André 5 năm tù giam. Biết không thể “đối cứng” mãi, André xuống nước xin đi quân dịch. Ông được cho ra tù ngay lập tức, xung quân làm binh nhì.

Tháng 1/1941, André chớp cơ hội đào tẩu, chạy sang Mỹ. Tại đây, ông tới Pennsylvania, xin vào Trường Cao đẳng Haverford. Những năm còn lại, André giảng dạy ở nhiều nơi, trong đó có cả Đại học São Paulo (Brazil). Ông trở thành nhà toán học vĩ đại, kiêm luôn nhà ngôn ngữ học và chuyên gia Ấn Độ hàng đầu.

Theo Theconversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ